Bỏ rơi con để chạy theo tình yêu, 6 năm sau quay về liệu có hối hận

Cô gái gọi điện cho Thanh Tâm ước chừng 28 tuổi, giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy u uất muốn tâm sự. Năm 18 tuổi, cô gái kết hôn với chàng trai cùng xã, hơn cô 12 tuổi. Họ đến với nhau bằng tình yêu và được sự ủng hộ của đôi bên gia đình.

Cưới về, cô được chồng và nhà chồng thương yêu và vun đắp hạnh phúc cho đôi trẻ. Đôi trẻ được sự giúp đỡ của gia đình cũng cố gắng làm ăn, yêu thương nhau. Sau 2 năm kết hôn, cô sinh con đầu lòng, rất kháu khỉnh, có gia đình, họ hàng đôi bên nhân đôi hạnh phúc. Cô càng được nhà chồng cưng chiều hơn. Tháng ở cữ, cô không động tay, động chân việc gì, tối ngủ có bà nội bế cháu cho ngủ trọn giấc.

Con trai cứng cáp, gia đình cấp vốn cho vợ chồng làm xưởng mộc. Thời gian đầu cả hai rất chăm chỉ làm ăn. Những tưởng hạnh phúc cứ thế êm ái với gia đình đôi vợ chồng trẻ. Ai ngờ, chồng cô gái bắt đầu có biểu hiện chơi cờ bạc. Cô được gia đình chồng nâng đỡ nên ỷ lại, thấy chồng chơi, vợ cũng chơi. Hai vợ chồng làm ít chơi nhiều, không vun vén gia đình, ăn tiêu không tính toán nên chả mấy chốc trở thành con nợ ở làng.

Sau khi cậu con trai lớn được 3 tuổi, cô sinh thêm một đứa con. Cuộc sống khó khăn lại chồng chất khó khăn. Công việc của hai vợ chồng không đều đặn như trước, lại thêm tính lười biếng, ham chơi nên công việc đã ít càng ít. Tiền không có, con cái nheo nhóc, vợ chồng tiếng bấc tiếng chì, làm cho cuộc sống gia đình căng thẳng.

Khi con gái được 2 tuổi, cô gái đề nghị với chồng đi xuất khẩu lao động. Hai vợ chồng bàn tính, cuối cùng thống nhất để vợ đi Đài Loan, hy vọng sau vài năm có chút vốn về làm ăn, xây dựng tương lai cho con cái, còn chồng ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa. Vợ chồng đi vay tiền để đặt cọc và làm thủ tục để người vợ đi xuất khẩu lao động.

Khi mới sang bên Đài Loan, cô vợ thường xuyên giữ liên lạc với chồng con, gọi điện, online thường xuyên để nhìn thấy các con. Cô gái tự nhủ quyết tâm tằn tiện vài năm về với chồng con, cùng chồng xây dựng tổ ấm.

Nhưng cuộc sống có nhiều ngã rẽ, có lẽ đây là ngã rẽ sai lầm của cô. Sang Đài Loan được 6 tháng, cô đã có tình cảm với anh cùng xưởng. Vui mối quan hệ mới, cô “quên” mất chồng và 2 đứa con thơ dại ở nhà. Những cuộc gọi điện về nhà thưa dần, có khi cả tháng cô không gọi về nhà, chồng cô liên lạc không được. Bẵng đi thời gian, vài tháng cô cũng không liên lạc hỏi thăm các con, rồi đằng đẵng cả năm cô cũng chỉ nhắn tin cho chồng, tuyệt nhiên không nói chuyện với hai con mình.

Chồng cô ở nhà, một nách hai con thơ, lại nghĩ chuyện vợ, đâm ra chán nản, làm ít chơi nhiều, rồi cùng bạn bè tụ tập ăn uống, hát hò thường xuyên dù vẫn lo cho các con bữa ăn, học hành.

3 năm sau, cô trở về, những tưởng chuyện yêu đương nơi xứ người sẽ chấm dứt khi cô gặp lại các con. Nhưng không, cô về để ly dị chồng, để lại 2 đứa con cho chồng nuôi, còn mình trở lại Đài Loan.

Anh chồng chấp nhận gồng gánh nuôi 2 đứa con thơ. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, ly dị vợ được 2 năm thì anh gặp tai nạn và qua đời. Tận cùng của khổ đau, khi hai đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa, những tưởng cô sẽ quay về, thay chồng cũ nuôi dưỡng các con. Nhưng không, cô vẫn biền biệt, không lời hỏi thăm hai đứa con kể từ sau khi bố chúng qua đời.

Hai đứa trẻ được cô chú nuôi dưỡng, cũng coi như bù đắp được mất mát. Mấy năm, hai đứa trẻ ở với cô chú, chưa một lần người mẹ gọi điện hỏi thăm con cái. Nhưng hai đứa trẻ vẫn được dạy dỗ yêu thương mẹ nên luôn mong ngóng được có mẹ ở bên.

Sau 6 năm bôn ba xứ người, cuộc tình mặn nồng ngày nào đã tan, cô chuẩn bị trở về nước và mong đón hai đứa con bao năm mình không ngó ngàng tới. Nhưng trong cô là nỗi sợ hãi khi phải đối diện với hai con của mình. Cô sẽ làm gì để chúng hiểu bằng ấy năm, cô không liên lạc với các con? Các con liệu có tha thứ cho cô không? Cô nghẹn ngào, nức nở nói với Thanh Tâm: Cô ước thời gian quay trở lại, cô sẽ yêu thương các con hơn.

Thanh Tâm ngờ ngợ đây không phải là người mẹ, không phải là nhân vật chính. Sau khi hỏi mấy câu, cô gái nhận mình là em gái. Vậy là Thanh Tâm đã biết mình phải làm gì. Thanh Tâm chỉ cho cô gái cách trở thành “nhịp cầu” nối chị gái với các cháu, là người hoà giải nỗi đau của bên nội sau bao năm thương hai cháu bị mẹ bỏ bẵng. Điều quan trọng nhất chính là việc người mẹ đã nhận ra sai lầm của mình và muốn đứng lên sau sai lầm ấy. Thật may mắn là cô chú của các cháu vẫn dạy hai con biết yêu thương mẹ, việc nối liền 6 năm xa cách sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Mong rằng, sau những sai lầm tuổi trẻ, người mẹ ấy sẽ biết mình phải bù đắp thế nào cho các con chứ không phải chiều chuộng các cháu quá để làm hư con trẻ.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *