Sau khi rời CLB bóng chuyền Ngân hàng Công thương, nhường “ghế nóng” lại cho HLV phó Phạm Kim Huệ, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã quyết định đến với đội bóng xếp thứ 6 tại giải bóng chuyền VĐQG PV GAS 2021 – Than Quảng Ninh.
Gắn bó với bóng chuyền Ngân hàng Công thương kể từ cuối 2015 đến nay, nhà cầm quân Nguyễn Tuấn Kiệt gắn liền với nhiều bước thăng, trầm của đội bóng này. Về chuyên môn, không thể phủ nhận HLV Nguyễn Tuấn Kiệt là người góp phần tạo nên nhiều tên tuổi các VĐV như: Đinh Thị Thúy, Nguyễn Thu Hoài, Lưu Thị Huệ… Đội bóng này cũng giành được nhiều thành tích đáng nể như chức vô địch cúp VTV9 Bình Điền, vô địch cúp Hùng Vương, VĐQG… Tuy nhiên khi mà lực lượng không còn ổn định, nhiều sự bất ổn đã liên tiếp diễn ra, ông Kiệt đã chính thức nói lời chia tay với đội bóng ngành ngân hàng.
Rời CLB Ngân hàng Công thương, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã quyết định đến với đội bóng xếp thứ 6 tại giải bóng chuyền VĐQG PV GAS 2021 – Than Quảng Ninh. Mùa giải vừa qua, đội bóng vùng mỏ chính là đối trọng của CLB Ngân hàng Công thương khi hai đội bóng có màn so kè đáng chú ý tại giải bóng chuyền VĐQG. Nếu như may mắn hơn có lẽ Than Quảng Ninh mới là đội bóng lọt Top 4 chứ không phải Ngân hàng Công thương.
Năm qua, đội bóng Than Quảng Ninh cũng có sự điều chỉnh tại vị trí HLV trưởng trước vòng 2 khi cựu thuyền trưởng đội tuyển bóng chuyền quốc gia Thái Thanh Tùng lên nắm quyền chỉ đạo. Mùa này, sau khi mời cựu HLV Nguyễn Tuấn Kiệt về nắm quyền thì Ban huấn luyện đội bóng được nâng tầm bằng những vị HLV trong BHL đội tuyển quốc gia như HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt, HLV phó Lê Thị Hiền.
Theo tân HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt, trước mắt đội sẽ bổ sung thêm các vị trí còn thiếu như thêm 1 phụ công để bù đắp lỗ hổng mà Trà Giang ra đi để lại. Với nội lực sẵn có và quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh, đội bóng chuyền đất Mỏ đang hướng tới những thành công trong thời gian tới.
HLV Nguyễn Tuấn Kiệt rời đi, Ban lãnh đạo CLB Ngân hàng Công thương lập tức chỉ định trợ lý Phạm Kim Huệ ngồi vào “ghế nóng”. Nhắc đến bóng chuyền nữ Việt Nam, Phạm Kim Huệ là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất. Đó là cô phụ công tài năng trên sân đấu, người đội trưởng đầy bản lĩnh, hoa khôi rạng ngời trên sàn đấu cùng miếng đánh một chân vốn đã mang thương hiệu của số 5 đội tuyển Việt Nam.
Năm 2004, khi VTV Cup lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, Kim Huệ là tay đập khiến các đối thủ e ngại nhất. Các VĐV nước bạn khi được hỏi về cái tên đáng chú ý của đội tuyển Việt Nam, hầu hết câu trả lời đều là Kim Huệ. Kim Huệ đến với bóng chuyền khi đã 13 tuổi, sau một thời gian tập luyện cùng đội điền kinh trẻ Hà Nội. Cô gia nhập đội bóng chuyền TTLVPB năm 1996. Chỉ mất khoảng 3 năm tập luyện, với tố chất bẩm sinh, Kim Huệ được lên đội 1 của đội bóng áo lính. Năm 1999, cô trở thành thành viên trẻ nhất của đội tuyển Việt Nam khi mới 17 tuổi. Và cũng chỉ mất thêm 2 năm, Kim Huệ trở thành đội trưởng trẻ nhất ở CLB cũng như đội tuyển quốc gia.
Gần 20 năm thi đấu với những thăng trầm trong sự nghiệp, Kim Huệ trở thành một tượng đài của làng bóng chuyền nữ Việt Nam với 9 chức vô địch quốc gia, 7 tấm huy chương bạc SEA Games cùng kỷ lục 17 lần liên tiếp tham dự giải vô địch quốc gia. Bên cạnh đó là hàng loạt các danh hiệu tập thể cũng như cá nhân tại các giải đấu trong và ngoài nước.
Ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, Kim Huệ là một trong những phụ công xuất sắc của khu vực Đông Nam Á. Trong những năm tháng với vai trò là đội trưởng đội tuyển quốc gia, Kim Huệ luôn thể hiện được tố chất cũng như bản lĩnh của mình, là đầu tàu ghi điểm của cả đội cũng như vực dậy tinh thần của các đồng đội những lúc gặp khó khăn.
Thế nhưng với Kim Huệ, ở vai trò HLV lại hoàn toàn khác, một VĐV giỏi chưa chắc đã trở thành một HLV hay. Ngoài chuyên môn, thì một HLV tốt còn phải tạo được sự kết nối, tính đoàn kết giữa các đồng đội. Ngân hàng Công thương đang ở tình thế vô cùng khó khăn. Trong rất nhiều năm tồn tại của đội bóng này chưa khi nào lực lượng lại mỏng và yếu như vậy. Việc chỉ định Kim Huệ làm HLV trưởng cũng ở trong tình thế buộc phải làm. Nhưng khi lãnh đạo chỉ định, Kim Huệ vì trách nhiệm cũng không chối từ.
Kim Huệ không chỉ là VĐV bóng chuyền thành công nhất Việt Nam mà chị còn là VĐV nổi tiếng bậc nhất của cả làng thể thao Việt Nam khi giành được vô số các danh hiệu từ cá nhân, hoa khôi, cấp CLB và ĐTQG. Hi vọng dù có những khó khăn, sẽ có vấp ngã nhưng Kim Huệ sẽ thành công trên cương vị mới của mình.