Cùng nghe những chia sẻ của cựu phụ công – hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Thu Trang về cuộc sống và cộng việc hậu giải nghệ nhé!
Chào chị, chị đánh giá thế nào về một năm qua với công việc trợ lý thống kê của mình?
Phạm Thị Thu Trang: Năm qua là một năm thực sự khó khăn cho Thể thao Việt Nam. Dịch bệnh kéo dài khiến cho các giải đấu bị hoãn, huỷ khá nhiều. Thời điểm cuối năm có khá nhiều giải đấu tổ chức gần nhau, lịch công tác dày đặc nhiều khi khiến mình cũng cảm thấy mệt mỏi. Chỉ tiêu của CLB tại các giải đấu luôn là vô địch cũng tạo ra một áp lực lớn đối với công việc của mình. Nhưng kết quả mà CLB đã đạt được tại các giải đấu trong năm qua đã xua tan đi mọi sự mệt mỏi và áp lực, tạo thêm động lực cho mình trong công việc. (Cười)
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn nhưng cũng rất thành công với Phạm Thị Thu Trang và CLB Bóng chuyền Thông tin Liên Việt Post Bank.
Để có thể thực hiện được công việc này, chị mất bao nhiêu thời gian và chặng đường “tầm sư học đạo” có gian nan hay không?
Phạm Thị Thu Trang: Để thực hiện công việc này mình cũng mất khoảng 6 tháng để học hỏi, thực hành và khoảng một năm thì mình đã có thể làm thành thạo. Giai đoạn “tầm sư học đạo” này cũng gian nan lắm.
Tháng 1/2018, CLB Thông tin Liên Việt Post Bank có chủ trương đưa công nghệ thông tin vào luyện tập và thi đấu ở CLB. Lúc đó mình mới nghỉ sinh em bé thứ hai được 7 tháng và trở lại làm việc tại CLB thì được đề xuất là một trong những thành viên sẽ học với chuyên gia Thái Lan.
10 ngày học với chuyên gia mình phải học từ sáng sớm đến chiều tối, chỉ được nghỉ trưa 1 tiếng vì lượng kiến thức quá nhiều mà thời gian học lại ngắn. Lúc đó em bé ở nhà vẫn còn chưa cai sữa, vừa học mà vừa lo lắng cho con ở nhà.
Sau khi kết thúc quãng thời gian tập huấn thì là cả năm trời vất vả song hành giữa việc chăm con nhỏ, thức đêm để thực hành và nghiên cứu chưa kể những chuyến đi thi đấu cùng CLB.
Sau một năm vất vả với chuyến công tác cuối cùng của năm để hoàn thiện khoá học với chuyên gia, mình nghĩ mọi việc đã hoàn thành. Thế nhưng sau đó là một tuần học khoá nâng cao một thầy một trò với những kiến thức hoàn toàn mới.
Và cũng phải kể đến một khó khăn nữa đó chính là ngoại ngữ. Dù có thể sử dụng được tiếng Anh nhưng lại có rất nhiều từ chuyên ngành lần đầu được biết đến nên cần thời gian để có thể hiểu được.
Rất nhiều báo đài đã đưa tin về công việc của chị nhưng “người trong cuộc” thì vẫn chưa một lần chia sẻ, chị có thể nói đôi chút về công việc của mình?
Phạm Thị Thu Trang: Công việc của mình hiện tại hơi đặc biệt một chút so với Thể thao Việt Nam cũng như bóng chuyền trong nước. CLB Thông tin Liên Việt Post Bank là CLB đầu tiên đưa công nghệ thông tin áp dụng vào tập luyện và thi đấu. Hiện tại mình đang là người phụ trách công việc đó cho toàn CLB từ đội trẻ tới đội chính.
Công việc của mình là phân tích trận đấu, tập luyện để có thể đưa ra các thông số kỹ thuật của từng vị trí VĐV, lối chơi… của cả đội mình lẫn CLB để từ đó giúp HLV có thể đưa ra những chỉ đạo chiến thuật hay hoàn thiện tốt nhất cho từng cầu thủ.
Theo chị thì để thực hiện được công việc này cần những yếu tố gì?
Phạm Thị Thu Trang: Cách đây không lâu cũng có một bạn fan hâm mộ bóng chuyền đã hỏi mình câu này, tiện đây mình cũng xin chia sẻ để các bạn nếu có đam mê và khả năng thì cũng có thể theo đuổi công việc này nhé.
Trước hết, để làm được điều này thì bạn cần phải rất hiểu về bóng chuyền, về kĩ chiến thuật, về các VĐV, cách tập luyện trong bóng chuyền… vì đó là những điều không thể thiếu trong công việc này.
Tiếp đó, bạn phải có kĩ năng sử dụng máy tính ở mức khá trở lên, việc đánh máy nhanh là một lợi thế không hề nhỏ.
Cuối cùng đó chính là ngoại ngữ, vì phần mềm này sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh nhé.
Hiện mới chỉ có Phạm Thị Thu Trang là người duy nhất làm công việc thống kê trong làng bóng chuyền Việt Nam.
Bóng chuyền hiện đại thì hầu hết các đội bóng từ ĐTQG tới CLB đều có đội ngũ thống kê hùng hậu, ở Việt Nam thì chỉ có duy nhất mình chị điều này có vất vả hay không?
Phạm Thị Thu Trang: Điều đó thực sự rất là vất vả đấy, nhất là mình lại là nữ nữa. Câu đầu tiên mà chuyên gia người Thái hỏi mình bạn có biết là gì không?
Khi đó, thầy hỏi mình: “Tại sao bạn lại muốn làm nghề này? Vì nghề này con gái làm vất vả lắm. Lúc người ta ngủ thì mình làm việc, lúc người ta đi ăn thì mình vẫn còn đang ngồi ngoài sân đấu”.
Lúc đó, mình chỉ biết trả lời là mình thích vì mình thật sự thấy đam mê với nó và rất muốn bóng chuyền Việt Nam có thể nâng lên một tầm cao mới. Điều quan trọng nhất là có thể kéo gần khoảng cách với bóng chuyền Thái Lan.
Nhắc lại một chút về sự nghiệp của mình, việc chia tay sân đấu khá sớm có khiến chị tiếc nuối điều gì hay không?
Phạm Thị Thu Trang: Mình cũng có một chút tiếc nuối vì lúc đó đối với VĐV chuyên nghiệp đang là đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng VĐV mà không được thi đấu và cống hiến hết mình thì cũng khó có thể tiếp tục đam mê của mình lắm.
Được nhận xét là “nhỏ nhưng có võ”, sở hữu chiều cao khiêm tốn so với vị trí phụ công, chị đã bù đắp điều đó bằng những gì?
Phạm Thị Thu Trang: Việc thể hình nhỏ bé hơn là bất lợi rất lớn trong môn bóng chuyền, nhất là vị trí phụ công vốn luôn ưu tiên chiều cao lên hàng đầu. Để bù đắp điều đó thì trước đây trong tập luyện mình phải nâng cao sức bật, khả năng di chuyển nhanh hơn và đặc biệt phải rèn luyện việc phán đoán trước ý đồ của đối phương. Cùng với đó là sự rèn luyện, va chạm và tích luỹ trong nhiều năm tập luyện, thi đấu.
Tạm xa một chút về công việc, không biết cuộc sống hàng ngày của chị như thế nào khi không có các giải đấu?
Phạm Thị Thu Trang: Không có giải đấu thì cuộc sống của mình cũng thú vị lắm. Hết giờ làm ở cơ quan thì về đón con, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Mỗi ngày được chơi với con là mình nghĩ ra trò chơi mới cho con. Đối với mình mỗi ngày lớn lên của con là một sự thay đổi và nó bắt buộc mình cần phải thay đổi để phù hợp hơn với con.
Cuối tuần khi rảnh rỗi thì mình dành thời gian một chút cho môn golf.
Từng ghi dấu ấn lớn khi tổ chức thành công giải HAVL – giải bóng chuyền không chuyên đầu tiên của Việt Nam, chị nghĩ gì về những lời khen dành cho mình sau giải đấu này?
Phạm Thị Thu Trang: Để có được một giải đấu thành công là sự phối hợp của một đội ngũ từ BTC, trọng tài cho tới truyền thông và cả các đội bóng tham gia giải. Mình cảm ơn mọi người đã dành lời khen và xin chuyển lời khen tới tất cả ekip của giải đấu, hy vọng sẽ còn tiếp tục được nhiều giải đấu như thế hơn nữa trong thời gian tới.
Nếu như sắp tới các giải bóng chuyền không chuyên tiếp tục mời chị làm cố vấn hay hỗ trợ tổ chức, chị có sẵn lòng?
Phạm Thị Thu Trang: Mình luôn sẵn lòng hỗ trợ cho thể thao phong trào được phát triển mạnh mẽ.
Làm bà mẹ hai con, chị dành thời gian thế nào cho hai nhóc tỳ của mình?
Phạm Thị Thu Trang: Thực tế thì hai bé nhà mình cũng hơi thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa vì mình phải đi công tác khá nhiều. Thời gian để luôn song hành cùng con cũng bị hạn chế. Buổi sáng, việc gọi các bạn dậy đi học nhiều khi cũng khá khó khăn còn buổi tối là thời gian mẹ và con cùng nhau chơi nhiều trò chơi thú vị.
Trong việc nuôi dạy con chị thuộc mẫu người truyền thống hay hiện đại?
Phạm Thị Thu Trang: Trong việc nuôi dạy con thì mình thuộc tuýp người hiện đại. Mình luôn hướng các con đến những môi trường mở, tạo ra không gian cho các con được khám phá để bộc lộ bản thân mình.
Từng đưa con đi trong một số giải đấu gần nhà, chị có hướng cho con đi theo thể thao hay không?
Phạm Thị Thu Trang: Mình thì chưa có dự định gì cho con cái cả. Việc có cho con theo thể thao chuyên nghiệp hay không thì chờ sau này con lớn hơn một chút sẽ để con tự lựa chọn tương lai cho mình thôi.
Dự định sắp tới của chị là gì?
Phạm Thị Thu Trang: Dự định sắp tới của mình không có gì đặc biệt. Mình chỉ cố gắng làm tốt mọi công việc ở cơ quan và chăm sóc con tốt thôi.