Nhiều bố mẹ gặp phải tình huống trẻ đặt xuống là khóc và không biết xử lý như thế nào. Nhu cầu được bế của trẻ sơ sinh là một điều dễ hiểu vì hầu hết chúng đã quen với cảm giác ấm áp, được vỗ về khi ở trong bụng mẹ suốt những tháng mang thai. Tuy nhiên,chỉ cần thay đổi một vài động tác trong cách bế và đặt bé ngủ là bạn sẽ yên tâm không làm mất giấc ngủ của bé một cách đột ngột.
Hiểu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh từ 0 đến 1 tháng tuổi có chu kỳ ngủ dài hơn so với thức. Trẻ chỉ thường thức giấc đẻ được bú, kéo dài khoảng 2 giờ cho mỗi cữ và quay trở lại giấc ngủ bất kể ngày hay đêm. Ngoài ra, dạ dày của trẻ trong độ tuổi này khá bé nên nhanh cảm thấy đói, vì thế tần suất thức giấc của chúng cũng nhiều hơn. Lưu ý không nên để các bữa bú của trẻ sơ sinh cách nhau quá 3 giờ. Một số trẻ sơ sinh cần được cho bú thường xuyên hơn so với bình thường bao gồm trẻ sinh non, cân nặng nhỏ hơn so với lứa tuổi, trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh …
Tổng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh xảy ra vào ban ngày nhiều hơn và trẻ thường thức dậy vào ban đêm do khả năng phân biệt ngày và đêm còn kém. Đến khi được 3 tháng tuổi hoặc đạt cân nặng 6 ký, chúng sẽ có thể có được một giấc ngủ liên tục suốt đêm.
Ở lứa tuổi này, hầu hết trẻ đặt xuống là khóc và chúng luôn cần được bế hay ôm ấp để đi vào giấc ngủ. Tùy thuộc vào giấc ngủ nhanh hay ngủ chậm mà trẻ có thể nằm yên hoặc dễ bị thức giấc khiến trẻ quấy khóc. Việc hiểu được sinh lý giấc ngủ trong giai đoạn sơ sinh là việc làm quan trọng giúp bố mẹ có những thay đổi phù hợp trong quá trình chăm sóc trẻ.
Trẻ tỉnh giấc vì bị chuyển đổi trạng thái bất thình lình
Có bao giờ bạn cảm thấy rằng khi đặt em bé đang ngủ ngon trên tay xuống giường hoặc đệm giống hệt như đang ôm một “quả bom” không. Chỉ cần không khéo léo, không nhẹ nhàng là mọi công sức ru ngủ bỗng chốc trở nên vô nghĩa. Dù đã cố gắng bao nhiêu lần, dù con đã say sưa ngủ nhưng chỉ cần đặt con xuống thì chúng trở mình ngọ nguậy, thậm chí khóc toáng lên. Và sự việc này cứ lặp đi lặp lại đến mức làm cho nhiều bà mẹ “phát điên” lên.
Trẻ dễ tỉnh giấc khi bị chuyển đổi trạng thái bất thình lình.
Bạn có biết rằng, những lúc bé thức thường bồng bế, cưng nựng trên tay vô tình tạo nên một cảm giác ấm áp, an toàn. Bên cạnh đó, phải mất 20 phút thì bé mới bắt đầu chìm vào trạng thái ngủ ngon và chúng rất dễ bị đánh thức bởi những tác động bên ngoài. Thế nên, khi đang được ôm ấp rồi đột ngột bị đặt xuống khoảng không gian lạ, rộng rãi sẽ làm bé bị mất thăng bằng khiến bé trở mình, khó ngủ lại hơn.
Mặc dù, bạn đang rất mệt sau một thời gian ru bé ngủ và rất muốn được nghỉ ngơi lúc này, thế nhưng em bé vẫn cứ thức giấc mỗi lần đặt xuống. Điều đó đã khiến nhiều bà mẹ phải thốt lên: “Tôi phải làm sao bây giờ”.
Chọn mông của bé là nơi tiếp xúc với đệm đầu tiên
Nhiều bà mẹ cảm thấy quả mệt mỏi khi suốt ngày phải xay quanh giấc ngủ của con nên không có thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Đa số đều cho rằng, họ chỉ có một chút thời gian để dọn dẹp nhà cửa và ăn uống khi bé đã ngủ say, nhưng chỉ cần một tiếng động nhỏ là chúng sẽ thức giấc ngay và rất khó khăn để ru ngủ lại.
Xem lại cách các mẹ thường hay đặt bé xuống giường sẽ thấy hầu như các bà mẹ đều có thói quen đặt mông em bé xuống đệm trước, sau đó từ từ hạ lưng rồi đặt đầu bé xuống sau cùng. Sau khi buông tay ra thì cùng lúc đó bé cũng thức giấc và bạn lại phải bồng bế trên tay mãi.
Một chút thay đổi quy trình khi đặt bé xuống đệm, bạn sẽ không làm bé tỉnh giấc giữa chừng.
Cũng giống như nhiều bà mẹ khác trên khắp thế giới, các mẹ Nhật cũng phải đối mặt với tình trạng này. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi con nhỏ, họ đã rút ra được một bí quyết đơn giản. Chẳng cần thủ thuật gì cao siêu nhưng phương pháp tuyệt vời của các mẹ Nhật sau sẽ giúp bé yêu của bạn có một giấc ngủ sâu, ngon giấc hơn và đặc biệt là không bị thức giấc giữa chừng.
Khi đặt bé xuống giường/cũi hoặc đệm, các mẹ Nhật sẽ chọn đầu là điểm tiếp xúc đầu tiên của bé thay vì đặt mông xuống trước như cách mà nhiều người mẹ vẫn quen tay làm. Chỉ cần thực hành theo 3 bước sau bạn sẽ tránh làm bé mất giấc ngủ.
Đầu tiên hãy nhẹ nhàng đặt đầu bé xuống đệm.
– Dùng 1 tay hạ từ từ cổ xuống lưng, tay kia vẫn giữ mông.
– Nâng mông bé lên một chút trong một lúc rồi thả tay ra.
Một chút thay đổi tron quy trình đặt bé xuống giường này, chỉ trong một lần đặt bé, trẻ vẫn ngủ ngon giấc mà không bị tỉnh lại như thói quen đặt mông bé xuống trước.
Luyện tập cho bé tự ru ngủ
Tất nhiên không phải lúc nào cách đặt trẻ xuống giường theo quy trình trên cũng thành công 100%, nhưng hầu như bất kỳ mẹ nào đã thử phương pháp này cũng đều rất hài lòng.
Trong trường hợp bé dễ thức giấc thì mẹ có thể giữ mông bé lâu hơn một chút, vỗ nhẹ rồi nhẹ nhàng đặt xuống.
Một đứa bé từ lúc sinh ra cho đến 6 tháng nếu luyện tập theo phương pháp này sẽ dần quen với nhịp điệu tự ru ngủ. Chỉ cần cho bú no rồi đặt xuống đệm là bé có thể ngủ ngon lành.