Đây là điều mà có lẽ rất nhiều người luôn thắc mắc. Không chỉ thời gian qua, mà cả trước đây cũng vậy. Rõ là biết họ không ra gì, thế mà vẫn “lao” vào.
Quan niệm “đàn ông tứ đổ tường” liệu có còn là hợp thời, khi mà nếu để ý kỹ thì chính các chị em là người tiếp tay, dung túng cho sự “đào hoa” này của các anh.
Thay vì từ bỏ, thật khó hiểu khi chị em lại giành giật, quay ra làm tổn thương nhau chỉ để có được chàng trai ấy.
Hỗn chiến chỉ vì một chàng trai
Câu chuyện cách đây không lâu ở Nghệ An, 3 cô gái đã “tả xung hữu đột” chỉ vì lỡ yêu cùng một người. Địa điểm hỗn chiến lại còn ở ngay nhà chàng trai, tên T (26 tuổi) vốn nổi tiếng đào hoa.
Đáng chú ý là trong 3 cô nàng, có người còn ở tận Sài Gòn và hơn T 4 tuổi, mang con 4 tháng về để gặp nhà nội. T cũng tỉnh bơ, thừa nhận đây chỉ là mối quan hệ qua đường chứ không có nghiêm túc, ràng buộc gì hết.
Cô khác là mối tình đầu, đồng hương, ai cũng tưởng đã chấm dứt từ lâu nhưng hoá ra vẫn còn qua lại với nhau. Cô trẻ nhất, 21 tuổi là người yêu hiện tại. Các cô nàng mang hết thế mạnh của bản thân ra để so kè với đối phương.
Mà đây mới chỉ có ba cô nàng lộ diện, nhiều người phỏng đoán với tính khí lăng nhăng như vậy, có con còn không chịu trách nhiệm thì có khi ở ngoài anh ta còn nhiều mối quan hệ khác nữa. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, các cô nàng vẫn cố để giành lấy một kẻ chỉ yêu đương vui chơi, không nghiêm túc như vậy.
Thà có còn hơn không? Đàn ông ai chả vậy?
Phải chăng đây là quan điểm của các nàng? Sự dung túng cho các chàng trai đào hoa có lẽ xuất phát từ suy nghĩ này? Nhiều anh chàng sốc thiếu nghiêm túc, hời hợt tình cảm nhưng vẫn nghĩ mình không sai.
Trong khi đó, người đầu tiên các cô gái đổi chính là lên đầu người phụ nữ khác, chứ hiếm khi nào chị em cho rằng nguyên nhân từ chồng, bạn trai của mình. Phụ nữ là để yêu thương, đàn ông cũng không thiếu nhưng tại sao chị em lại chẳng nghĩ được vậy.
Vụ võ sư trước đó là một ví dụ, dù cho chịu nhiều tổn thương là thế nhưng chị vợ vẫn quyết định rút đơn tố cáo, xin được hoà giải. Không chỉ chị em, mà nhiều ông bố bà mẹ cũng còn tư tưởng là “có hơn không”.
Miễn con mình gả đi được, nhiều khi bất chấp không cần biết con rể tương lai thế nào. Nhưng, đàn ông cũng đã “tuyệt chủng” đâu mà phải có suy nghĩ như vậy?
Đàn ông không ra gì vẫn có chốn dung thân, bởi vì sao ư? Nhìn con gái mình về nhà “te tua”, khóc hết nước mắt vì bị chồng đối xử chẳng ra gì, bố mẹ cũng xót nhưng nhiều ông bà “tặc lưỡi”: “Về đi con, đàn ông… ai chả vậy”.
Tất nhiên, ở thế hệ ngày nay thì những suy nghĩ này cũng đã hạn chế đi nhiều. Nhưng đâu đó vẫn còn tư tưởng rằng “yêu cho roi, cho vọt”, đấy là chồng yêu mình nên mới làm như thế để rồi ngồi chịu khổ vẫn là phụ nữ.
Đàn ông cũng cần “Công dung ngôn hạnh”
Giáo sư triết học Thái Kim Lan từng nhận định rằng: Chúng ta chỉ dùng “Công dung ngôn hạnh” cho con gái mà quên mất rằng, con trai cũng phải có. Con trai cũng cần rèn dũa cách ứng xử, lối sống để có phẩm hạnh, đạo đức.
Không chỉ về thể chất, đàn ông hay phụ nữ đều cần có trí tuệ, nhân cách, như vậy thì mối quan hệ mới có sự bình đẳng, xa hơn nữa là gia đình mới văn minh, con cái được nuôi dạy trong môi trường lành mạnh.
Suy cho cùng, hạnh phúc của mỗi người không giống nhau. Nhưng hãy biết yêu thương bản thân mình trước và phải tỉnh táo, tại sao lại phải lao vào tranh giành một người đã “chia năm xẻ bảy” tình cảm của mình như vậy. Phụ nữ là để yêu thương, chỉ vậy thôi.