Liệu có còn cảnh trẻ nhỏ vạ vật ở các lớp học thêm sau chỉ đạo mới của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học?
Ngày 22-12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gởi các phòng giáo dục trên địa bàn về việc tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Văn bản nhấn mạnh tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, ngoại trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm.
Nhằm không để phát sinh việc dạy thêm, học thêm, trong văn bản chỉ đạo, Sở yêu cầu giáo viên phải xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường cần tăng cường kiểm tra và hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn. Song song đó, để đảm bảo chất lượng học sinh, giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực học sinh. Mặt khác, giáo viên cần tăng cường mối quan hệ với phụ huynh để cùng phối hợp trong việc dạy dỗ học sinh, giúp các em học tập ngày một tốt hơn.
Có thể nói, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Sở GD-ĐT TP.HCM. Vì ở bậc tiểu học, việc dạy thêm, học thêm là không cần thiết. Các em cần được cân bằng giữa việc học tập và vui chơi. Một đứa trẻ khó có thể phát triển lành mạnh, khó có một tuổi thơ đúng nghĩa nếu cả ngày cắm đầu vào học, không có thời gian giải trí.
Thật ra, ngay cả phụ huynh cũng không muốn con học thêm, vừa tốn tiền lại mệt con. Nhưng liệu chương trình tiểu học hiện nay thật sự vừa sức với các con hay không là một điều cần xem lại. Nếu cha mẹ nào có con học tiểu học sẽ thấy rằng khối lượng bài vở của con không hề nhẹ. Vì vậy, nhiều phụ huynh phải cho con đi học thêm để giúp con giải bài tập và củng cố kiến thức do cha mẹ không có thời gian kèm cặp con.
Nói đâu xa như chương trình lớp 1 mới áp dụng từ năm nay, học sinh lớp 1 phải cặm cụi học đến tối muộn. Chúng ta hô hào giảm tải nhưng thật sự có giảm tải? Ngay cả một vị chủ biên sách Tiếng Việt 1 cũng cho biết “chuẩn đầu ra của sách mới cao hơn sách cũ”. Nếu chuẩn đầu ra cao hơn thì chương trình có thể giảm tải hay không?
Thực tế mà nói chúng ta chưa hề có một ban bệ nào nghiên cứu nghiêm túc về chương trình tiểu học và cách thiết kế chương trình sao cho vừa phát huy năng lực của trẻ vừa không làm trẻ “hụt hơi”. Vì vậy, chương trình tiếng Việt lớp 1 mới hiện không chỉ làm trẻ đuối sức mà còn chứa đầy sạn. Phải chăng vì không theo một tiêu chí cụ thể nào nên việc khắc phục các lỗi sai trong sách cũng mang tính chắp vá, chiếu lệ?
Trước chủ trương nghiêm cấm việc dạy thêm học thêm của Sở GD-ĐT TP.HCM, phụ huynh đã nói gì?
– Tôi cũng là phụ huynh, với các môn học ở bậc tiểu học hiện nay là quá sức với học sinh. Chúng tôi cũng đi làm suốt ngày không thể kèm con, thuê người ở ngoài dạy thì sẽ không sát với chương trình. Nếu muốn cấm dạy thêm triệt để thì hãy học tập các nước giảm nhẹ tuyệt đối với các bậc học, không cần cấm thì phụ huynh cũng không cho con đi học. Hãy nhìn vào cái gốc của vấn đề.
– Nói hay quá, 90% con em chúng tôi phải đi học thêm đấy (vừa học cô vừa học ở trung tâm). Bố mẹ còn cùng con đánh vật bài tập về nhà nữa khổ thấu trời. Không cho học thêm thì chúng không biết gì luôn, mấy bác ở xa quá đi khảo sát mà coi.
– Không có giáo viên nào ép học sinh học thêm cả. Họ chỉ chê con bạn học kém thôi. Và vì vậy, muốn con học giỏi hơn… phải học thêm nhà cô.
– Đề nghị không ra bài tập về nhà dưới mọi hình thức để cha mẹ bớt khổ và bớt nạn học thêm ngoài giờ
Thêm một thắc mắc nữa là chủ trương nghiêm cấm dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học có cấm luôn việc nhận giữ học sinh theo hình thức bán trú? Hiện nay một số giáo viên tiểu học hoặc các cá nhân, tổ chức thường mở các lớp bán trú nhận giữ học sinh sau giờ tan học buổi trưa.
Đây cũng là một giải pháp cho các bậc cha mẹ phải đi làm cả ngày. Hẳn nhiên sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, thời gian còn lại các con sẽ phải làm bài tập trên lớp, ôn kiến thức cũ, học kiến thức mới. Buổi tối ở nhà phụ huynh sẽ không cần phải kèm cặp thêm cho con.
Nói cách khác, đây cũng là một hình thức dạy thêm học thêm. Trong trường hợp cấm dạy thêm thì thời gian rảnh sau giờ ăn và ngủ trưa tại cơ sở bán trú, học sinh sẽ làm gì trong khi cần làm bài tập và củng cố kiến thức được giao về nhà?
Mong rằng các nhà chuyên môn, các cán bộ quản lý giáo dục sẽ tiếp thu ý kiến của phụ huynh, nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ để có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế.