Dịp 20/11 đang tới gần và thầy chủ trường đã giải thích cho tư tưởng đã được quán triệt nhiều năm qua của nhà trường như thế này: “Các cha mẹ cũng không cần tri ân gì thầy cô cả vì đó là nhiệm vụ của các thầy cô”.
Gần đây thầy Nguyễn Đức Quang, chủ trường Spring Hill (Quốc Oai, Hà Nội), vừa đăng lại tâm thư “nhắc nhở” hàng năm, để phụ huynh vào sau nắm được “luật định” bất thành văn của trường. Bài viết cũng để các bậc cha mẹ không cần cảm thấy áy náy khi “không làm gì” đặc biệt vào dịp 20/11.
Trường Spring Hill (hay còn gọi là Trường Đồi) là ngôi trường theo tư tưởng “thuận tự nhiên” nên luôn có những tư tưởng khác “trường người ta”. Chẳng có áp lực điểm số, không áp lực bài tập về nhà, không “cờ thi đua”, giáo viên được khuyến khích không mặc cầu kỳ, nói không với túi nilon, học sinh học nhiều hơn những bài học trải nghiệm từ thực tế… Đó là những gì khiến người ta luôn thấy Trường Đồi đặc biệt.
Chính vì thế, việc thầy chủ trường quán triệt tư tưởng “nói không với phong bì” vào các dịp lễ Tết, ngày 20/11, tới các thầy cô và phụ huynh cũng không có gì khó hiểu. Nhưng ngay cả đến việc thể hiện bằng “tấm lòng” như hoa hay món quà (kiểu cây nhà lá vườn) thầy cũng từ chối thì khiến nhiều người thắc mắc. Nhưng đọc cách thầy giải thích thì cho thấy tất cả đều có lý do chính đáng.
Thầy Nguyễn Đức Quang chia sẻ:
“Một số cha mẹ mới gia nhập cộng đồng Spring Hill nên mình viết thông báo này, và cũng để một số cha mẹ trong cộng đồng Spring Hill mấy năm rồi mà vẫn thấy áy náy vì không được tặng quà cho các thầy cô Spring Hill hiểu. Đúng là thói quen thì không dễ gì từ bỏ một sớm một chiều, nhất là liên quan tới phạm trù đạo đức và nếp sống, nếp nghĩ.
Liên quan tới thói quen tặng quà, tặng hoa hay phong bì cho các thầy cô nhân các dịp như 20/11, 8/3, và các ngày lễ tết khác, ở Spring Hill, mình đã duy trì thực hành từ mấy năm nay văn hóa cha mẹ không tặng quà thầy cô giáo, dù chỉ là một bó hoa. Hoa ở trên cây là hoa đẹp nhất và ở đồi cũng nhiều hoa lắm rồi. Hoa trong bó chỉ tươi một lúc rồi héo hon và thành ra thêm rác cho Trái đất này.
Hoa trong bó chỉ tươi một lúc rồi héo hon và thành ra thêm rác cho Trái đất này.
Các món quà vật chất dù nhỏ như gói bánh gói miến gói giò mà các gia đình gửi tặng các thầy cô thì xưa nay suốt 8 năm làm trường học, mình quan sát thấy nó gây ra nhiều phiền toái hơn là đem lại hạnh phúc thực sự cho tập thể các thầy cô giáo toàn trường. Vì nhiều lí do khác nhau và nó khá tế nhị mình xin không đi sâu.
Do vậy, mình tạo dựng và duy trì một văn hóa chung cho toàn trường là không một thầy cô nào nhận bất kì một món quà vật chất nào từ cha mẹ nào.
Các cha mẹ và các con có thể tặng cho các thầy cô những món quà tinh thần, đó sẽ là những món quà ý nghĩa lớn nhất đối với các thầy cô trường Đồi. Các con có thể vẽ tranh, vẽ thiệp và viết lời đề tặng và tự mang tới tặng các thầy cô. Các cha mẹ cũng có thể gửi vài dòng chia sẻ cảm xúc tới mỗi thầy cô mà các cha mẹ thấy cần được chia sẻ, tất cả vào các group kín của các nhóm.
Các cha mẹ cũng không cần tri ân gì thầy cô cả vì đó là nhiệm vụ của các thầy cô và cũng là niềm vinh hạnh của các thầy cô được làm việc hàng ngày với các con. Cứ thế cho cuộc sống nó nhẹ nhàng và bớt vợi những lo toan vô lí, ái ngại vô lí đối với mọi người. Cuộc sống mỗi người hàng ngày đã có quá nhiều thứ phải lo phải ái ngại rồi mà. Cứ đơn giản thế đi cho dễ được hạnh phúc.
Các cha mẹ cũng không cần tri ân gì thầy cô cả vì đó là nhiệm vụ của các thầy cô và cũng là niềm vinh hạnh của các thầy cô được làm việc hàng ngày với các con.
Trong tâm ta luôn quý trọng nhau thật lòng là món quà quý giá nhất. Và cũng không nhất thiết phải nói ra kì được nếu không thể nói. Người yêu quý nhau thật lòng thì sẽ có thể tự cảm nhận được tình cảm chân thật của nhau”.
Bằng luận điểm rất tích cực thầy Quang đã giải thích cho việc cha mẹ không cần tặng bất kỳ một món quà có tính vật chất nào cho giáo viên như: “Hoa trong bó chỉ tươi một lúc rồi héo hon và thành ra thêm rác cho Trái đất này”, “Các cha mẹ cũng không cần tri ân gì thầy cô cả vì đó là nhiệm vụ của các thầy cô và cũng là niềm vinh hạnh của các thầy cô được làm việc hàng ngày với các con”.
Tuy nhiên, với ai đó vẫn muốn thể hiện tình cảm với thầy cô thì có một thứ mà thày Quang và các thầy cô Trường Đồi sẵn sàng đón nhận đó là… những món quà tinh thần: “các con có thể vẽ tranh, vẽ thiệp và viết lời đề tặng và tự mang tới tặng các thầy cô. Các cha mẹ cũng có thể gửi vài dòng chia sẻ cảm xúc tới mỗi thầy cô mà các cha mẹ thấy cần được chia sẻ, tất cả vào các group kín của các nhóm”.
Tuy nhiên điều mấu chốt thầy vẫn khẳng định: “Trong tâm ta luôn quý trọng nhau thật lòng là món quà quý giá nhất”.
Tư tưởng này của thầy chủ Trường Đồi hiện đang được nhiều bậc cha mẹ tán đồng và khâm phục với cách nghĩ thoáng và rất tích cực. Những lập luận chặt chẽ của thầy về ngày 20/11 khiến nhiều bậc phụ huynh không có cảm giác bối rối hay áy náy về việc mua gì, tặng gì cho thầy cô, hoặc tặng rồi có bị trả lại có thể lăn tăn suy nghĩ, nhiều cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn có lẽ đã được… thở phào. Với giáo viên thì khi đã có tư tưởng xuyên suốt từ nhà trường rồi họ sẽ đón ngày 20/11 bằng việc hiểu rõ vai trò người thầy để làm việc có tâm hơn.
Trong bối cảnh hiện tại khi Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đang tới gần, khi nhiều phụ huynh vẫn đang đau đầu nát óc bàn luận mua gì, tặng gì để tri ân các thầy cô vào Ngày nhà giáo Việt Nam thì “tâm thư” này của thầy Quang dường như khiến nhiều người thán phục.
Phụ huynh nếu không tặng hoa, quà thầy cô dịp lễ 20/11 sẽ cảm thấy rất áy náy, đặc biệt khi các bậc cha mẹ khác đều thực hiện “nghi lễ” đó. Nhưng nếu có sự quán triệt từ ban đầu rõ ràng như cách của thầy Quang thì có lẽ nhiều cha mẹ đã cảm thấy dễ thở hơn và hướng ngày 20/11 về đúng ý nghĩa ban đầu của nó là tôn vinh các thầy cô dựa trên tinh thần.