Nằm trong tuyến du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Đồ Sơn gồm: “Đền cô Chín suối Rồng – Rặng thị di sản – Tháp Tường Long”, thế nhưng khác với Đền cô Chín suối Rồng, Tháp Tường Long, rặng thị di sản dưới chân Núi Ngọc (thuộc phường Ngọc Xuyên) lại khá thưa thớt bóng người đến tham quan, du khảo.
Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống
Rặng thị cổ gồm 17 cây nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình ở 2 Tổ dân phố số 5 và số 6, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn có niên đại hàng trăm năm tuổi được người dân địa phương đặt với những tên gọi khá đặc biệt. Đó là cây thị Vải cao hơn 20m, đường kính gốc gần 2m, có tuổi đời khoảng hơn 700 năm. Còn thị Khe mọc cạnh khe suối, thân rỗng có thể chứa được 2 người trưởng thành, hơn 800 tuổi.
Đặc biệt, “cụ” thị Bảy Chồi thọ đã gần 1.000 năm, phần rễ cây trồi lên mặt đất mọc ra 7 chồi, dưới gốc cây thời kháng chiến có căn hầm bí mật chứa được tới 10 người…
Không chỉ vậy, những tên gọi đặc biệt của rặng thị còn gắn liền với những chứng tích về những năm tháng oanh liệt của dân tộc. Theo các cụ bô lão ở đây, rặng thị cổ không biết có tự bao giờ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những cây thị cổ này đã chở che cho dân làng Đồ Sơn tránh khỏi bom đạn của kẻ thù.
Đồng thời, đó cũng là căn cứ địa, là nơi ẩn nấp và hoạt động của các chiến sỹ cách mạng. Rồi theo thời gian, hàng cây cổ với sức sống mãnh liệt cứ thế bám vào sườn núi Ngọc mà phát triển cho đến tận ngày nay tạo nên một quần thể thị to lớn, khỏe mạnh với những tán lá sum suê, quanh năm tươi tốt rủ bóng mát trong một không gian sinh thái trong lành
Mùa quả chín, cả một vùng núi thơm ngát hương thị. Mệt đến mấy về ngồi dưới bóng cây hít sâu trong ngực mùi thơm đến nao lòng và ngắm muôn vàn những trái thị vàng ươm trên cành cao, cành thấp đẹp tựa như những vầng trăng nhỏ treo lơ lửng, khách du sẽ tỉnh cả người quên đi những mệt mỏi…
Bà Đinh Thị Nhuôm, 74 tuổi, ở tổ dân phố số 6 của phường cho biết, người Đồ Sơn xưa kia quanh năm đi biển, ít cấy lúa nên họ thường đem đổi thị lấy thóc để ăn. Mỗi cây thị đều đặn cho thu hoạch cả trăm thúng/năm; mỗi thúng thị ngày ấy chừng 20-25kg, bán đi mua được mấy thúng thóc. Còn hiện tại, mặc dù thị được bán ngoài thị trường với giá 25-30 nghìn đồng/kg nhưng chẳng còn mấy ai chịu hái bởi lớp người già thì sức yếu không còn sức leo cây; lớp trẻ thì ngại leo trèo, lại bận công việc riêng của họ.
Mùa thị vắng bóng người
Hàng năm, cứ vào tháng 7 âm lịch, cả khu vực Núi Ngọc, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn lại náo nức trong mùa thị chín. Quả thị nhiều đến mức người dân hái không xuể, chúng cứ chín tới độ thì rụng xuống gốc cây, dưới khe nước trong không gian đầy dịu ngọt và tĩnh lặng, bình yên. Rặng thị di sản cùng với chùa Tháp Tường Long, đền cô Chín suối Rồng từ bao đời trở thành một quần thể du lịch tâm linh, điểm đến sinh thái hấp dẫn.
Thế nhưng kể từ khi 17 cây thị cổ được Hội bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là quần thể Cây di sản, du khách dừng chân tham quan tại đây vẫn còn thưa thớt. Lý giải về điều này, Bà Lưu Thị Thu Huyền – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn cho biết, trên địa bàn quận Đồ Sơn hiện hiện xây dựng 6 tuyến, điểm du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, trong đó có tuyến: Đền cô Chín suối Rồng – Rặng thị di sản – Tháp Tường Long.
Mỗi năm, tuyến này thu hút hàng nghìn lượt du khách. Tuy nhiên, du khách khi đến đây chưa thực sự được trải nghiệm một cách đúng nghĩa các dịch vụ phù hợp, điểm dừng chân để hái và mua thị chưa có nên đa số đã bỏ qua rặng thị di sản. Bên cạnh đó, công tác quảng bá du lịch, vấn đề vệ sinh môi trường quanh khu vực còn chưa được đảm bảo cũng là một điểm trừ cho việc khai thác du lịch tại đây.
Rặng thị cổ Núi Ngọc, Đồ Sơn được coi là tài sản vô giá. Việc gìn giữ, bảo tồn không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Đồ Sơn mà còn thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương với điểm nhấn là du lịch sinh thái, tâm linh.
Để làm được điều này, chính quyền quận và phường cần tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường có, cơ chế chính sách nhằm nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là những gia đình có thị di sản trong khuôn viên. Cùng với đó, ngành Du lịch của quận tích cực phối hợp các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xây dựng tour, tuyến du lịch gắn với quần thể cây di sản này.
Được biết, thời gian qua, do chưa có điều kiện bố trí kinh phí dành cho việc bảo tồn rặng thị di sản nên đối với những cây thị ở ven đường, phường Ngọc Xuyên đã giao cho Đoàn thanh niên, cán bộ văn hóa phường thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cành khô. Đối với những cây trong khuôn viên các gia đình, cùng với gửi thông báo, địa phương đã vận động, tuyên truyền gia đình trông coi, bảo vệ, thu hoạch quả.