Khi bén duyên, kết hôn, chú rể mới bước sang tuổi 20, cô dâu đã ở tuổi 41. Tưởng rằng cuộc sống “màu hồng”, hạnh phúc cứ thế trôi đi nhưng giờ đây sau một năm kết hôn gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” đang đè lên vai họ từng ngày.
Chuyện tình cổ tích của cặp đôi vợ 41 tuổi, chồng đôi mươi
Một năm trước đây, chuyện tình của cặp đôi trai gái lệch nhau 21 tuổi đã khiến dư luận tại vùng quê ở huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) xôn xao. Sau thời gian yêu nhau, đôi trai gái ấy đã nên duyên vợ chồng.
Chú rể là Nguyễn Hữu Hoàn (SN 1999, ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), cô dâu tên Hoàng Thị Án (SN 1978, ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Khi đăng ký kết hôn, chú rể mới tròn 20 tuổi, cô dâu ở tuổi 41.
Tâm sự về chuyện tình đặc biệt của mình với chồng kém 21 tuổi, chị Án cho biết, trước đây chị từng trải qua nhiều mối tình nhưng đều không đi được đến “bến đỗ”. Sau nhiều lần như vậy, chị đã chán nản, buông xuôi và không còn nghĩ đến chuyện yêu đương hay lập gia đình nữa.
Khi chị bước sang tuổi 30, cũng có một vài người đến tìm hiểu nhưng chuyện tình duyên vẫn vô cùng lận đận và không có kết quả. Bạn bè cùng trang lứa lần lượt lên xe hoa còn mình chị vẫn cô đơn sớm tối. Dù bên ngoài luôn cố tỏ ra bình thản nhưng chị vẫn thầm mong ước một ngày duyên phận sẽ đến với mình và được khoác lên chiếc váy cưới như bao cô gái khác.
Cuộc sống khó khăn, chị phiêu bạt khắp nơi, làm đủ mọi nghề. Cách đây vài năm, chị xin vào làm công nhân của một công ty giày da ở Hải Phòng. Tại đây, chị đã bén duyên với anh Hoàn, người chồng “trong mơ” mà bấy lâu chị vẫn chờ đợi.
Như một cơ duyên, anh Nguyễn Hữu Hoàn xin vào làm cùng công ty với chị, hai người tình cờ được ngồi cạnh nhau. Sau những mẩu chuyện vu vơ, vài lời bông đùa, hai người sau đó đã nên duyên vợ chồng.
“Hồi mới vào làm, tôi cũng không có ấn tượng nhiều lắm về Hoàn nhưng sau vài lần đi uống trà sữa cùng nhau, thấy Hoàn tếu táo, nói chuyện vui vui nên cũng có cảm tình một chút. Hai chị em dần thân thiết hơn, hay chia sẻ với nhau về gia đình, công việc. Tình cảm cũng nảy sinh thành tình yêu lúc nào không hay”, chị Án tâm sự.
Nhận thấy 2 người yêu nhau chân thành, gia đình 2 bên đều không phản đối hay điều tiếng gì. Gia đình chị Án chỉ khuyên chị nên suy nghĩ kỹ rồi quyết định. Về phần gia đình anh Hoàn, thời gian đầu, mọi người chỉ nghĩ hai người là bạn bè. Do trước khi công khai tình cảm, chị Án đã nhiều lần về chơi nên gia đình anh rất quý mến.
Tâm sự với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hường (SN 1966, mẹ của Hoàn) cho biết, trước khi Hoàn đặt vấn đề muốn cưới Án làm vợ, bà chỉ khuyên con một câu rằng: “Con còn trẻ, lấy đâu cũng được vợ. Con lấy Án, qua một lần sinh nở, Án già. Con sẽ nhanh chán rồi vợ chồng lục đục”.
Nghe mẹ khuyên xong, anh Hoàn đáp lời: “Mẹ ơi! Con còn gì để mất nữa đâu. Con tàn tật, lại chậm chạp, giờ gặp người yêu thương con thật lòng nên con muốn gắn bó cả đời…”. Nhận thấy con yêu chân thành nên bà Hường đã đồng ý làm đám cưới cho con.
“Giờ có ước thời gian cũng không quay trở lại được”
Sau khi cưới nhau, những ngày tháng “màu hồng”, hạnh phúc chẳng kéo dài như hai người nghĩ. Gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” hàng ngày đè nặng lên vai gia đình. Giờ đây, vợ chồng chị Án, anh Hoàn sống trong căn nhà tiêu điều, nhếch nhác.
“Từ đầu năm tới nay, cả 2 vợ chồng tôi đều mất việc do ảnh hưởng của dịch . Hàng ngày vợ chồng tôi cùng mẹ đi mò cua bắt ốc. Hôm nào bán được thì mua thịt, cá. Còn hôm nào không bán được thì 3 mẹ con ngồi khêu ốc ăn trừ bữa”, anh Hoàn buồn bã nói.
Dù mới ngoài 20 tuổi nhưng anh Hoàn không được khỏe mạnh như người bình thường, tay phải của anh gần như bị liệt và không có sức lực để làm việc nặng nhọc.
Ngồi cạnh con, bà Hường kể, vào đầu năm 2020, chị Án thuê cửa hàng trên huyện mở cửa hàng tẩm quất. Tuy nhiên khi mới được vài ngày mở cửa thì không thể tiếp tục hoạt động do dịch bệnh .
“Tiền thuê nhà 6 tháng với tiền mua sắm đồ mấy chục triệu coi như mất trắng. Còn thằng Hoàn đi làm ở đâu cũng bị người ta đuổi việc vì chê không có sức khỏe”, bà Hường chán nản nói.
Bà Hường tâm sự, có những lần cả gia đình chỉ còn một nắm gạo. Cả nhà nấu được một nồi cháo loãng ăn cầm hơi. Nửa đêm thấy con dâu lục đục không ngủ được, bà Hường lại ứa nước mắt. Giờ đây cuộc sống của cả gia đình cứ chật vật, sống tạm bợ qua từng ngày.
Chồng ốm yếu, chị Án chán nản tâm sự: “Tôi không muốn nói gì về chuyện cưới xin trước đây nữa, vì giờ có ước thời gian cũng không quay trở lại”.
Chị Án thừa nhận không lường trước được hết cuộc sống với người chồng quá chênh lệch tuổi: “Nếu lường hết được thì đã không cưới”, chị Án nghẹn lại. Giờ đây, gia đình chị chỉ mong có sức khoẻ để kiếm tiền trang trải cuộc sống tốt hơn.