Cổ nhân có câu: “Một ngày vợ chồng bằng trăm năm ân nghĩa”. Thế nên giữa vợ và chồng không chỉ tồn tại chữ tình, mà còn còn tồn tại chữ “nghĩa” và chữ “ân”.
Vì ân mà gắn bó, vì nghĩa mà giúp đỡ lẫn nhau, không chê bai khinh bạc, đồng cam cộng khổ vượt qua mọi gian khó và thử thách. Như câu chuyện sau đây là một ví dụ đẹp nhưng cũng rất đau lòng.
Ngồi lặng lẽ bên hành lang khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện quận Thủ Đức, (TPHCM), chị Nguyễn Thị Hợi (36 tuổi) vợ bệnh nhân Nguyễn Võ Bình (37 tuổi) nghẹn ngào tâm sự:
“Vợ chồng tôi cùng quê ở Nghệ An, cuộc sống khó khăn nên phải nghỉ học sớm. Ở cùng làng nên biết nhau từ nhỏ, vào Đồng Nai đi làm công nhân, giữa đất khách quê người, chúng tôi nương tựa, giúp đỡ nhau rồi mang lòng yêu thương”.
Sau lễ cưới đơn sơ năm 2007, chị Hợi cùng chồng càng nỗ lực lao động, họ mơ về một mái ấm hạnh phúc tràn ngập tiếng cười của con thơ. Tuy nhiên, 3 năm sau ngày cưới, vợ chồng họ vẫn chưa thực hiện được thiên chức làm cha mẹ.
Sau khi kiểm tra bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ cho biết, lỗi tại ở anh Bình quá yếu nên không thể thụ thai tự nhiên được. Bác sĩ tư vấn cho họ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
“Lần thứ nhất thực hiện thất bại, lần thứ hai cũng không mang lại kết quả. Công ty thì không cho nghỉ làm thời gian dài, hai vợ chồng buộc phải xin thôi việc. Chồng chuyển sang làm phụ hồ còn tôi nhận đồ may gia công”.
Mỗi lần thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm tốn khoảng 100 triệu đồng. Tính đến năm 2019, vợ chồng anh Bình đã thực hiện kỹ thuật trên 5 lần nhưng tất cả đều không như ý.
“Bế tắc, chúng tôi đã tìm đến cả các phương pháp điều trị Đông y, ai mách ở đâu có thầy chữa được vô sinh hiếm muộn, vợ chồng đều tìm đến. Đến nay, mọi khoản tiền dành dụm được đã cạn kiệt nhưng mơ ước có con ngày càng xa vời. Mỗi khi gặp người quen, họ quan tâm hỏi thăm, có con chưa, có nhà chưa… chúng tôi chỉ biết cúi đầu”.
“Nhiều lúc anh muốn tôi tìm hạnh phúc riêng để đường con cái được toại nguyện nhưng tôi đã chọn anh làm chồng thì cuộc sống có ra sao cũng luôn sẵn sàng đón nhận. Thấy anh làm việc đến kiệt sức để dành dụm từng đồng tiếp tục nuôi hy vọng…tôi càng thương”.
Khó khăn chưa tìm được lối thoát thì tai ương lại ập xuống. Những ngày đầu tháng 7, anh than mệt, chóng mặt nhưng vẫn cố gắng đi làm vì sợ nghỉ sẽ mất việc. Đến tối ngày 17/7, khi đang nằm xem tivi, anh lên cơn co giật, gồng cứng toàn thân, chị Hợi sợ quá nhờ người sống cùng khu trọ đưa chồng vào Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu.
Một tuần sau, anh co giật liên tục, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị trong tình trạng rối loạn thần kinh. Sau rất nhiều kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết, anh bị căn bệnh viêm não tự miễn rất nguy hiểm.
Trên giường bệnh, anh Bình nằm lơ mơ, thoi thóp theo từng nhịp của chiếc máy thở, cơ thể cháy nắng, rắn chắc của người phụ hồ đã trở nên teo tóp. Theo các bác sĩ, thuốc cho anh hiện rất đắt tiền, liệu trình điều trị 5 ngày tốn khoảng 130 triệu đồng.
Nghe tiếng vợ gọi, đôi mắt vô hồn của anh hé mở, chân tay quờ quạng rồi lên cơn co giật dữ dội. Anh há hốc miệng, mấp máy hai bờ môi khô khốc, ú ớ như muốn nói nhưng cơn co giật khiến toàn thân anh co cứng, 2 hàng nước mắt chảy dài.
Sau 2 tháng chồng nằm viện, ngoài khoản tiền hơn 30 triệu đồng tiết kiệm được, chị Hợi đã phải vay mượn gần 200 triệu đồng để chạy chữa. Số tiền trên chưa biết khi nào mới trả được, người vợ nghèo lại choáng váng khi nghe bệnh viện thông báo cần chuẩn bị khoản tiền rất lớn để mua thuốc.
Chị Hợi nghẹn ngào: “Những người có thể vay mượn tôi đều nhờ cả rồi… Giờ tôi chẳng biết phải xoay sở đâu để có tiền cứu chồng, chắc tôi phải xin bác sĩ cho đưa anh về”.
Xót quá, đau quá và thương quá cho những mảnh đời của người nghèo khổ, họ thiện lương và tình cảm bao nhiêu lại bị số phận trêu đùa bấy nhiêu. 13 năm đi tìm con của anh Bình và chị Hợi đã khổ lắm rồi, sao ông trời còn dồn họ vào thế bí, muốn lấy đi sinh mạng của người chồng.
Phật nói: “Tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Hai chữ ‘bạn đời’ không phải ngẫu nhiên mà sinh ra, tất cả đều là sự vun đắp từ hai phía. Ngẫm xã hội thời bây giờ, không phải ai cũng biết trân quý người vợ của mình. Thậm chí nói không ngoa thi những kẻ càng học thức, càng giàu có lại càng xem vợ như áo quần, muốn thay lúc nào thì thay.
Còn anh Bình, dù học vấn không cao, dù tiền bạc không rủng rỉnh vẫn luôn chăm sóc và yêu thương vợ. Bởi đâu phải gia đình nào cũng có người đàn ông kiên trì cùng bạn đời đi tìm con suốt 13 năm. Gặp kẻ chán chường, họ đã buông xuôi từ lâu, gặp kẻ nản chí, họ đã vứt bỏ mơ ước.
Vậy mà giờ đây, số phận nghiệt ngã quá, khao khát có tiếng khóc trẻ thơ chưa thành thì anh đã phải nằm trên giường bệnh, trào dâng nước mắt. Anh lúc này không chỉ đau trong thể xác, mà tâm hồn cũng rớm máu thì chứng kiến những khó khăn mà cô vợ đang mang.
Còn chị Hợi, là mẫu người phụ nữ Việt Nam quá tuyệt vời! Đừng ai nói chị khờ dại bởi người có tình có nghĩa như chị thật hiếm hoi. Trải qua 5 lần thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ phụ nữ mới hiểu đau đớn là như thế nào: không chỉ áp lực tiền bạc mà sức khỏe cũng cạn dần, từ những lần chọc trứng rồi chuyển phôi, nằm viện rồi xuất viện.
May mắn chẳng mỉm cười, nhưng chị không từ bỏ hy vọng, chị cũng không từ bỏ anh khi được ‘yêu cầu’ lấy chồng mới. Chị chọn ở lại, sát cánh kề bên, bởi chị biết phụ nữ lấy được chồng thương mình đã là điều hạnh phúc, còn mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua.
Nhưng sao số phận khắc nghiệt quá! Câu nói “chắc tôi phải xin bác sĩ cho đưa anh về” không chỉ là nhát dao cứu vào tim chị mà khiến cho những ai biết được câu chuyện này, cũng muốn bật khóc theo. Nếu anh đi rồi, ai sẽ ở bên cạnh chị trong những tháng năm còn lại. Nếu anh đi rồi, ai sẽ là người nắm tay chị cùng nhau đi tìm con. Nếu anh đi rồi, thì ai sẽ…
Thôi thì qua câu chuyện của chị Hợi, mong phụ nữ chúng ta hãy biết trân trọng gia đình, hãy nhìn vào những thứ mình đang ‘có’ để mà hạnh phúc, chứ đừng chăm chăm nhìn vào những điều đã ‘mất’ mà oán than.
Đôi lúc, còn sống và còn khỏe mạnh, đã là điều may mắn nhất trên đời!