Không ít CĐV ủng hộ phương án để HLV Phạm Kim Huệ dẫn dắt ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt khi các cô gái của chúng ta cần một điểm tựa cho mục tiêu bảo vệ tấm HCB tại SEA Games 31 – 2021.
Sau khi giải vô địch bóng chuyền quốc gia diễn ra vào tháng 4 kết thúc, ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ tập trung và hướng tới mục tiêu giành HCB SEA Games 31 – 2021. Đây là mục tiêu thiết thực trong bối cảnh Thái Lan vẫn thể hiện sự thống trị tuyệt đối tại Đông Nam Á.
Sau khi cân nhắc giữa vấn đề tài chính và thành tích, Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam quyết định lựa chọn HLV trong nước cho vị trí “thuyền trưởng”. Tuy nhiên, để tìm ra một cái tên phù hợp và dám nhận nhiệm vụ ở thời điểm này không phải điều dễ dàng.
Được biết, ban đầu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Tổng cục TDTT chấm HLV Nguyễn Tuấn Kiệt. Thế nhưng HLV Nguyễn Tuấn Kiệt tỏ ra không quá mặn mà. Cuối năm 2020, nhà cầm quân này đã quyết định rời CLB Ngân hàng Công thương để đến với Than Quảng Ninh.
Không có được sự phục vụ của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt nên ngay sau khi vòng 2 giải VĐQG 2020 khép lại, phía Liên đoàn đã ngỏ ý mời HLV Bùi Huy Sơn, người giúp CLB Thông tin LienVietPostBank bảo vệ thành công ngôi VĐQG. HLV Bùi Huy Sơn là người có chuyên môn, giúp đội bóng áo lính thay đổi rõ nét về lối chơi, tốc độ cũng như thể lực. Song vì trách nhiệm và gánh nặng với CLB, ông Sơn đã từ chối lời mời từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Ở lần lấy ý kiến gần nhất giữa Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Tổng cục TDTT, vị trí được nhắm đến là HLV Phạm Văn Long. Thế nhưng ông Long có vẻ cũng đang rất phân vân. Phải khẳng định HLV Phạm Văn Long là người có chuyên môn tốt, có kỹ thuật ổn định, nhưng có nhược điểm ở tính cách nóng nảy và lối chơi không mới. Tuy nhiên, so sánh về trình độ giữa các HLV nội, ông Phạm Văn Long vẫn nằm ở top đầu của bóng chuyền Việt Nam hiện nay.
HLV Phạm Văn Long là người thành danh với CLB bóng chuyền nữ Thông tin LienVietPostBank với hàng chục chức vô địch lớn nhỏ. Không chỉ có thế, trên cương vị HLV đội tuyển, ông cũng là người có nhiều thành tích tốt. Về với Kinh Bắc Bắc Ninh, dù đây là đội bóng non trẻ, sở hữu đội hình gồm nhiều VĐV chắp vá nhưng trong 2 mùa giải 2019, 2020 đã thi đấu khá ấn tượng.
Nhiều VĐV của Kinh Bắc Bắc Ninh từng chỉ xếp ở hạng 2 hoặc bị loại ở nhiều CLB nhưng dưới bàn tay của ông Long đã thi đấu khá tốt. Khả năng phòng thủ vốn là thế mạnh của Thông tin trước đây nhưng giờ Kinh Bắc Bắc Ninh cũng tỏ ra không hề kém cạnh thậm chí còn nhỉnh hơn.
Có thể nói ông Phạm Văn Long cũng là một ứng cử viên tốt cho vị trí HLV trưởng ĐT nữ Việt Nam. Thế nhưng vấn đề là liệu ông có “dũng cảm” nhận trách nhiệm ở ĐT nữ Việt Nam, vốn nhiều áp lực, nhưng lại không có được những sự đầu tư đúng mức.
Một phương án khác mà không ít người yêu bóng chuyền nữ Việt Nam tiến cử với Liên đoàn trong thời gian gần đây chính là HLV Phạm Kim Huệ. Cựu hoa khôi bóng chuyền 38 tuổi này vừa quyết định nộp đơn xin rời CLB Ngân hàng Công thương chỉ sau chưa đầy 1 tháng được đôn lên nắm quyền HLV trưởng.
Phạm Kim Huệ xuất thân từ VĐV điền kinh nhưng cái duyên với bóng chuyền khiến cô gái xinh đẹp gốc Hà thành gắn bó trọn đời với trái bóng. Cô gặt hái thành công cùng với đội bóng chuyền nữ BTL Thông tin liên lạc và chuyển sang Ngân hàng Công thương trong phần cuối sự nghiệp.
Cô gái xinh đẹp được mệnh danh là “nữ hoàng không ngai” của bóng chuyền Việt Nam đã giành được thêm chức VĐQG năm 2016 và rất nhiều chức vô địch tại các giải đấu Cúp khác sau khi rời xa môi trường quân đội. Từ giã sự nghiệp thi đấu, Phạm Kim Huệ lãnh trách nhiệm trợ lý cho HLV Nguyễn Tuấn Kiệt tại đội 1 Ngân hàng Công thương.
Trên cương vị HLV phó CLB, cô để lại không ít dấu ấn với sự nhiệt huyết và sáng tạo. Phạm Kim Huệ từng nhận bằng HLV do Liên đoàn bóng chuyền quốc tế – FIVB mở lớp đào tạo tại Việt Nam. Những thành tích của HLV Phạm Kim Huệ trong hai năm qua bao gồm chức vô địch giải U23 quốc gia, Á quân giải bóng chuyền VĐQG 2019 và xếp thứ 4 tại giải bóng chuyền VĐQG 2020.
Kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao của Kim Huệ là chưa nhiều, nhưng một sự nghiệp thi đấu ấn tượng với 7 HCB SEA Games và kỷ lục 17 năm liên tiếp dự giải Vô địch quốc gia, đủ giúp cô trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho những lớp kế cận. Cũng cần nói thêm rằng, khi mới 16 tuổi, Kim Huệ là tuyển thủ chính thức của ĐT bóng chuyền nữ quốc gia. Rồi khi chưa đầy 19 tuổi, cô đã được giao băng đội trưởng ở cả CLB lẫn đội tuyển – trẻ nhất trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam. Rõ ràng, áp lực không phải điều có thể làm khó hoa khôi 38 tuổi này. Vấn đề chỉ là liệu những người đứng đầu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam có dám ᴍạo hiểᴍ để tạo ra một sự đột phá mới cho SEA Games 31 ngay trên sân nhà?