Không ít người, kể cả các anh chồng cứ mở miệng là nói ở nhà chăm con sướng thân, nhàn hạ. Nào ai biết mẹ phải chịu những gì.
Làm mẹ, thiên chức thiêng liêng mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đời của người phụ nữ. Nhưng mọi thứ sẽ không tuyệt vời như các mẹ từng nghĩ. Đó có thể là niềm hạnh phúc hay những trải nghiệm khó khăn, nhưng chắc chắn không ai có thể biết trước và chọn lựa.
Khi đã trở thành mẹ, bạn sẽ nhận ra mình yêu con hơn chính bản thân. Dẫu tình yêu đó có thật sự lớn cũng sẽ có những điều khó chịu khiến mẹ nhận ra ngay cả khi chúng ta từng là người phụ nữ mạnh mẽ nhất cũng cảm thấy yếu đuối và dễ bị tổn thương.
Nghiên cứu cho thấy: Mẹ chăm con nhỏ dễ xúc động, căng thẳng và có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn
Năm 2012, một cuộc khảo sát được thực hiện ở các bà mẹ Hoa Kỳ trong độ tuổi 18-64, họ đã tham gia trả lời 60.799 câu hỏi qua điện thoại từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 30 tháng 4.
Kết quả cho thấy, trong số những phụ nữ được khảo sát, người mẹ chăm con nhỏ dễ xúc động và có suy nghĩ rất tiêu cục. 41% phụ nữ dành toàn thời gian ở nhà chăm con nói răng, họ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Trong khi chỉ có 34% số người phụ nữ đi làm có cảm xúc tương tự vậy.
Ngoài ra, cảm giác tự ti cũng có ở 28% người mẹ ở nhà chăm con, trong khi chỉ có 17% ở những người mẹ đi làm. Đồng thời nguy cơ trầm cảm, lo lắng, căng thẳng, dễ tức giận cũng chiếm tỷ lệ cao hơn ở những người mẹ ở nhà chăm con.
Nguyên nhân dẫn đến những trạng thái cảm xúc tiêu cực, trầm cảm sau sinh là do những người mẹ này phải một mình ở nhà nuôi con. Mẹ phải dành toàn thời gian cho việc chăm sóc một đứa trẻ đến cả ít phút rảnh rỗi cho bản thân đôi khi cũng khó.
Còn chưa kể, những người mẹ phải cáng đáng cả việc chăm con và làm việc nhà thì thời gian dành cho bản thân lấy đâu ra? Do đó, họ không có thời gian để trò chuyện với ai khác, họ trở nên ít nói và ít cười hơn.
Ngay cả khi cảm thấy hạnh phúc bên con, mẹ cũng khó tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực bởi vì công việc của một người mẹ dường như không bao giờ hết việc, quần quật cả ngày, hết ngày này sang ngày khác. Hết chăm cho con bú, tắm con, đến thay tã, dỗ con ngủ,…
Đừng để người mẹ cô đơn trong “cuộc chiến” chăm con
Làm mẹ vốn không phải là công việc nhàn hạ như nhiều người vẫn nghĩ. Thử một ngày trải nghiệm chăm con nhỏ, bạn sẽ thấy điều đó thật kinh khủng thế nào. Có những người phụ nữ khi đã trở thành mẹ, họ nhận ra sức chịu đựng của mình là quá phi thường.
Nhưng có những người mẹ rất khó cân bằng giữa việc chăm con và cuộc sống gia đình. Mang thai là hành trình 9 tháng vất vã nhưng làm mẹ sẽ kéo dài cả đời bởi trong suốt quá trình phát triển của con, mẹ luôn đồng hành để nuôi nấng và dạy con nên người.
Người mẹ mệt mỏi với việc chăm con, nhưng em bé sơ sinh hoàn toàn không hiểu được. Đứa trẻ có thể khóc bất kỳ lúc nào khi cảm thấy cần một điều gì đó.
Và sẽ không ai nói với mẹ sẽ có bao nhiêu đêm mất ngủ, phải trải qua bao nhiêu khó khăn và có rất rất nhiều điều sẽ không ai nói với bạn trừ khi chính bạn trải nghiệm. Làm mẹ là một công việc thiêng liêng, đỏi hỏi sự cống hiến, kiên nhẫn, và hơn hết là tình yêu.
Mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu người mẹ phải chăm con một mình, 24 tiếng mỗi ngày phải nhốt mình trong căn nhà với một đứa con. Để người mẹ không cô đơn trong cuộc chiến chăm con, rất cần sự chia sẻ của những người thân. Hãy giúp đỡ khi người mẹ cần, hãy chia sẻ khi người mẹ muốn để người mẹ không cảm thấy cô đơn.
Có rất nhiều cách để giúp người mẹ sau sinh suy nghĩ tích cực, sống thoải mái hơn như san sẻ việc chăm con để cô ấy có một chút thời gian yên tĩnh cho nhu cầu cá nhân, thậm chí là để cô ấy ra ngoài trò chuyện cùng bạn bè, người thân,… Đừng để công việc chăm con của mẹ phải một mình. Đó là một sự trừng phạt.
Trầm cảm sau sinh đến rối loạn tâm thần – con đường rất ngắn
Đối mặt với thiên chức làm mẹ, không ít người rơi vào trạng thái bối rối, lo âu dẫn đến trầm cảm sau sinh. Khi đau thương tận cùng, cái cảm giác tủi thân, chán nản lên đỉnh điểm, họ rơi vào cùng quẫn rồi ra tay sát hại cả chính đứa con mình dứt ruột đẻ rơi.
Trầm cảm sau sinh thực chất là một căn bệnh nguy hiểm, tuyệt đối không được xem nhẹ. Nếu không đượcphát hiện và can thiệp sớm sẽ dẫn tới rối loạn tâm thần, người mẹ có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và các con.
PGS.TS. Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trầm cảm sau sinh có nhiều triệu chứng khác nhay từ nặng đến nhẹ. Nhẹ thì ít nói, ủ rũ, bỏ ăn uống, không muốn tiếp xúc, có phản ứng tiêu cực. Nặng thì không tiếp xúc ai, tự tử, sát hại chính con mình đẻ ra,…
Các chuyên gia tâm thần học cho biết, rối loạn tâm thần sau sinh là dạng rối loạn tâm thần ngắn, bao gồm 3 giai đoạn: buồn; trầm cảm và loạn thần. Khoảng 30-85% phụ nữ rơi vào trạng thái dễ dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu. 10-15% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm với các biểu hiện như khí sắc buồn, căng thẳng, lo âu quá mức, mất ngủ.
Mức độ nặng nhất trong rối loạn tâm thần sau sinh là loạn thần. Biểu hiện, người mẹ sau sinh dễ bị kích động, gây hấn, hoang tưởng, giải thể nhân cách hay có hành vi vô vô tổ chức.Người mẹ loạn thần sẽ hoang tưởng, không có khả năng chăm sóc con và dễ có hành động sát hại con, tự tử,…
Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người thân trong việc theo dõi và sớm phát hiện những triệu chứng bất thường về tâm, sinh lý ở người mẹ sau để kịp thời đưa đến cơ sở tâm lý để được tư vấn và điều trị.