Bệnh nhân F0 bất hợp tác, chặn số của Bộ Y tế sẽ bị xử lý ra sao?

Khoảng 20% bệnh nhân không hợp tác khi cơ quan chức năng điều tra dịch tễ. Theo luật sư, những trường hợp này có thể bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự.

Sau khi dịch SARS-CoV-2 bùng phát trở lại, Bộ trưởng Y tế đã triệu tập khẩn cấp Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống SARS-CoV-2 để đẩy nhanh tốc độ truy vết các F1, F2.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Trung, Phó tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống SARS-CoV-2 cho biết: Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc SARS-CoV-2) không hợp tác… Thậm chí có người khi bị truy vết còn tắt máy, chặn số của Bộ Y tế và đội ngũ chuyên môn. Việc này khiến công tác thu thập thông tin dịch tễ để khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, trách nhiệm của người dân là phải khai báo y tế trung thực và tự giác. Hành vi chậm, trốn tránh khai báo y tế, tùy vào tính chất mức độ và hậu quả xảy ra có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường

Dẫn Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, luật sư phân tích SARS-CoV-2 đã được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao) từ ngày 29/1/2020.

Hơn một năm qua, cơ quan chức năng đã tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Do đó, mọi người phải biết và có nghĩa vụ, trách nhiệm đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Theo luật sư Cường, Điều 11 Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan chức năng thì bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

Còn hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt hành chính 15-20 triệu.

Bên cạnh đó, công văn số 45 ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn xét xử một số tội phạm về phòng chống SARS-CoV-2, quy định bệnh nhân hoặc người nghi mắc bệnh đã được thông báo cách ly nhưng không thực hiện, gây lây truyền dịch bệnh cho người khác thì bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Luật sư cho rằng người không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo gian dối làm dịch bệnh lây lan ra cộng đồng sẽ bị phạt tiền với các mức như trên hoặc bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự, khung hình phạt có thể đến 12 năm tù.

Cũng theo luật sư Cường, chưa có khi nào tình hình phòng chống dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam lại diễn ra phức tạp, đáng lo ngại như bây giờ.

Dịp Tết Nguyên đán cận kề, thời điểm cuối năm rất nhiều người tụ họp gặp mặt, đám cưới… thêm vào đó rất nhiều sự kiện chính trị quan trọng, dịch bệnh lần này với chủng virus mới rất nguy hiểm, lây lan nhanh, thời tiết thời điểm này rất thuận lợi để dịch bệnh lây lan…

Bởi vậy đòi hỏi mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh…

Việc bảo vệ cá nhân phải tuân thủ quy định về khai báo y tế không những đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn đảm bảo an toàn cho gia đình, người thân và những người xung quanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *