Sau khi “Mulan” được chiếu chính thức trên Disney+ đã có nhiều ý kiến cho rằng bản live-action không thể hiện được tinh thần của phim dù tạo hình đẹp.
* Bài viết có tiết lộ chi tiết phim, các bạn cân nhắc khi xem *
“Mulan” không thể tạo được hiệu ứng trọn vẹn với truyền hình
Không phải vô lý mà các phim bom tấn đình đám đều được sắp xếp chiếu tại rạp, để có thể thể hiện trọn vẹn các hiệu ứng về mặt hình ảnh và âm thanh hoành tráng.
Đó chính là điểm đáng tiếc cho “Mulan”, khi mà dịch bệnh khiến bộ phim phải phát hành ngay trên nền tảng Disney+, giảm bớt trải nghiệm cho người xem. Sau khi bộ phim được phát hành hôm nay, các nhà phê bình đã đánh giá cao về mặt hình ảnh, và nhanh chóng khẳng định rằng “Mulan” chắc chắn sẽ khiến người xem mãn nhãn trên màn ảnh rộng. Dù vậy, khán giả một số quốc gia vẫn sẽ có cơ hội thưởng thức trên màn ảnh rộng.
Thế nhưng, ngoài phong cảnh và các phân cảnh hành động được dàn dựng đẹp mắt, “Mulan” khác biệt khá nhiều so với phiên bản hoạt hình năm 1998.
Như đã được tiết lộ từ trước “Mulan” bỏ hai nhân vật rồng Mushu và chú dế may mắn, để mang lại một sắc thái chững hơn, nghiêm túc hơn. Thêm vào đó, phần âm nhạc của “Mulan” cũng không còn nhiều đoạn nhạc đã tạo dấu ấn với cả người lớn và trẻ em từ trước. Chính vì thế, một số nhà phê bình cho rằng tất cả những gì còn lại với “Mulan” là một bộ phim PG-13 giằng co giữa thể loại phim trẻ em và phim dã sử nhưng không theo hẳn một hướng nào.
Dù cảnh đẹp, “Mulan” vẫn bị yếu ở cốt truyện
Nhà phê bình Lindsey Bahr của Associated Press nhận xét “”Mulan” tạo hình phong cảnh vô cùng sắc nét, trang phục màu sắc rực rỡ và tinh xảo đầy thần thánh, cùng phân cảnh chiến đấu phức tạp với những khuôn mặt đẹp của các diễn viên – đặc biệt là Lưu Diệc Phi, người đóng vai Mulan – sẽ khiến bạn phải kinh ngạc.”
Thế nhưng, về mạch truyện thì “Mulan” lại bị yếu, khi đôi lúc khán giả sẽ cảm thấy bị gấp gáp, đôi lúc lại thấy quá dài và phần phát triển nhân vật thì quá ít. Khán giả gần như không thể đồng cảm được với Mulan. Ngay từ ban đầu, cô được giới thiệu là một đứa trẻ, quậy phá và vô tư vui đùa trong làng của mình. Nhưng không chỉ có tinh thần tự tung tự tại hơn trong phiên bản này, cô còn có chút công lực (như các phim kiếm hiệp) khiến cô bé dễ dàng di chuyển và trở thành chiến binh sau này. Nhưng, bộ phim sau đó chuyển tiếp đột ngột từ tiết lộ này đến cảnh cô trưởng thành hơn và phải đi gặp bà mối, một phân cảnh khá thú vị dù thiếu vắng hình bóng Mushu.
Bên cạnh đó, phim lại còn giới thiệu thêm một nhân vật phản diện nữ khác của Củng Lợi, với mục tiêu ban đầu để củng cố thông điệp nữ quyền và những kỳ vọng của xã hội cho người nữ. Dù vậy, nhân vật này xuyên suốt không bổ sung nhiều giá trị cho câu chuyện mà còn khiến khán giả xao nhãng khỏi hành trình chính của Mulan.
“Mulan” chưa thể hiện được đầy đủ tinh thần văn hóa
Theo cây bút Justin Chang của NPR, bản chuyển thể mới của “Mulan” rõ ràng muốn khác đi so với bộ phim hoạt hình với tông màu nghiêm túc hơn và bỏ đi các nhân vật hài hước. Thế nhưng dù làm vậy, bộ phim vẫn không hoàn toàn thể hiện được sự gai góc hay đầy đủ ý nghĩa từ thể loại chiến tranh.
Anh nhận xét “Thậm chí với phân loại PG-13, một điều hiếm có của Disney, “Mulan” vẫn tạo cảm giác như một phiên bản thuyên giảm của một câu chuyện đầy tiềm năng hấp dẫn.”
Không chỉ vậy, anh còn thất vọng với cách kịch bản xử lý những yếu tố văn hóa về “khí công” và “danh dự” như “những khái niệm văn hóa xa lạ khó hiểu, và phải cần giải thích giải thích lại nhiều lần.” bên cạnh việc các nhân vật nói bằng ngôn ngữ tiếng Anh cứng nhắc, như kiểu nó đã trở thành thói quen của các phim Hollywood.
“Việc chuyển thể một câu chuyện văn hóa Trung Quốc để thành phim giải trí gia đình với sức hấp dẫn trên toàn thế giới dường như là một công việc khó khăn ngày nay, đặc biệt là khi một câu chuyện về quá khứ xa xôi va chạm với tình hình chính trị hiện nay.”
Trước đó, “Mulan” cũng gây nhiều tranh cãi xoay quanh việc Lưu Diệc Phi bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàn áp tại Hồng Kông năm ngoái làm dấy lên sự tẩy chay trên mạng xã hội.