Xử lý rác thải nông thôn ở Hải Phòng: Loay hoay tìm giải pháp hợp tình – hợp lý

Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, lượng rác thải sinh hoạt trung bình của một người dân Hải Phòng tại khu vực thành thị là 1,25kg/ngày, tại khu vực nông thôn là 0,82kg/ngày. Lượng rác thải toàn thành phố là gần 1.987 tấn/ngày, thu gom đạt 94,61%.

Xử lý triệt để rác thải, đặc biệt tại khu vực nông thôn là vấn đề tồn tại đã lâu mà chưa có giải pháp hiệu quả nhất.

Sống chung với rác

Huyện Thủy Nguyên là một trong những địa phương có thực trạng rác thải gây nhiều bức xúc, nhức nhối nhất thành phố từ nhiều năm nay. Những bãi rác tự phát hình thành tại nhiều nơi, từ ven đường làng, ngõ xóm, chân núi, vườn nhà đến kênh mương thủy lợi…

Do không được đưa đi xử lý, các bãi rác này cứ ngày một lớn, bốc mùi hôi thối, ruồi, muỗi, chuột thi nhau hoành hành. Người đi đường nhịn thở cố phóng nhanh qua, người dân sinh sống chung quanh khổ sở chống chọi, tìm cách… sống chung với rác. Tình trạng này kéo dài nhiều năm khiến người dân bức xúc, do đó vấn đề rác thải thường xuyên là chủ đề nóng nhất tại những buổi đối thoại, tiếp xúc giữa chính quyền và nhân dân.

“Nổi tiếng” nhất phải kể đến bãi rác Đồng Kênh ở xã Hòa Bình. Theo người dân tại đây, mỗi khi bãi rác đầy lại có người đến đốt. Khí thải từ việc đốt rác tự phát này gồm đủ thành phần như dioxin, furan – những chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nước rỉ rác không có chỗ để thu gom, chảy ra đồng ruộng. Nhiều năm qua, hơn 1ha đất nông nghiệp trở thành hoang hóa. Không chỉ ô nhiễm đất mà nước giếng khoan cũng bị ô nhiễm. Nhiều lần người dân kiến nghị lên UBND xã nhưng câu trả lời là vẫn phải đợi, bởi mỗi năm kinh phí dành cho xử lý rác tại xã chỉ khoảng gần 300 triệu đồng.

Theo thống kê của chính quyền huyện Thủy Nguyên, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 175 tấn/ngày và hiện có 4 đơn vị thu gom, xử lý. Đó là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, Công ty TNHH Tân Phát, Công ty CP Môi trường Thanh Xuân và Hạt quản lý Đường bộ huyện. Tuy nhiên 4 đơn vị này cũng mới chỉ xử lý rác thải tại 13 xã và 2 thị trấn. Tại 22 xã còn lại, các UBND xã và HTX nông nghiệp tự tổ chức thu gom, vận chuyển đến các điểm tập kết và xử lý tại bãi rác tạm của 15 xã.

Ngoài lượng rác các xã xử lý tạm, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện không được thu gom, vận chuyển và xử lý lên tới hơn 50 tấn/ngày. Việc xử lý tại các bãi rác hiện nay chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, số ít sử dụng công nghệ đốt rác nhưng chưa hoàn thiện, dễ gây ô nhiễm môi trường.

Lúng túng trong xử lý

Điều đáng nói là gần 90% số lượng rác sinh hoạt tại huyện Thủy Nguyên đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp đơn giản. Theo đại diện chính quyền địa phương, mỗi năm, ngân sách huyện cũng phải bỏ ra khoảng hơn 20 tỷ đồng cho công tác này. Đơn cử như UBND xã Hòa Bình, kinh phí hơn 100 triệu đồng/tháng sẽ không đủ để xã thuê đơn vị vận chuyển và xử lý rác tại Đồng Kênh nếu không nhận được sự đóng góp, đồng thuận của người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều tháng qua, bãi rác chưa được xử lý triệt để.

Liên quan đến xử lý rác thải, Sở NNPTNT Hải Phòng cũng đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Một số chương trình đã được triển khai như Ngày Vệ sinh môi trường nông thôn, định kỳ vào cuối tháng, tất cả các xã trên địa bàn các huyện dành ra một ngày, huy động tất cả các lực lượng và nhân dân để tự thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trụ sở làm việc, nơi ở và các nơi công cộng. Đây là phong trào đang được nhân rộng và trở thành một mô hình tốt đối với cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, Sở NNPTNT cũng đã phối hợp Sở TNMT xây dựng hướng dẫn chi tiết việc xử lý rác thải tại các bãi rác tạm nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tăng công năng sử dụng trong thời gian chưa có khu xử lý rác tập trung; xây dựng lộ trình đóng cửa các bãi rác đã quá tải; phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bổ sung thêm kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho các xã với mục tiêu xử lý rác thải tại các bãi rác tạm; hướng dẫn các địa phương thành lập các tổ đội thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Tuy nhiên, giữa chủ trương và thực tế vẫn là khoảng cách khá xa, thậm chí ở không ít địa phương lãnh đạo thường xuyên “đau đầu” chỉ vì bài toán rác thải.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *