Khách rời sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, đi taxi công nghệ phải leo lên lầu 3-5 của nhà giữ xe, xa hơn vị trí cũ khoảng 100 m.
Thay đổi diễn ra hôm 14/11 khi giao thông nội bộ sân bay này được điều chỉnh. Tại ga quốc nội, bốn làn xe A, B, C, D được tách riêng việc đón, trả khách. Trong đó, làn A (sát nhà ga) chỉ cho xe chở người vào sân bay, không được đón trả như trước. Hai làn kế tiếp B và C dành cho ôtô cá nhân vào đón người. Cuối cùng làn D dành cho taxi và ôtô kinh doanh vận tải đón khách.
Điều chỉnh về các làn đường đón trả khách ở ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Thanh Huyền.
Tuy nhiên sau khi điều chỉnh, các loại xe công nghệ như GrabCar, BeCar… không được vào làn D đón khách mà phải lên các tầng 3, 4, 5 của nhà xe TCP dừng chờ. Việc này khiến khách đón loại xe này phải đi xa thêm, leo lầu cao. Lái xe vào sân bay đón khách phải gửi xe trong bãi, chịu chi phí 25.000 đồng, thay vì 10.000 đồng như trước.
Tại sân bay chiều 17/11, ôtô ứng dụng công nghệ như Grab, BeGruop… vào đón khách tại ga quốc nội đều phải chạy lên các lầu 3, 4, 5 của nhà xe TCP phía đối diện. Ngoài tài xế, khách có thói quen đón các xe này đều bị lúng túng do trước đó, họ được lên xe ngay khu vực trước nhà ga sau khi đặt qua ứng dụng.
Xuống chuyến bay lúc 19h, anh Lê Văn Thông, 33 tuổi, nói mình đặt GrabCar về nhà tại quận Gò Vấp. Được hướng dẫn lên lầu 3 đón xe do tài xế không chờ phía dưới, dù bất tiện hơn nhưng vì “giá xe công nghệ rẻ hơn taxi gần 70.000 đồng”, anh Thông đành kéo valy xếp hàng chờ thang máy. “Thang máy bị kẹt do khách quá đông nên tôi phải xách hành lý gần 20kg leo cầu thang bộ lên tầng. Xách đồ nặng nên khá mệt”, anh Thông nói.
Ở lầu 3 và 4 của nhà xe TCP, ôtô từ 4-7 chỗ gắn bảng “xe hợp đồng” liên tục di chuyển đến trước khu vực thang máy và bộ để đón khách. Hầu hết người đặt xe lần đầu biết việc điều chỉnh, lúng túng nên tài xế liên tục gọi điện hướng dẫn vị trí xe đón. Nhiều tài xế nói việc chạy xe “bị xáo trộn, ít cuốc hơn vì nhiều khách thấy bất tiện hủy chuyến”.
Trả lời VnExpress tối 17/11, ông Lưu Việt Hùng, Chánh văn phòng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, sau bốn ngày tổ chức lại giao thông ở sân bay, ùn ứ giảm nhiều ở các làn đường. Cảnh lộn xộn không tái diễn, đặc biệt là ở làn A – nơi lúc trước cho xe được vào đón và trả khách.
Ông Hùng nói mục đích của điều chỉnh giúp giao thông nội bộ sân bay thông thoáng, đảm bảo trật tự, nhưng cũng để ưu tiên quyền lợi các đơn vị vận tải đã ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với cảng. Cụ thể hiện có 4 hãng taxi gồm: Vinasun, Mai Linh, Vina và Saigontourist và 7 đơn vị xe hợp đồng là: Sasco, Satsco, Sóng Việt, ACV Unico, Avigo, Công đoàn Cảng vụ hàng không miền Nam, Hải Vân. Đây là các đơn vị vận tải đã làm việc với cảng, đấu giá, ký hợp đồng thuê bến bãi và nhượng quyền khai thác.
“Trong khi các đơn vị này phải làm các thủ tục theo quy định của hãng và sân bay như tổ chức sắp tài, nhân lực điều phối, giữ trật tự thì nhiều xe công nghệ không ký hợp đồng vào đón khách gây lộn xộn, ùn tắc”, ông Hùng nói và khẳng định trước khi phân làn, phía sân bay đã nghiên cứu kỹ lưỡng thực tế nhằm đảm bảo “công bằng”.
Riêng với chi phí 25.000 đồng mà tài xế xe công nghệ phải trả do không được đậu ở làn D, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đó không phải phí vào sân bay mà bao gồm cả thời gian xe đậu 90 phút ở bãi xe. Tài xế sẽ không phải bỏ 10.000 đồng khi rời sân bay tại cổng thu phí như trước.
“Hiện Công ty cổ phần Be Group chuẩn bị hoàn tất các thủ tục để ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Phía Grab dự kiến trong tuần sẽ làm việc tìm phương án giải quyết phù hợp”, ông Hùng nói và cho biết trước đó do chưa ký hợp đồng với cảng, Grab có hướng dẫn tài xế khi đón khách ở sân bay gửi xe tại các tầng 3,4,5 nhà xe TCP.
Trước đó, ông Hùng cho biết khảo sát tại sân bay có tới 80% là taxi công nghệ vào đón, trả khách, khiến khu vực ga quốc nội thường lộn xộn. Lượng xe vào đông kéo theo các đường bên ngoài như Trường Sơn, Bạch Đằng, Hồng Hà… bị ùn ứ. Sau khi điều chỉnh, trong và ngoài sân bay đều thông thoáng hơn.
Hiện, nhiều lực lượng như thanh tra Sở Giao thông Vận tải, nhân viên an ninh, các tình nguyên viên… tại sân bay được tăng cường phối hợp điều tiết, hướng dẫn và hỗ trợ khách nắm thông tin điều chỉnh, đón xe thuận tiện. Biển báo về sự thay đổi được lắp ở những nơi phù hợp giúp khách dễ nhận biết.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết trong ngày 16/11 có 487 chuyến bay, phục vụ gần 72.000 lượt khách đến (cao hơn ngày 14/11 khoảng 10.000 khách). Tuy nhiên tình hình sân bay thông thoáng, không ùn tắc như trước bởi xe dừng đậu đón khách giảm mạnh sau khi giao thông điều chỉnh.
Liên quan vướng mắc đón khách của xe công nghệ, một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết đã đề nghị phía sân bay Tân Sơn Nhất báo cáo, xem xét và có giải pháp phù hợp. “Theo phân cấp, các tuyến nội bộ trong sân bay do Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quản lý. Sở chỉ yêu cầu điều chỉnh nếu thấy sự thay đổi không hợp lý”, ông này nói.
Sân bay Tân Sơn Nhất quy hoạch đến năm 2020 công suất 25 triệu lượt khách mỗi năm, nhưng từ năm 2017 đã đón gần 40 triệu lượt. Tăng trưởng quá nhanh khiến sân bay quá tải cả trên trời lẫn dưới đất. Để giảm ùn ứ ở các đường nội bộ, sân bay quy định cấm ôtô dừng quá 3 phút đón trả khách nhưng tình trạng này vẫn phổ biến. Hiện, ngoài lực lượng an ninh, thanh tra giao thông, sân bay còn lắp camera ghi hình, phạt nguội trường hợp vi phạm.