Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI đặt mục tiêu tăng thu nhập người dân Hải Phòng từ khoảng 5.863 USD/năm hiện nay lên mức 11.800 USD/năm vào năm 2025, tăng 1,9 lần.
Các chuyên gia, nhà quản lý đều đánh giá mục tiêu bứt phá tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập đầu người của TP Hải Phòng trong 5 năm tới hoàn toàn khả quan khi kinh tế thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, với hàng loạt dự án động lực đang đầu tư trên địa bàn.
Những con số ấn tượng
Thống kê của TP Hải Phòng cho thấy tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 5 năm 2016-2020 tăng bình quân 14,94%/năm, gấp 2,1 lần mức tăng của giai đoạn 2011-2015, khoảng 7,08%/năm, và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, khoảng 6,78%/năm.
Quy mô GRDP của Hải Phòng được mở rộng, năm 2020 quy mô GRDP ước đạt 292.657 tỉ đồng, tương đương khoảng 12,72 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người của TP Hải Phòng năm 2020 ước đạt 5.863 USD/năm, gấp 2 lần mức thu nhập bình quân chung cả nước, khoảng 3.000 USD/năm.
Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế được nâng lên, giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư. Năng suất lao động của người Hải Phòng cũng được cải thiện rõ nét, năm 2020 ước đạt 258,87 triệu đồng/lao động, gấp 2,08 lần bình quân chung cả nước.
Hải Phòng là điểm đến đầu tư của hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước như LG, Pegatron, Haengsung Electronics, Vingroup, Sun Group, Flamingo… Đặc biệt, tổ hợp sản xuất, chế tạo ôtô VinFast đi vào hoạt động, đánh dấu mốc quan trọng, tạo sự chuyển biến về chất của nền công nghiệp.
Để đưa TP Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ biển của cả nước, TP Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt bình quân giai đoạn 2020-2025 tối thiểu 16%/năm.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 145.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt 75.000 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 1,2 triệu tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỉ USD.
Đổi mới để hấp dẫn nhà đầu tư
Đến nay, TP Hải Phòng là một trong số ít các địa phương hội tụ đủ cả 5 loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, hàng không, kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng biển quốc tế Hải Phòng tới hầu hết các cảng lớn trên thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đường hàng không, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy ngày càng kiện toàn đã đưa Hải Phòng trở thành một trong những cửa ngõ quốc tế quan trọng của đất nước.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, điểm đặc biệt trong giai đoạn vừa qua là thành phố tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đối nội và phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận đầu tư hàng loạt công trình giao thông đối ngoại để từ đó nâng cao khả năng liên kết vùng, giúp giao thông thông suốt, thuận tiện giữa Hải Phòng với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
“Để thu hút các nhà đầu tư tới Hải Phòng, thành phố xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, vượt trội, hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, khu công nghiệp đi trước một bước và là đường dẫn cho thu hút đầu tư nước ngoài. Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với tổng diện tích 22.540ha bao gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan, với sự có mặt của các khu công nghiệp Đình Vũ, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, VSIP, Cát Hải, Lạch Huyện… đã sẵn sàng mọi điều kiện để thu hút đầu tư và tiếp tục chủ động đón bắt làn sóng FDI mới“, ông Tùng cho biết.
Lãnh đạo TP Hải Phòng đặc biệt chú trọng khi nắm bắt nhu cầu chính yếu của doanh nghiệp FDI là vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao để tập trung chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, TP Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số đào tạo lao động.
Ông Nguyễn Văn Tùng (Chủ tịch UBND TP Hải Phòng):
Chủ động mời gọi nhà đầu tư
Song song với thu hút đầu tư FDI, TP Hải Phòng cũng chủ động mời gọi và “kéo” được hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đến đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội như Tập đoàn Vingroup, Sun Group, Him Lam, Geleximco, Flamingo… với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 200.000 tỉ đồng.
Từ tháng 9-2016 đến nay, lãnh đạo TP Hải Phòng đã tổ chức 33 kỳ đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, qua đó nắm bắt, giải quyết 277 kiến nghị, 18 kiến nghị còn lại đang được lãnh đạo thành phố, các sở, ngành tìm hướng giải quyết.