Tết đến mà tôi ứa nước mắt nghe mẹ đẻ thủ thỉ: Chồng cho thì hẵn về, còn không thì thôi con ạ

Còn gần 2 tuần nữa là Tết, những ai làm dâu xa xứ có lẽ đều háo hức dịp này lắm. Đúng ra tôi cũng được hạnh phúc như thế nếu như nhà chồng không tráo trở. Đã 3 năm liền, tôi không được về quê mẹ ăn Tết.

Ban đầu nhà chồng hứa rất ngọt là năm nay nhà này thì năm tới nhà kia. Thế nhưng, đến sang năm họ lại viện cớ đột xuất và hứa hẹn đến năm sau. Và bây giờ khi con đã được 2 tuổi, ông bà ngoại vẫn chưa 1 lần được ôm cháu.

Bố mẹ tôi đã lớn tuổi lại chỉ là nông dân chân lấm tay bùn, cả đời họ hầu như chưa một lần bước chân qua ngọn tre đầu làng nên ông bà chẳng còn cách nào khác ngoài việc đợi con gái về.

Ấy thế mà nhà chồng còn khó khăn ra điều về đó là việc chẳng có gì quan trọng. Đâu chỉ vậy, họ còn ngang nhiên lừa cả tiền tôi dành dụm mang về biếu nhà đẻ. Từ đầu năm, tôi đã lên kế hoạch tiết kiệm để Tết năm nay có về với bố mẹ thì coi như có đồng quà tấm bánh. Thứ nhất là do từ sau khi cưới tôi chưa về nhà lần nào. Thứ hai làm thế cho bố mẹ yên tâm là cuộc sống của con gái đang rất sung túc.

Nhà chồng tôi không phải dạng giàu có gì, bản thân lại đang nuôi con nhỏ nên gần như cuộc sống của tôi cứ phải giật gấu vá vai để có những đồng tiền tiết kiệm ấy. Tôi cũng không ngại chia sẻ với chồng dự định của mình, anh nghe xong chỉ ừ hữ không nói gì.

Tưởng đâu chồng sẽ ủng hộ, nào ngờ… Bẵng đi nửa tháng, mẹ chồng bất ngờ hỏi mượn tôi tiền để lo đám hỏi cho em chồng. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe tin này bởi trước đó khi 2 bên qua lại thì nói là năm nay không được tuổi, phải chờ ra giêng. Thế mà đùng 1 cái giờ lại nói tổ chức cuối năm với lý do đổi ý đột xuất. Mà sao bà còn biết rõ là tôi đang có sẵn 10 triệu để mà ‘mượn’. Mọi sự việc đều trùng hợp đến mức khiến tôi có cảm giác chồng đang về phe nhà nội lừa dối vợ.

Khoản tiền đó với nhiều người chẳng là gì, nhưng với bố mẹ ở quê thì đó là một món quà giá trị, đủ để họ yên tâm phòng thân lúc trái gió trở trời. Có lẽ với nhà chồng thì đó cũng là một món tiền lớn khiến họ không thể nào để con dâu đem về nhà đẻ được.

Mẹ chồng ngon ngọt nói “mượn” nhưng tôi quá rõ tính bà, cái gì đã cho đi sẽ không bao giờ trở lại. Tôi không dám nói không cho mà chỉ quanh co vòng vo là món tiền này để mang về biếu bố mẹ đẻ. Thế là bà lập tức nổi giận nói dâu biển thủ tiền nhà chồng:

‘Ở đâu ra cái thứ dâu lấy chồng mà chỉ chăm chăm giữ của đem về nhà đẻ như cô. Nhà này có đủ bố mẹ chứ có phải dột từ nóc đâu nhé. Năm nay khỏi đi đâu, nhà bao việc đây’.

Tôi cảm thấy rất ức vì cả một năm trời tôi vừa nuôi con vừa phục vụ nhà chồng, vừa tranh thủ làm thêm rất vất vả mới để được ít tiền này. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành đưa ra 10 triệu của một năm cực nhọc dành dụm cho mẹ chồng khỏi đay nghiến.

Cứ nghĩ đến việc gọi điện cho mẹ đẻ báo năm nay không được về mà tôi ứa nước mắt. Từ đầu tháng ông bà ngoại đã liên tục gọi điện thoại nhắc. Vậy mà giờ nói không về nữa, bố mẹ ở nhà có đau lòng không?

Tối đến, nén xuống sự uất ức trong lòng, tôi thủ thỉ với chồng mong anh đứng về phía mình, xin mẹ cho về nhà đẻ. Vậy mà anh lại tệ bạc phủi ngang:

“Thôi, mẹ nói đúng đấy, Tết nhất bao việc về làm gì. Sang năm nữa rồi về, với cả bố mẹ vẫn đang còn khỏe, em cứ buồn vớ vẩn”.

Theo ý anh, chắc phải đợi lúc nào bố mẹ tôi chết rồi về làm đám luôn thể. Nghĩ đến năm xưa lúc anh hỏi cưới luôn một hai điều hứa hẹn mà giờ thì… Giờ tôi đã nhận ra bản thân không có phận lấy chồng tốt, bố mẹ cũng chẳng có phước nhờ rể hiền.

Cứ nghĩ đến số tiền 10 triệu kia ‘mất trắng’ trong tay mẹ chồng mà tôi ức chế vô cùng. Đã không được về thì thôi giờ đến tiền gửi về cũng không có. Hôm qua bà ngoại bỗng gọi điện dặn dò:

“Nhà chồng thoải mái cho phép thì hẵng về, không thì thôi con ạ. Gửi cho bố mẹ mấy cái ảnh của hai mẹ con cho đỡ nhớ là được”.

Tết năm ngoái, bà cũng nói câu y chang thế. Năm nay cũng lại vậy. Tôi nghe rồi chỉ biết khóc và cố cắn răng thật chặt để bên kia mẹ không nghe thấy. Lúc này, tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà, ôm lấy bà mà òa khóc cho trôi hết sự hờn tủi trong lòng.

Nếu ngày xưa, tôi chịu nghe lời mẹ lấy trai làng bên, tuy không yêu nhưng được gần bố, gần mẹ chắc cũng không đến nỗi như giờ. Bố mẹ đẻ tấm lòng thật thà rộng lượng, còn bố mẹ người muôn đời vẫn mãi là người ngoài.

Tết này, tôi phải sống sao với nỗi nhớ và nỗi khổ tâm lớn như thế này đây?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *