Sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng, có năm đã xảy ra việc học sinh tự tử vì thi trượt. Một số em khác lại rơi vào tình trạng sốc tâm lý hoặc trầm cảm vì áp lực từ phía gia đình. Là phụ huynh, chúng ta hãy cảm thông và chia sẻ, thay vì gieo cho con thêm gánh nặng. Bởi Đại học đâu phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công?
Ngày hôm qua 4/10, hàng trăm trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã công bố mức điểm chuẩn đầu vào. Sau những trạng thái hồi hộp, lo lắng chờ trường đại học mơ ước công bố điểm là những mừng vui, nhưng cũng có thể là thất vọng, khủng hoảng.
Cũng ngay tối qua thôi, một bài tâm sự của thí sinh bị thiếu 0,2 điểm thi bị bố mẹ la rầy đã khiến rất nhiều người chạnh lòng và đồng cảm. Dù biết Đại Học không phải con đường duy nhất đi tới thành công thế nhưng đây là đường thẳng để chạm tới ước mơ và cũng là ước nguyện của tất cả các bạn học sinh.
Thế nhưng, điều đặc biệt ở đây không nằm ở vấn đề thiếu 0,2 điểm mà nằm ở chính cái cách mà mẹ của cậu bạn đã hành xử sau khi hay tin con mình trượt đại học.
Nguyên văn câu chuyện được người này chia sẻ như sau:
“Thiếu 0.2 điểm… Em trượt rồi mọi người à!
Khi biết điểm, em buồn một nhưng điều em buồn hơn là mẹ gọi cho em rồi nói:
– Hình như trượt rồi à?…”Đoạn này em im lặng”… Sao không nói gì thế?
Sau đó em cũng chỉ biết nói:
– Vâng.
Vì em sợ lắm, em biết rõ tính bố mẹ em thế nào. Không ngoài dự đoán, mẹ em vừa nghe em nói vâng xong thì bắt đầu…
– Tao đã bảo mày tập trung vào học hành thì không nghe, giờ mày đã biết hậu quả chưa? Còn mặt mũi nào nhìn anh chị em họ hàng cô bác nữa không? Mày xem cả họ có ai như mày, trượt cả đại học…!
Em nghe mẹ mắng qua điện thoại mà ù tai. Vì nhà em có truyền thống hiếu học, họ hàng anh chị ai cũng đỗ đại học với điểm cao, giờ có anh họ lớn năm nay cũng sắp bảo vệ tiến sĩ, còn lại các anh chị học xong đều học tiếp thạc sĩ, người trong nước, người nước ngoài.
Áp lực em biết với bố mẹ em cũng lớn, với em càng lớn hơn… Em không phải đứa thông minh, nhanh nhẹn… Em vẫn hi vọng khi mẹ gọi em, em sẽ nhận được lời động viên nhưng không. Lại là những câu mắng, câu chửi…
Giờ em sẽ về nhà, đối diện với bố với mẹ…”
Những dòng tâm sự buồn rầu, chán nản và đầy thất vọng của bạn trẻ này khiến ai cũng chạnh lòng. Dù chỉ là vài lời tâm sự, nói ra nỗi lòng thôi nhưng dường như mọi cảm xúc của chủ nhân bài đăng đã lan tỏa khiến ai cũng buồn lây.
Thế nhưng điều đáng trách nhất ở đây chính là cách hành xử của người mẹ, thay vì quan tâm, an ủi, động viên con mình thì bà mẹ lại lớn tiếng trách móc cậu bạn. Tuy vậy có thể lý giải cho hành động này khi bố, mẹ của nam sinh này cũng đã phải chịu những áp lực về thành tích không hề nhỏ với bà con họ hàng. Và việc con trai của mình trượt đại học chẳng khác nào là một đòn giáng vào sự trông mong, chờ đợi của họ.
Nhiều cư dân mạng đã nhanh chóng vào động viên an ủi hy vọng bạn trẻ sẽ mạnh mẽ đối diện và tìm hướng đi cho tương lai. Kỳ thi đã xong rồi, dù bạn có trượt Đại Học thì không có nghĩa là tương lai bạn sẽ dừng ở đó, còn rất nhiều nguyện vọng cho bạn lựa chọn. Bởi tương lai của mình do mình quyết định.
Có lẽ câu chuyện tâng bốc con cái, quá kì vọng thậm chí là tạo một vỏ bọc thành tích cho con cái là câu chuyện quá đỗi quen thuộc với rất nhiều gia đình Việt Nam. Nhưng nhiều bậc làm cha mẹ không biết chính điều này vô tình đã tạo ra một tâm lý, rào cản trong bước đường chinh phục tri thức của con trẻ. Vô hình chung những đứa con đó đến trường, đi học, đi thi với nỗi lo thành tích.
Các bố mẹ ạ, hãy hiểu rằng, trong chuyện này, người buồn nhất chính là các con nên các bậc phụ huynh đừng tạo thêm bất kì áp lực, hay mắng chửi khi chúng không may thi trượt. Hãy thông cảm và trân trọng chúng, đừng để mọi chuyện xấu xảy ra khi đã quá muộn!