Dù ban công trong chung cư chỉ có diện tích nhỏ hẹp nhưng vì đam mê “đưa cả hệ sinh thái xanh” về nhà, anh Dũng đã tự tay cải tạo, xây bể cá, lồng chim và trồng một số loại cây.
Ở nhiều chung cư có diện tích hạn hẹp tại các thành phố lớn, ban công được thiết kế nhỏ gọn, chỉ đủ sử dụng vào mục đích sinh hoạt thông thường.
Nhưng với anh Dũng (hiện đang sinh sống tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh) thì khác. Anh đã cải tạo ban công nhà mình thành một hệ sinh thái xanh đặc biệt.
Bắt đầu từ hơn 2 năm trước, khi mới nhận bàn giao căn hộ, anh Dũng đã đưa vào thiết kế ban công xanh với dàn cây hoa giấy cao hơn 2m, vừa có tác dụng chắn bớt nắng, vừa tạo mảng màu sắc rực rỡ cho khu vườn.
Tận dụng không gian còn trống, anh Dũng thiết kế chia làm 2 ngăn: ngăn trên là lồng chim và ngăn dưới là hòn non bộ – tiểu cảnh bán cạn mini, vừa có tác dụng trữ nước để tưới cây, vừa cho chim tắm và uống nước.
Dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay, anh Dũng bắt tay vào xây dựng công trình điểm nhấn cho ban công – đó chính là hồ cá thủy sinh.
Khi có ý tưởng xây dựng hồ thủy sinh ở ban công, anh Dũng cũng gặp nhiều khó khăn như thông tin ít ỏi, hầu như không ai làm hồ thủy sinh ngoài trời. Một số người có kinh nghiệm thì cho rằng, ý tưởng này không khả thi.
Anh Dũng lên mạng nghiên cứu cách setup hồ thuỷ sinh, học hỏi kinh nghiệm làm hồ cũng như tham khảo các mẫu hồ đẹp trên mạng và bắt đầu lên ý tưởng. Sau đó, anh bắt tay vào đặt làm hồ kính, đi mua vật liệu trang trí trong bể như phân nền, đá, lũa, cây thuỷ sinh, lọc nước, co2, đèn uv,…
Bể cá ghép từ kính cường lực 10 mm, đặt trên chân sắt. Bể có chiều dài 2,4 m, có kích thước vừa chiều dài ban công, cao 0,35 m, sâu 0,2 m, dung tích 150 lít nước.
Trong bể, anh thiết kế như một dòng suối, có khúc cây ngâm nước, sỏi, cát dưới lòng suối, trên bờ có đá, cây. Đoạn giữa bể để thưa thớt, nhằm vừa tạo vẻ đẹp, vừa vẫn giữ tầm nhìn.
Lắp đặt bể xong, anh thường xuyên thay nước để loại bỏ các tạp chất trong bể, giúp nước trong dần. Sau 10 ngày, anh mới thả cá. Anh Dũng thiết kế thêm hệ thống thay nước tự động, mỗi ngày bơm vào ra 3-4 lần, mỗi lần thay 20-30% lượng nước trong bể thì khắc phục tình trạng rêu xanh.
Sài Gòn có những ngày nắng nóng lên đến 37 độ, việc thay liên tục giúp nước trong, sạch, mát, không còn lo cá chết. Bên cạnh đó, anh lắp đèn UV để khử tảo.
Ngoài ra, anh còn thiết kế một hệ thống rèm thông minh, kết nối với smart home. Rèm sẽ tự động nhận vừa đủ ánh sáng cho bể thì buông xuống che mát cho bể cá. Cách này vừa mang ánh sáng tự nhiên cho bể, lại giúp tiết kiệm chi phí so với việc lắp hệ thống đèn thủy sinh.
Toàn bộ chi phí làm bể cá hết 15 triệu đồng. Hiện mỗi tháng anh Dũng mất không quá 100 nghìn đồng tiền điện cho bể cá. Nước thải ra được tận dụng để tưới cây quanh nhà.
Bắt đầu những tiểu tiết từ 3 năm trước cho đến những công trình điểm nhấn lần lượt được xây dựng, anh Dũng cuối cùng cũng hoàn thiện xong hệ sinh thái thu nhỏ tại chính ban công nhà mình.
Không chỉ cải tạo giúp căn nhà thêm đẹp hơn, mà anh Dũng còn mang đến không gian thư giãn độc đáo mỗi ngày cho các thành viên trong gia đình.