Sinh ra và lớn lên tại một bản nghèo vùng cao, ngay từ nhỏ, Giàng Thị Mỷ, cô gái người H’Mông (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đã luôn ấp ủ giấc mơ về một tương lai tươi sáng, để thoát khỏi cuộc sống quanh năm vất vả bên ruộng lúa, nương ngô…
“Cả thôn Tìa Chớ, ngoài em ra, chẳng có bạn nào chịu kiên trì để học hết lớp 12, chứ đừng nói là đi học đại học. Nhưng em thấy chỉ có đi học lên cao, mới có cơ hội thoát nghèo. Vậy nên, mặc dù bạn bè đồng trang lứa dần dần lập gia đình hết, em vẫn luôn tin vào sự lựa chọn của bản thân”, Mỷ tâm sự.
Xác định được ước mơ sẽ làm một bác sĩ giỏi, nên ngay khi vừa trở thành học sinh lớp 10, Giàng Thị Mỷ đã dành nhiều thời gian hơn cho ba môn xét tuyển khối B là Toán, Vật lý và Hóa học. Suốt ba năm học trung học phổ thông, Mỷ đã giành giải Nhì học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh.
Với những nỗ lực học tập và nhiều đêm thức ôn thi đến tận khuya, Giàng Thị Mỷ đã đạt tổng 26,2 điểm và giành suất vào Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên). Tuy nhiên, một trở ngại nữa lại xuất hiện với em, ngay cả khi đã có giấy báo trúng tuyển đại học về tận thôn bản.
“Thực ra, chuyện em thi đại học là một bí mật. Em đã giấu bố mẹ, lén nộp hồ sơ để đăng ký dự thi. Trong suốt khoảng thời gian trước đó, mỗi lần em ngỏ ý với bố mẹ về ước mơ học đại học của mình, bố mẹ thường gạt đi với lý do gia đình mình không có điều kiện để theo”.
Trong bản, không ít người cho rằng, con gái không cần phải đi học quá nhiều, chỉ cần biết chữ rồi ở nhà lấy chồng cho yên phận là xong. Tuy nhiên, Mỷ vẫn ấp ủ một niềm hy vọng nào đó, vẫn quyết tâm đi thi. Đến khi có giấy báo trúng tuyển, lại một lần nữa em đề cập đến chuyện xin bố mẹ đi học.
Em thậm chí đã phải nhờ cả giáo viên chủ nhiệm đến nhà thuyết phục. Nhưng chỉ cần nghe nói đến chuyện học đại học đã là bao khoản chi phí hiện lên trước mắt, huống hồ ngành mà em chọn lại phải theo học đến tận 6 năm. Lần này, bố mẹ em bảo thẳng: “Nếu tự lo được, thì hãy đi học! Bố mẹ không giúp được gì đâu”.
Nghe câu ấy, Mỷ cảm thấy rất mừng vì em biết trong lòng bố mẹ đã xuôi rồi. Nhưng nhà em nghèo khó, chị gái lớn vừa đi lấy chồng, nếu Mỷ đi học xa sẽ không còn ai phụ giúp việc đồng áng mà dưới Mỷ lại còn hai em nhỏ – đứa mới lên 3, đứa chưa đầy 1 tuổi.
Vậy là Mỹ quyết định liên hệ và viết đơn xin được giúp đỡ từ một bệnh viện tại Hà Giang, vốn có chính sách nhận “đỡ đầu” cho những sinh viên nghèo muốn theo học ngành y. Cuối cùng, phía bệnh viện đã đồng ý hỗ trợ em học phí trong suốt 6 năm học, và nếu em tốt nghiệp loại ưu, em cũng sẽ được nhận vào làm.
Từ lúc biết tin Giàng Thị Mỷ đỗ đại học, họ hàng, làng xóm ai cũng mừng vui ra mặt, vì trước đó, cả xóm chưa có ai tốt nghiệp được trung học phổ thông. Chia sẻ về dự định sắp tới, Mỷ cho biết em sẽ đi làm thêm để có thể trang trải trong những năm học này.
Lặng nghe tâm sự của Mỷ, thật sự cảm phục và ngưỡng mộ cô gái này vô cùng. Em chỉ mới 18 tuổi thôi nhưng đã có suy nghĩ đầy chín chắn, trưởng thành. Từ bé, em đã chăm chỉ học tập, lớn lên lại biết mình muốn làm gì, xác định mục tiêu là hành động, không chần chừ do dự, quyết đoán vô cùng.
Ngoài kia, có rất nhiều bạn học giỏi con nhà nghèo, cũng như em Mỷ chăm chỉ học tập, có niềm đam mê riêng của chính mình. Nhưng trước sự khó khăn của gia đình, trước lời từ chối hỗ trợ của cha mẹ, trước ánh mắt săm soi của bà con, các bạn bị chùn chân hoặc là thôi không học nữa, hoặc là chọn đại một nghề được miễn phí, hỗ trợ.
Nhưng Mỷ thì không như thế, em kiên định và cứng rắn, em tự tìm lối ra cho mình bằng cách xin nhà trường hỗ trợ, em vạch kế hoạch đi làm thêm trang trải cuộc sống, em nhờ cô giáo chủ nhiệm thuyết phục mẹ cha. Em hành động nhanh lẹ và gọn gàng, thật sự rất đáng nể!
Tất nhiên, cũng không thể trách gia đình em Mỷ được, họ thật sự không có điều kiện để nuôi em đi học Đại học. Gia đình đông con, phải chia đều tình yêu thương và kinh tế, không thể vì chị gái học giỏi hơn sẽ thiên vị nhiều hơn.
Qua lời kể của em Mỷ lại thấy cha mẹ của em tuy mặt ngoài phản đối nhưng bên trong họ rất tự hào, hãnh diện vì con gái, bởi em là người duy nhất của bản làng có thể vào Đại Học, chỉ vậy thôi đã đủ ấm lòng rồi.
Mỷ cũng là một người con hiếu thảo, em không vì tương lai của bản thân mà ép mẹ cha phải chu chấp, hỗ trợ. Em thương gia đình, em hiểu hết khó khăn của người thân nhưng em đã có phương hướng giải quyết, dù rất mơ hồ, tỉ lệ thành công nhỏ nhưng em vẫn quyết chí đến cùng. Đó là lý do tại sao em giấu mẹ cha đăng ký nguyện vọng ở trường Y.
Bên cạnh đó, cô gái này ngay từ nhỏ đã không muốn mình giống bạn bè trong thôn bản, không muốn chôn vùi tuổi trẻ bằng việc lấy chồng, sinh con. Mỷ như con sâu phá kén, bước ra thế giới bên ngoài để khám phá dù hành trình phía trước hứa hẹn sẽ rất nhiều chông gai.
Ngẫm một cô gái dân tộc nghèo khó mà đã có những suy nghĩ tiến bộ ngay từ thời thơ bé thì hà cớ gì các bạn trẻ được mẹ cha yêu thương, được ăn học đầy đủ lại buông bỏ tương lai, không chịu khó học tập, phấn đấu, đua đòi chạy theo trào lưu vớ vẩn rồi cả đời chỉ biết ăn bám phụ huynh?
Trong cuộc đời, chúng ta có rất nhiều cơ hội để lựa chọn nhưng chỉ có một lần để sống. Chọn đúng thì tương lai tốt đẹp, chọn sai thì trả giá sai lầm. Tuy nhiên nếu đã quyết định thì cứ mạnh mẽ lên bởi người thành công ít nhất phải là người kiên định.