Nữ sinh đi buôn đồng nát cố vượt qua 4 năm ĐH, bị hàng xóm mắng “ích kỷ” vì để bố bán trâu

Một số bạn trẻ bây giờ thường hay đổ lỗi cho số phận, học không giỏi là do xui, tương lai không tốt là do cha mẹ nghèo. Đến trường, không dám nói với bạn bè về gia cảnh của mình vì bố là xe ôm, thợ nề… còn mẹ thì giúp việc, nhặt ve chai. Thế nhưng, câu chuyện của cô gái sau đây lại hoàn toàn khác.

Cách đây vài năm, trên con đường nhỏ gần làng Nguyên Xá (Bắc Từ Liêm – Hà Nội), cô nữ Nguyễn Thị Cúc thường cùng mẹ đi buôn đồng nát. Lúc ấy, em là sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và suốt 4 năm trên giảng đường, cô cùng chiếc xe đạp cũ kỹ đi thu mua ve chai trang trải cuộc sống.

Suốt 4 năm học, Cúc làm thêm nghề buôn đồng nát để trang trải cuộc sống (Ảnh: Dân Trí)

Cúc sinh ra trong một nhà nghèo có 6 chị em tại miền quê xứ Thanh. Ngày đó, Cúc đã phải đấu tranh, thậm chí giả câm, giả điếc trước mọi lời trách móc, mỉa mai để được tiếp tục đến trường.

“Mọi người ở quê cho rằng, bây giờ học đại học cũng không kiếm được việc. Thêm nữa, bạn bè bằng tuổi em đều đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế nên nhiều hàng xóm sang nói với bố em rằng, nhà nghèo tốt nhất là nên đi làm chứ học chẳng được gì cả”, Cúc tâm sự.

Nhớ lại cái duyên với đồng nát, Cúc kể: “Ngày mới ra đây học, nhà em khó khăn lắm nên mẹ cũng rời quê ra đây để kiếm tiền lo cho em. Ban đầu, mẹ đi làm giúp việc. Nhưng thấy mẹ vất vả quá mà em lại không thể giúp gì được nên hai mẹ con quyết định đi thu mua đồng nát”.

Những ngày đầu, hai mẹ con đạp xe cả ngày nhưng không mua được cái gì. Thế nên, Cúc lại dẫn mẹ đi nhặt phế liệu ở các chợ như Đồng Xa, chợ Nhổn… Dần dần, hai mẹ con mới có khách bán đồ cũ, hàng thừa.

Mùa đông thì gió lạnh, hai mẹ con vất vả lắm mới đưa được một xe hàng về đến phòng trọ để phân loại. Còn mùa hè, những hôm nắng như đổ lửa, hai mẹ con lại đồng hành khắp các ngõ xóm. Dù vất vả, thiếu thốn là thế, nhưng Cúc lại học giỏi và tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp.

Dù khó khăn nhưng Cúc luôn nỗ lực học hành (Ảnh: Dân Trí)

Đến năm thứ 3, “cô bé đồng nát” được chọn là một trong 24 sinh viên ưu tú của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tham gia “Trao đổi sinh viên văn hoá giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc” trong vòng 1 năm.

Lúc này, bố Cúc phải bán trâu rồi vay ngân hàng để có tiền cho Cúc sang Trung Quốc học tập. “Ở quê, nhiều người dè bỉu bảo em ích kỷ vì nhà nghèo mà sang nước ngoài học, nhưng em đã chấp nhận. Dù vậy, em hay mẹ đều không hối hận về quyết định đó”, Cúc nói.

Lo lắng mẹ ở nhà sẽ không tìm được mối mua hàng, khi sang Trung Quốc rồi, Cúc lên các diễn đàn sinh viên kêu gọi: “Mẹ tớ là đồng nát, các bạn có đồ gì không dùng thì bán cho mẹ tớ nhé”, lời rao của Cúc nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của các bạn cùng trường.Từ đó, ai chuyển phòng, có đồ thừa đều gọi cho mẹ Cúc đến mua.

Với nhiều người, nghề buôn đồng nát là cái gì đó vất vả, nhọc nhằn, đôi khi là bẩn thỉu vì tay chân suốt ngày lấm lem. Thế nhưng với Cúc thì cô gái này biết ơn nghề này hơn cả. Cứ nhắc về mẹ, Cúc lại khóc nghẹn ngào. Cô gái nhỏ chia sẻ rằng, mẹ là thần tượng, là động lực để em vượt lên gian khó.

Nghĩ về con trâu của bố mẹ, nhiều lần cô thấy tiếc nuối. Trong một lá thư gửi về nhà, Cô viết: “Con xin lỗi mẹ thật nhiều, con biết mẹ không nói ra nhưng mẹ đã chịu rất nhiều cực khổ. Nếu sau này con có thể kiếm được nhiều tiền, con chắc chắn sẽ mua lại cho bố mẹ một con trâu như ngày trước. Vì con mà bố mẹ đã phải bán con trâu gia tài của mình”.

Cúc đã được đi du học ở Trungn Quốc và có tương lai sáng lạn hơn (Ảnh: Dân Trí)

Ngẫm thế gian có hàng ngàn lời xin lỗi, nhưng lời xin lỗi của Cúc chẳng hề sai, thậm chí còn khiến chúng ta chua xót nghẹn ngào. Sinh ra trong cái nghèo không phải lỗi của em, mẹ cha bôn ba vì con cái, cũng đâu phải là lỗi lầm của bọn trẻ.

Từ bé đến lớn, Cúc luôn chăm chỉ, nhiệt huyết và năng nổ. Em biết mình thua thiệt, biết gia cảnh khó khăn nên nỗ lực hơn người. Để có tiền đi học Đại học, em chấp nhận đi bán ve chai cùng mẹ, không ngại nắng mưa. Trong khi nhìn lại bạn bè cùng trang lứa, ai cũng đang phấn son và điện thoại xịn sò.

Vậy mà miệng đời, nhất là mấy người hàng xóm nhiều chuyện, không cổ vũ, động viên em, lại còn reo giắc những ý nghĩ rất tiêu cực, rằng em là gánh nặng của mẹ cha, khiến tâm lý của cô bé vô cùng náo loạn. Cũng may em vững lòng tin, kiên trì bước tiếp bởi em hiểu một điều rất giản đơn, chỉ có học hành mới thay đổi được cuộc đời.

Em giỏi giang, hiếu thảo, siêng năng. Trong khi xã hội ngoài kia, biết bao kẻ còn chân tay, còn khối óc, còn một cơ thể lành lặn nhưng sống dựa người thân, ăn bám gia đình. Tệ hại hơn, chúng còn tranh đoạt tài sản, giết hại người thân.

Giờ đây, Cúc đã có vốn liếng ngoại ngữ, xuất sắc được du học ở Trung Quốc. Em hãy yên tâm vì khi ra đời, tiếng Trung đang rất thịnh hành, cơ hội việc làm rất nhiều và đầy vẫy gọi. Con trâu mà cha em bán đi, hẳn sẽ lấy lại về trong tương lại, thậm chí nhiều hơn thế nữa.

Sau cùng, mẹ cha của em là những người đáng được vinh danh, bởi trong tận cùng của sự khổ, họ không khuyên em nghỉ học như nhiều gia đình khác. Thậm chí mẹ của em, đãcùng con lên thành phố rau cháo nuôi nhau.

Ngày xưa, ông bà mình thường chỉ phấn đấu cho con trai học thành tài, còn nữ giới phải ở nhà nội trợ. Nhưng gia đình em, dù trình độ học vấn không cao. Cha mẹ em, dù chỉ mới biết đọc biết viết nhưng tầm nhìn của rất cởi mở hiện đại. Họ là những con người đáng nể. Hy vọng sau này khi Cúc đã thành tài, nhớ báo hiếu mẹ cha thật tử tế.

Một lần nữa, cảm ơn gia đình Cúc đã viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Hy vọng em sẽ luôn mạnh khỏe và tiếp tục cố gắng trong tương lại, trở thành một người thật tốt cho xã hội. Còn chúng ta, xin hãy gửi lời cảm ơn đến bố mẹ, vì họ đã luôn nỗ lực để con cái được bằng bạn bằng bè.

Nguồn: Dân Trí

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *