Nỗi tiếc nuối để đời trong nghiệp chơi bóng chuyền của hoa khôi Kim Huệ

Được coi là VĐV bóng chuyền thành công nhất trong lứa cầu thủ tài năng của bóng chuyền nữ Việt Nam, song nỗi tiếc nuối để đời của hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ vẫn là chưa một lần được xuất ngoại.

Nhắc đến Phạm Thị Kim Huệ, rất nhiều người vẫn nhớ cô Hoa khôi bóng chuyền với tài năng và xinh đẹp. Kim Huệ sinh năm 1982 tại An Dương, Tây Hồ, Hà Nội. Bén duyên với thể thao qua lớp điền kinh của Hà Nội nhưng sau đó cô đã quyết định thi tuyển vào CLB bóng chuyền Bộ Tư lệnh Thông tin khi mới 12 tuổi.

Cô trở thành thành viên trẻ nhất của đội tuyển Việt Nam khi mới 17 tuổi. Và cũng chỉ mất thêm 2 năm, Kim Huệ trở thành đội trưởng ở CLB cũng như đội tuyển quốc gia.

Kim Huệ sở hữu thành tích vào hàng bậc nhất làng bóng chuyền nữ Việt Nam với 9 chức vô địch quốc gia, 7 tấm huy chương bạc SEA Games cùng kỷ lục 17 lần liên tiếp tham dự giải VĐQG.

Sở hữu miếng đánh một chân sau đầu trở thành thương hiệu của người đẹp bóng chuyền, cùng với đó là hiệu suất ghi điểm ấn tượng. Xinh đẹp và chơi bóng giỏi, được người hâm mộ bóng chuyền cả nước yêu mến song sự nghiệp của cô gái ấy vẫn vương những nốt trầm mà ít người để ý tới.

Có thể nói Kim Huệ là một vận động viên đẳng cấp khu vực trong gần 20 năm qua tuy nhiên một trong những điều đáng tiếc của cô là chưa một lần đầu quân cho đội bóng ngoài Việt Nam dù từng có được vô số lời mời gọi từ các đội bóng Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn cô nói: “Mong muốn được một lần xuất ngoại đi đánh thuê, bản thân em cũng cảm thấy mình nỗ lực hết sức để mong được CLB gửi lời mời. Thực tế, đã có những CLB đánh tiếng mời, song do cơ duyên nên em chưa một lần được xuất ngoại. Đó là một nỗi tiếc nuối trong quãng đời sự nghiệp thể thao của em”

Suốt thời gian đầu khi thi đấu nổi bật tại CLB bóng chuyền Bộ tư lệnh Thông tin, cô nhiều lần từng được các CLB nước ngoài mời sang thi đấu, ngay từ năm 2004. Do khoác áo lính, khó khăn về thủ tục, nên những cơ hội cứ dần trôi qua trước mắt. Những khó khăn đó có thể hiểu được do tại thời điểm ấy những cơ chế ràng buộc khiến cơ hội xuất ngoại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Bẵng đi một thời gian dài khoảng 10 năm, lúc này Kim Huệ đã là người của Ngân hàng Công thương, cô được CLB Ayutthaya mời sang Thai League và Kim Huệ cũng nhận được sự ủng hộ từ CLB chủ quản.

Tuy nhiên, ngay trước thời điểm ấy, đội bóng Thái đã liên hệ… xin lỗi Kim Huệ vì những biến động tài chính bất khả kháng từ phía CLB này. Vận đen tiếp tục đeo bám cô gái xinh đẹp khi cùng năm 2015, Kim Huệ lại lỡ chuyến xuất ngoại sang giải VĐQG Thái Lan cho Danish Nongrua. CLB này dù rất muốn có Huệ song không đạt được thỏa thuận với đội bóng chủ quản.

Lần lỡ hẹn lại được tái diễn hai năm sau đó khi đội bóng Indonesia đã thông qua Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, gửi đến cô lời mời cũng như bản hợp đồng thi đấu ở mùa bóng 2017, bắt đầu từ ngày 1/12 tại giải Proliga Championship, với toàn bộ chi phí được phía bạn đài thọ, chưa tính mức lương lên đến 4.000 USD/tháng.

Thời điểm này bóng chuyền Ngân hàng Công thương đang gặp khó khăn cần tới Kim Huệ, cô cũng cam kết sẽ ưu tiên cùng đội bóng tham dự hết vòng 2 Giải bóng chuyền VĐQG 2016. Nếu hai bên có thể thỏa thuận, thì Kim Huệ sẽ chơi bóng tại Indonesia kể từ ngày 17/12 cùng năm. Nhưng những thỏa thuận không có được sự đồng thuận và điều đó khiến giấc mơ xuất ngoại của Kim Huệ khép lại.

Mặc dù vậy, cho tới hiện tại Kim Huệ vẫn là một tượng đài của làng bóng chuyền nữ Việt Nam mà ít có VĐV nào có thể chạm tới. Sự thành công của cô Hoa khôi vẫn đang tiếp diễn với đội bóng nhiều duyên nợ Ngân hàng Công thương khi hiện tại cô đang là HLV phó của đội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *