Người Hà Nội đổ ra chật đường trong ngày đầu nới lỏng giãn cách: Tại sao người ta thích ra đường giữa đại dịch?

Tối qua, cảnh tượng vui trung thu ở Hà Nội diễn ra như thể con số nhiễm trên dưới 10 ngàn mỗi ngày, làm chết vài trăm người Việt mỗi ngày vì covid-19 chỉ là một fake news.

TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI THÍCH RA ĐƯỜNG ĐẾN VẬY?

Tại sao hàng ngày vẫn xuất hiện những kẻ manh động thông chốt hoặc sẵn sàng hành hung người kiểm soát dịch, dù thông tin về xử phạt, thậm chí xử tù người vi phạm, vẫn được treo trên trang nhất hàng trăm tờ báo?

Tại sao có những cụ già, khi vi phạm quy định phòng dịch, vẫn nói năng, hành xử với cơ quan chức năng, không khác gì một đứa trẻ chưa lớn trong gia đình thiếu giáo dục?Muốn trả lời được câu hỏi tại sao, chúng ta hãy quay trở về bên trong mỗi chúng ta. Không bao giờ có thể tìm thấy câu trả lời thỏa đáng, nếu vẫn cứ nhìn bên ngoài, nhìn người khác, mà không hỏi lại chính mình.

Tại sao một người đàn ông đã có vợ con, có nhà đẹp vẫn muốn đi ra khỏi nhà mọi lúc có thể?

Thường thì người đàn ông ấy sẽ trả lời: Vì vợ hay càu nhàu, vì ở nhà không thoải mái, tù túng, vì con hay quấy khóc, vì gặp bè bạn vui hơn…

Đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh bao giờ cũng là dễ nhất. Nhưng cùng với việc đổ lỗi ấy, anh ta buộc phải chấp nhận: Khi nào vợ anh ta còn càu nhàu, con anh ta còn quấy khóc, thì anh ta không bao giờ có được một tổ ấm trọn vẹn. Và ngôi nhà, thay vì là nơi để quay về, thì lại là nơi để bắt đầu đào thoát. Một nhà tù theo nghĩa bóng.

Nhưng nếu quay về bên trong, người đàn ông ấy sẽ nghĩ thế này: Người vợ hay càu nhàu đó là do ai chọn? Như vậy thì phải “vạn sự do mình” chứ! Giữa việc có một người vợ càu nhàu nhưng chịu thương chịu khó, với việc không có người vợ nào, cuối cùng anh sẽ chọn cái gì?

Mình buồn khổ, bực bội với sự lựa chọn của chính mình, tại sao lại đi đổ lỗi cho vợ? Nếu người vợ bực chồng, cũng bỏ con nhỏ, bỏ nhà mà đi đàn đúm như ông chồng, tổ ấm ấy sẽ biến thành gì?
Khi đã lựa chọn rồi thì mình sẽ chịu trách nhiệm với lựa chọn hay vô trách nhiệm với nó? Sẽ tìm cách cải tạo, khắc phục để lựa chọn đó trở nên tốt hơn hay để nó tồi tệ đi?

Những người lựa chọn vào sinh sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long mà ghét lũ về, thì cả quãng đời còn lại của anh ta sẽ sống trong bực tức. Người Đồng bằng Sông Cửu Long thứ thiệt thì lại vui vô cùng trong mùa lũ vì họ được thụ hưởng sản vật theo về.

Một người Sài Gòn di cư ra Hà Nội, mà ghét cay ghét đắng mùa đông, thì ít nhất 1 năm, anh ta phải buồn khổ trong 3-4 tháng. Hãy quan sát hạnh phúc của những người thích mùa đông và nghe họ hát “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh”.

Nếu quay về bên trong, anh ta sẽ nghĩ: Vì sao vợ mình càu nhàu? Vì sao con mình hay quấy khóc?

Nếu nhìn thấu hàng núi việc không tên và những áp lực mà một người phụ nữ nuôi con nhỏ phải gánh, anh ta sẽ thương vợ thắt lòng. Còn nếu không nhìn thấu, hãy đổi vai: Chồng làm việc của vợ, vợ làm việc của chồng trong gia đình một tuần xem. Người phát điên, chắc chắc không phải vợ.

Nếu anh ta nhìn thấu: Quấy khóc là một trong những đặc điểm phổ quát của trẻ con. Nếu không muốn chứng kiến con quấy khóc, thì chỉ có cách không đẻ con, hoặc đẻ con rồi đem đi cho người khác nuôi. Khi chưa có con, mình đã mong con ra đời biết bao. Giống như nhạc sĩ Lam Phương đã có câu hát lạ lùng nhưng sâu sắc “đêm về nghe con khóc vui triển miên”. Phải là những người vô sinh, hiếm muộn nhiều năm, khi nghe câu hát ấy, mới thấm thía thật sự.

Người vợ càu nhàu là do mình chọn, con mình có quấy khóc cũng do mình mong ngóng sinh ra, thế thì việc “trốn khỏi” sự lựa chọn và mong ngóng của mình, chính là hành động bất lực và thiếu trách nhiệm.

Có rất nhiều lý do khiến người dân đổ ra đường vui trung thu giữa đại dịch Covid. Người thì thấy giãn cách tù túng lâu ngày, người thì nhớ phố Hà Nội quá, người thì thấy người khác đi mình cũng đi, người thì nghĩ Covid sẽ chừa mình ra…

Dù ý thức hay vô thức, họ cũng đang vin vào hoàn cảnh xô đẩy.
Nếu trước khi quyết định tận hưởng chút cảm giác sung sướng nhất thời của bản thân khi được ra đường, ai cũng nghĩ rằng:

Bao nhiêu lực lượng chống dịch có muốn được ra đường chơi tối nay không?

Bao nhiêu y bác sĩ tuyến đầu có muốn được ngồi bên gia đình bên mâm cỗ trung thu không?

Bao nhiêu người tổ chức tiêm vắc xin xuyên đêm để thêm nhiều người dân bớt bị đe dọa tính mạng, có muốn được nghỉ ngơi không?

…thì có lẽ lượng người đổ ra đường sẽ không đông đến thế.

Nếu họ không nghĩ cho người khác mà hy sinh sự vui thú của bản thân mình, thì đến giờ chúng ta vẫn được ở nhà, hay đã nằm trong một xó nào đó của bệnh viện dã chiến, hoặc đã theo xe tang lễ đi về nơi xa lắm?

Khi xảy ra việc thông chốt và chống người thi hành công vụ, thì hầu hết vấn đề không nằm ở cái chốt và nhà chức trách. Nguyên nhân chính xuất phát từ tâm sân hận của những kẻ vi phạm. Tâm họ vốn bức bối vì không có cách nào giải nhiều vấn đề gặp phải trong cuộc sống và cái chốt chặn và người thi hành công vụ, vô tình trở thành nơi để xả giận dữ.

Một người bình tĩnh, lạc quan, vui vẻ, không khó khăn gì trong việc nhận ra: Chốt chặn kia lập ra để bảo vệ ai? Những người đang làm nhiệm vụ kia phải xa gia đình để bảo vệ ai? Chính là để bảo vệ mọi người, trong đó có kẻ gây rối. Hiểu thấu như thế thì sẽ không manh động và vô ơn.

Ngay cả chúng ta không nghĩ cho người khác, thì cũng nên quay về bên trong mà hỏi chính mình: Nếu Hà Nội bùng phát dịch trở lại, Covid có chừa mình ra không? Nếu Hà Nội bị phong tỏa một lần nữa, thì bao nhiêu thú vui trung thu có thể trả giá và đánh đổi được kinh tế, sinh mạng và nhịp sống không còn bình thường được nữa?

Hà Nội đã mất rất nhiều công sức và tiền bạc để xét nghiệm và kiểm soát dịch. Nếu những người ra đường chỉ để chơi biết rằng: Trong số tiền đó, có phần đóng thuế của mình, thì họ cũng sẽ cân nhắc không đánh đổi niềm vui nhất thời để đổi lấy sự phung phí tiền của nếu dịch bùng phát trở lại.

Vì mọi người, xét cho cùng, cũng là vì chính mình.

Bảo vệ cho người, cũng là bảo vệ cho chính mình.

Thiếu trách nhiệm với cộng đồng, chính là đang cầm đá ghè vào chân mình mà không biết.

Hãy tìm an vui, tự do, thoải mái trong chính ngôi nhà của mình, trong tâm hồn của mình, dù cách ly hay bình thường. Bởi nếu không, ngay cả khi đại dịch chấm dứt, người ta vẫn phải phong tỏa tâm hồn và chạy trốn hạnh phúc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *