Người đàn ông tái dương tính sau 22 ngày: Lần 2 nhiễm biến chủng khác ‘tiến hóa từ Delta’

Những gì chúng ta biết từ trước đến nay là những người nhiễm nCoV khỏi bệnh sẽ có lượng kháng thể tự nhiên và khả năng tái nhiễm là rất thấp (ít nhất là trong vòng 6 tháng).

Thế nhưng mình vừa đọc trên tờ Vietnamnet có đưa tin về trường hợp tái nhiễm vô cùng đặc biệt khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Đó là người đàn ông tái dương tính chỉ sau 22 ngày kể từ khi dương tính lần đầu. Vấn đề là ở lần thứ 2, ông ấy lại mắc một loại biến thể khác nữa chứ.

Mình nghĩ nhiều người sẽ quan tâm đến thông tin này nên chia sẻ lại dưới đây, ai muốn biết thì cùng tìm hiểu thêm nhé.

Đã khỏi bệnh rồi lại tái dương tính, nhiễm tới 2 biến thể khác nhau

Theo thông tin đăng tải trên báo chí, phòng thí nghiệm Y tế Công cộng bang Nevada (Mỹ) đã xác định một trường hợp hiếm hoi tái nhiễm nCoV, chỉ 22 ngàykể từ khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính lần đầu.

GĐ Phòng thí nghiệm, ông Mark Pandori cho hay: Người đàn ông 31 tuổi, không có bệnh nền, chưa được tiêm phòng vắc xin. Trong lần xét nghiệm đầu tiên, bệnh nhân dương tính với biến thể Delta. Sau đó 3 tuần, anh lại dương tính với một ‘chủng khác tiến hóa từ Delta’

Nam bệnh nhân này tái nhiễm nhưng không phải nhập viện và hiện đã bình phục. Thế nhưng các triệu chứng nCoV của anh được đánh giá là nghiêm trọng hơn vào lần thứ 2.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) từng nói: Người đã bình phục sau khi nhiễm nCoV có khả năng miễn dịch trong ít nhất vài tháng.

Do đó, trường hợp tái nhiễm nhanh chóng như người đàn ông 31 tuổi này nhất là anh lại không hề có bệnh nền, thuộc nhóm trẻ và khỏe mạnh là rất lạ.

Các chuyên gia lý giải rằng, có thể do virus đã biến đổi vượt qua sự bảo vệ do từng mắc bệnh hoặc tiêm chủng.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa rõ hiện tượng tái nhiễm phổ biến như thế nào trong cộng đồng. Song họ bày tỏ mối lo lắng về sự gia tăng số ca nhiễm cũng như các ca bệnh ở người đã được tiêm chủng.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại các dòng virus đột biến từ Delta đang trở nên phổ biến hơn, nhất là AY.4, AY.25, AY3 và AY13.

Mặt khác, ông Pandori nhận định: một dòng phụ của Delta là AY.26 có 31 đặc điểm khác biệt về gen so với Delta. Chính sự đa dạng di truyền này khiến ông nghĩ cần đặc biệt quan tâm.

Các quan chức y tế hy vọng vắc xin sẽ được điều chỉnh để phù hợp với khả năng chống lại các biến thể mới, giống như cách sửa đổi mỗi năm của vắc xin cúm. ‘Nếu có những biến thể tránh được sự bảo vệ của vắc xin và lây nhanh hơn thì chúng ta cần nhanh chóng tạo ra loại vắc xin chống lại biến thể đó’, TS. William Schaffner (ĐH Vanderbilt) nhận định.

Song, ở thời điểm hiện tại các cơ quan y tế đánh giá các loại vắc xin hiện hữu vẫn có khả năng bảo vệ và chống lại nguy cơ trở nặng do virus gây ra.

Giờ đây, mức độ phổ biến của Delta ban đầu đang giảm nhanh và nhưỡng chỗ cho các dòng đột biến. Đó là cách virus tồn tại trong cộng đồng và tạo ra nhiều cơ hội lây lan hơn.

Nói tóm lại thì F0 khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm nên đừng chủ quan

Ths. BS Lâm Hoàng Cát Tiên (BV Nguyễn Tri Phương, TP. HCM) cho hay: Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm thuộc Hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ đã kết luận miễn dịch tự nhiên có được sau khi nhiễm virus có thể tồn tại tới 11 tháng sau khi khỏi bệnh.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc những người này sẽ an toàn. Bởi, đã xuất hiện không ít trường hợp tái nhiễm.

TS. BS Phạm Lê Duy (Trường ĐH Y dược TP. HCM) đánh giá: Một người từng nhiễm và khỏi bệnh vẫn hoàn toàn có khả năng nhiễm lại.

‘Có thể người bệnh nhiễm một biến chủng khác. Hoặc khi họ nhiễm, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra không đủ lớn để bảo vệ họ không bị nhiễm lần nữa’, BS. Duy phân tích.

Đó là lý do vì sao mà các nước trên thế giới khuyến cáo những người từng mắc và khỏi bệnh vẫn nên đi tiêm vắc xin để bản thân được bảo vệ.

Ngoài ra, những người khỏi bệnh còn có thể là trung gian mang virus đi nhiều nơi. Do đó, việc tiêm vắc xin và tuân thủ 5K là điều hết sức cần thiết.

Còn BS. Nguyễn Lê Thục Đoan (BS tư vấn tổng đài 1022 TP. HCM) cho hay: F0 đã khỏi bệnh vẫn có thể bị nhiễm dù tỷ lệ không cao. Các báo cáo hiện nay đều ghi nhận phần lớn là không triệu chứng hoặc nhẹ. Song điều đó không đồng nghĩa với việc người tái nhiễm không thể lây cho người khác.

Từ những thông tin trên báo chí thì có thể tóm lại thế này: F0 sau khi khỏi bệnh rồi vẫn có nguy cơ tái nhiễm nên vẫn cần tiêm vắc xin đầy đủ. Hơn nữa, cần tuân thủ 5K cẩn thận vì vẫn có thể lây lan virus cho người khác.

Thế nên dù đã tiêm hay là F0 khỏi bệnh, cơ thể đã có kháng thể thì đều không được chủ quan đâu mọi người. Chúng ta chẳng thể biết được ngoài Delta thì virus còn có thể đột biến thêm thế nào nữa đâu.

Nguồn: Tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *