Chị Thanh Q. (Hoàng Mai, Hà Nội), 32 tuổi, sinh con lần 2 lại sinh đôi nên nhà chị vô cùng nheo nhóc vì thế chị đã có trải nghiệm trong 3 năm với nhiều đời ô sin, thậm chí chị nghĩ có thể viết nó được thành cuốn tiểu thuyết
20 đời ô sin trong 3 năm, lâu nhất 8 tháng, ngắn nhất… 3 ngày
Chưa nói rằng việc tuyển ô sin đã vô cùng khó khăn, mức giá chị đưa ra là 6,5 triệu (do chị Q. ở nhà và cùng chăm sóc các bé) nhưng nghe thấy mức lương này với 2 đứa trẻ sinh đôi, bao nhiêu chị giãy lên như đỉa phải vôi, kiểu “Chị trả tôi thế có mà chết”.
Có chị cười cười nhạt kiểu “cô không biết giá thị trường thế nào à, mà 2 đứa trẻ sinh đôi trả 6.5 triệu”. Ấy thế nhưng, ngân sách của chị Q. chỉ có bấy nhiêu, cộng thêm chị biết công việc của chị giúp việc là gì, bản thân chị cũng ở nhà cũng xắn tay vào làm cùng nên chị cũng rắn quyết không… tăng giá.
Và đúng là vì thế chị đã hẹn bao cuộc phỏng vấn, dù mất nhiều thời gian nhưng vẫn có thể thuê được người. Trong những người xuất hiện đó thì cuối cùng nhà chị đã qua hơn 20 đời giúp việc để cho đến ngày con được 3 tuổi và đi lớp. Nhớ lại những ngày tháng long tóc gáy vì làm việc và đối đầu với ô sin chị cũng sợ hãi. Người làm lâu dài nhất là 8 tháng, người nhanh nhất được… 3 ngày.
Chị Q. cũng chắc chắn để không bị ô sin dắt mũi nên thường trả lương cuối tháng tránh tình trạng giúp việc bỏ trốn, bùng kèo. Tính kĩ như thế mà chị Q. vẫn phải ăn quả đắng.
Có cô giúp việc lớn tuổi bỗng trước ngày giáp Tết 1,5 tháng thì đòi về quê vì sinh nhật con. Ừ thì cả năm mới có 1 cái sinh nhật vậy nên chị Q. gật đầu, còn không quên mua cho con bé đôi giày, ứng lương trước cho cô về quê còn mua quà cáp cho họ hàng, cả có tiền đi tàu xe chị cũng cho nốt.
Đến ngày hẹn lên chẳng thấy cô đâu, càng chờ dài cổ càng mất hút, tự bảo khéo kẹt xe nên cô lên muộn. Nhưng càng chờ càng không thấy, chị đành bốc máy lên gọi chán chê mê mỏi thì mới nhận được lời đáp không thể súc tích hơn: “Chồng cô không cho cô đi làm nữa. Cháu thông cảm nhé“. Tết đó chị ăn mất ngon vì 3 đứa con bám dính từ lúc đi toilet lẫn lúc ngủ. Cảm giác hận giúp việc không để đâu cho hết.
Giúp việc tự nấu ăn riêng vì theo chế độ eat clean, 8h30 nhất mực lên giường vì… bệnh tiền đình
Sau đó thì người ngắn, người dài ở lại với chị mà mỗi lần xong 1 đời giúp việc lại tức anh ách. Có chị giúp việc thì chế độ ăn giảm cân còn kĩ càng hơn cả chủ, vì thế chị phải được ăn suất ăn riêng theo chế độ eat clean, không ăn theo nhà. Có cô thì lu loa lên: “Ăn như thế này thì lộc ở đâu vào được, đầu tháng đã ăn thịt vịt, đen phải biết”. Trong khi chồng chị làm kinh doanh, chốt đơn, nổ số ầm ầm mà cũng bảo miếng vịt trong miệng đắng ngắt. Có chị khác thì bảo: “Cho chị chế độ ăn riêng. Chị ăn theo nhà em chị yếu lắm không làm được việc” nên chị nấu ăn riêng, không theo bữa chung của nhà. Chị Q. tặc lưỡi, tuy có cách rách và tốn kém hơn nhưng người ta làm được việc thì thôi cũng đành.
Một cô khác thì đều đặn 8h30 lên giường, kệ cô chủ 3 con đu bám, khóc lóc với lời giải thích: “Tôi bị tiền đình, tôi không chịu được tiếng khóc trẻ con”.
Chị Q. cho biết, thuê giúp việc chọn người già thì chậm, mà chọn người trẻ thì điện thoại cầm tí toáy liên tục. Cô mê phim, cô mê tiktok, cô nghiện mua sắm online, cô thích hát karaoke… hoặc nghiện tất cả những thứ đó rồi đánh ngã con chị.
Chị điên lắm, nhưng cũng nhiều khi phải nhịn bởi sợ giúp việc giận mà bỏ đi bất ngờ thì vợ chồng chị cũng đánh cãi nhau không thể yên ổn. Giúp việc dường như cũng biết vị thế trong nhà của mình nên có lúc bon miệng buôn với khách, bảo: “Nhà này việc gì mà chẳng phải tay tôi lo”.
Tiểu tam, trà xanh ở ngay trong nhà
“Có chuyện còn buồn cười thế này, một cô có thói quen đi tập thể dục sáng rồi không biết thế nào quờ quạng được 1 ông. Thế rồi vợ ông ấy kéo đến tận cửa đánh ghen làm cho hàng xóm nghe loáng thoáng lại tưởng đánh ghen với mình.
Thế mà cũng không gặp từng người để thanh minh được. Sau thấy mọi người cứ nhìn mình với ánh mắt khác khác. Cuối cùng hóa ra mình nuôi 1 cô “tiểu tam” trong nhà mà không hay biết. Cuối cùng đã không được thanh minh thì chớ, báo hại người ta lại tưởng mình là tiểu tam”, chị Q. kể.
Có lần thử thay đổi phong thủy, chị chọn 1 cô bé còn rất trẻ nhưng lúc nào cũng thấy con bé lăm lăm cái điện thoại trên tay, ra ngắm vào vuốt tô lại son. Có lúc nó còn dạy chị chủ: “Chị á ở nhà cũng phải ăn vận đẹp đẹp lên. Xem chị kìa người ngợm luộm thuộm thế kia chồng chị mê sao được”. Thế rồi, cũng có lúc thấy cháu nó nhìn chú chủ đầy ý nhị, chiếc áo mặc bắt đầu khoét sâu khuôn ngực hơn.
Có lúc ngồi trong bàn ăn còn đá đá chân chồng chị nữa. Ả trà xanh mang danh giúp việc khiến chị Q. thấy quá trướng tai gai mắt nên phải tống tiễn.
Dù sau đó lại như con điên quay cuồng, chân thấp chân cao chăm con, làm việc nhà, có lúc cùng lúc các thứ ập xuống, con khóc mà bám mẹ ngằn ngặt mà rưng rưng suýt khóc.
Sự thật của “bát cháo hết veo”
Con chị Q. lười ăn là chuyện rõ, gần đây chị giúp việc ra được chiêu mà bữa ăn nhẹ như lông hồng. Chị bảo: “Cô chủ cứ ngồi im đấy, chúng nó nhìn thấy chị là không chịu ăn, để em mang nó đi ăn rong, ăn thun thút. Cái gì mà cứ easy này nọ, miễn trẻ ăn được là được”. Thế rồi vài tuần thấy bát cháo hết quá nhanh mà số cân nặng của trẻ con nhà chị như lại “đi lạc”… sang chị giúp việc, nên chị mới đi theo để theo dõi.
Thế rồi chị há hốc miệng khi thấy chị giúp việc như người tâm thần, vừa cười vừa nói tự đút cháo cho mình, 10 miếng thì 8 miếng đút vào miệng, 2 miếng còn lại dành cho 2 đứa. Chị cảm thấy tức nghẹn họng vì bao nhiêu công sức chị dồn vào bát cháo đó, những món đắt tiền là chị mua cho con, chứ nào dám ăn. Ấy thế mà khi chị nói thẳng, chị giúp việc cũng nói thẳng: “Tại cô chú cứ căng thẳng quá, tôi đang chữa bệnh tâm lý cho cô đấy. Tôi biết thể nào cô thấy được cảnh này”.
Sau này chị hiểu sữa, trứng, mật ong trong nhà hết nhanh 1 cách đáng ngờ cũng đều có thủ phạm là chị giúp việc ưa tận hưởng cuộc sống theo cách này.
20 đời giúp việc, nghĩ đến Tết là sợ
Chị Q. cho biết trong hơn 20 đời giúp việc thì chị rút ra được kinh nghiệm người già thì có người vừa lười, vừa bẩn, người trẻ thì chắm chúi vào chiếc điện thoại suốt ngày. Lúc làm việc nhà chị nhẹ nhàng bảo rằng chỗ này chỗ kia còn chưa sạch, bác giúp việc sẵng giọng: “Chị làm đi cho sạch, tôi chỉ làm được có thế”. Còn giúp việc trẻ thì dạ vâng hết sức ngọt ngào nhưng mọi chuyện vẫn y xì như cũ. Tình huống này mà nhiều lúc chị vẫn phải cho qua, nghĩ mà đi làm tìm người, lại đào tạo lại cũng quá nhọc.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, với 20 đời giúp việc thì chị chỉ ưng cũng được 2 cô, nhưng cũng vì lý do này lý do kia khách quan nên cũng không làm được quá lâu.
Chị Q. bảo, tại chị ở nhà nên chị cũng chiều giúp việc 1 cách nhất định thôi, còn ai có ý chống đối hoặc quá xấu tính thì chị cho nghỉ luôn, không tiếc.
20 đời giúp việc nhưng điều đáng nói Tết nào chị cũng tự tay làm tất quần quật từ sáng đến đêm nên chị sợ Tết vô cùng. Người đi sau Tết, người đi trước Tết, người ngắn nhiều, người ngắn ít, nhưng nghĩ đến thịt mỡ dưa hành là chị ngấy lên tận nóc.
Nhiều người cứ bảo ô sin nhà họ tốt lắm hoặc giúp việc như người nhà mà chị Q. toàn gặp các ca khó đến mức không còn bất cứ niềm tin yêu và hy vọng nào nữa. Thôi thà dấn cố tự tay làm khi con lớn chút mà chị Q. cảm thấy được giải thoát khỏi 1 vòng stress căng thẳng đến phát điên không ít hơn việc phát hiện chồng ngoại tình là bao.