Vụ việc mới xảy ra đây thôi, nguồn tin từ trang Người Đưa Tin cho hay, bản án xét xử vụ ly hôn này gây nhiều tranh cãi. Những tưởng vụ này mới, nhưng trước đây cũng có một vụ tương tự rồi, nhưng ở tình thế ngược lại, chồng đòi lại “đời trai” khi ly hôn với vợ. Nghe buồn cười thật.
Chuyện là thế này, Tòa án nhân dân huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên mới đưa vụ ly hôn ra xét xử. Nguyên đơn là ông C.V.M, sinh năm 1967, còn bị đơn là bà N.T.K, sinh năm 1969. Cả 2 cùng trú tại huyện Tuy An.
Ngược dòng lịch sử, tháng 8/1991, ông M kết hôn với bà K. trên cơ sở tự nguyện, được UBND xã cấp Giấy chứng nhận kết hôn hẳn hoi. Cưới xong 2 vợ chồng có cuộc sống rất hạnh phúc, có 2 đứa con chung nữa. Quá trình chung sống gần đây, 2 vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn cãi vã.
Đến tháng 6/2019, mâu thuẫn đến đỉnh điểm, mối quan hệ trở nên gay gắt hơn, cả 2 đều không tôn trọng lẫn nhau, bên cãi vã, bên miệt thị, xúc phạm. Thế nên, ông M. đã làm đơn xin ly hôn với bà K. gửi đến Tòa án nhân dân huyện Tuy An. Qua hòa giải, ông M. rút đơn mong muốn vợ chồng đoàn tụ, hòa hợp như xưa.
Nhưng cố gắng vẫn không thể nên ông M. quyết định thuê nhà ra ở riêng. Tại Tòa, bà K. cho rằng ông M. ngoại tình nên mới đưa đơn ly hôn. Nghĩ vậy nên bà không đồng ý ly hôn. Tuy vậy, bà lại đưa ra yêu cầu nếu Tòa cho ly hôn thì ông M. phải bồi thường cho bà 2 tỷ đồng để bù đắp thanh xuân.
Trong 2 người con chung, có 1 đứa chưa thành niên, còn đang đi học, nên cả 2 vợ chồng thống nhất tôn trọng nguyện vọng của con. Và 2 bên không có yêu cầu giải quyết các vấn đề về tài sản chung, nợ chung.
Qua xét hỏi cũng như thẩm tra các tài liệu và chứng cứ hồ sơ, phía Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy An đề nghị chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông M. đối với bà K. Còn đứa con chưa thành niên đồng ý ở với mẹ nên giao cho mẹ nuôi dưỡng, giáo dục.
Về yêu cầu bồi thường 2 tỷ đồng để bù đắp thanh xuân không được Viện lẫn Tòa chấp nhận
Lý do mà họ giải thích rất đơn giản, là vì không có căn cứ. Cả 2 kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, không ai lừa dối và ép buộc ai.
Việc ly hôn giữa 2 bên là do mâu thuẫn xảy ra trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được nên Tòa xử cho ly hôn.
Bình luận về vấn đề này, nhiều luật sư cũng cho rằng, việc yêu cầu bồi thường phải xuất phát từ yếu tố lỗi, có hành vi vi phạm pháp luật, có hậu quả xảy ra và đặc biệt là mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và hậu quả xảy ra.
Về bản chất, ai cũng có quyền đòi bồi thường thiệt hại khi thấy quyền và lợi ích của bản thân bị xâm phạm. Thế nhưng để chứng minh điều đó không phải là dễ dàng.
Thêm nữa, do hôn nhân giữa 2 bên được xác lập trên cơ sở tự nguyện, tiến bộ, không ai lừa dối lẫn ép buộc ai, cũng như không có sự cản trở… nên không phát sinh lỗi, vì thế mà không phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Các vấn đề như “thanh xuân”, “đời trai”, “đời gái” có thể hiểu là những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi trẻ khiến con người ta hân hoan trong niềm hạnh phúc vui sướng về mặt tinh thần và có khi có cả vật chất nữa, nên khó có thể định rõ cụ thể, việc xác định có chăng cũng chỉ là thỏa thuận.
Trong các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, từ kết hôn, cho đến ly hôn, chia tài sản, nuôi con… hầu hết đều dựa trên nguyên tắc thỏa thuận.
Tòa án luôn khuyến khích mọi người nên theo như vậy, vì ít nhất tiết kiệm được thời gian lẫn chi phí, chỉ khi có xảy ra tranh chấp đến mức không thể thỏa thuận được mới nhờ Tòa phân xử.
Tất nhiên, lúc này sẽ ưu tiên bảo vệ người phụ nữ nhiều hơn, vì họ biết sau ly hôn, nữ giới thường chịu nhiều thiệt thòi hơn, cơ hội để tạo lập cuộc sống mới, tìm hạnh phúc cho bản thân cũng sẽ khó hơn nam giới.
Trước đây, từng có vụ án tương tự, kết quả Tòa án không hề đề cập đến việc bồi thường này
Vụ này được xét xử vào tháng 03/2019, Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình giải quyết vụ ly hôn, trong đó người chồng là anh V.C.L, sinh năm 1988, với tư cách là bị đơn đã đưa ra yêu cầu mong muốn đoàn tụ, nếu vợ là chị H.T.K.C, sinh năm 1992, với tư cách nguyên đơn muốn ly hôn thì phải bồi thường “đời trai” cho chồng.
Do thấy người chồng cũng không thiện chí đoàn tụ, hôn nhân không thể hàn gắn, với cả 2 không có con chung, cũng không có yêu cầu chia tài sản nên Tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn của người vợ.
Dẫu vậy, trong bản án được ký bởi Thẩm phán phiên tòa, không hề nhắc đến việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của người chồng.
Đó thấy chưa, đưa ra yêu cầu gì cũng phải có bằng chứng được xác thực cụ thể và đặc biệt phải được lập luận trên cơ sở lý luận của pháp luật. Tuyệt nhiên không thể nói miệng khơi khơi được. Tòa không giải quyết vấn đề này cũng là lẽ hợp lý, và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.