Mặc dù ban ngày đi làm vất vả để mưu sinh nhưng tối đến, hơn 20 thành viên Đội SOS Thủy Nguyên lại tập trung để đi cứu trợ xe ????ặ???? ????ạ???? từ 21h hôm trước đến 1h hôm sau.
“Có người đang dắt xe, hình như xe bị thủng xăm, anh em ngồi chờ ở đây, đợi tôi qua đó xem sao”. Khi câu nói vừa dứt, anh Lê Văn Mạnh – Đội trưởng Đội SOS Thủy Nguyên nhanh chóng rời điểm tập kết tại Công viên 25/10 (thị trấn Núi Đèo, Thủy Nguyên, Hải Phòng) rồi cùng một thành viên khác băng qua đường, lại gần chiếc xe máy đang gặp sự cố.
Chủ nhân chiếc xe là một công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp VSIP Thủy Nguyên. Anh đang nhích từng bước chân mệt mỏi, dắt xe máy đi lên con dốc ở thị trấn Núi Đèo. Lúc này đồng hồ đang nhích dần qua 21h.
Trên đời còn nhiều người tốt
Ngay khi tiếp cận chủ nhân chiếc xe và thấy cần sự giúp đỡ, anh Mạnh bảo: “Chúng tôi là Đội SOS Thủy Nguyên, hỗ trợ những xe gặp nạn buổi đêm hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi sẽ kiểm tra tình trạng xe của anh”. Nói rồi, anh Mạnh ra tín hiệu để mọi người mang đồ nghề tới.
Ngay khi vừa tiếp cận chiếc xe, vốn làm nghề sửa xe máy lâu năm, đồng thời là Đội phó Đội SOS Thủy Nguyên, anh Đoàn Thế Dương (SN 1992, đội 6, xã Hòa Bình, Thủy Nguyên) nhanh chóng “bắt bệnh” được chiếc xe máy không còn chút hơi nào ở lốp sau.
Khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi vì phải dắt xe suốt quãng đường khoảng 4km từ khu công nghiệp VSIP Thủy Nguyên nhưng anh Nguyễn Văn Thơm (quê huyện An Lão, Hải Phòng) liên tục gửi lời cảm ơn tới những thanh niên đang hỗ trợ vá xe giúp mình.
Khi nghe anh Mạnh cùng một số thành viên khác giải thích công việc của Đội là hỗ trợ các xe bị thủng xăm, hết xăng, chết máy dọc đường… trên địa phận huyện Thủy Nguyên, anh Thơm mới thực sự tin, trên đời còn nhiều người tốt.
“Xe của tôi bị thủng xăm ở cổng khu công nghiệp VSIP, trong khi về nhà còn hơn 20km nữa. Tôi phải dắt bộ ngược về hướng thị trấn với hy vọng tìm quán vá xe dọc đường. Nhưng vào quán sửa xe thì họ bảo muộn rồi không vá, vào hãng xe máy họ cũng không làm. Tôi đang định tìm nhà dân gửi xe rồi bắt taxi về, mai qua lấy xe sửa sau nhưng may mắn gặp được các bạn. Làm việc ở khu công nghiệp 5 năm nhưng đây là lần đầu tôi biết tới nhóm mình”, anh Thơm vừa nói vừa quan sát các thành viên Đội SOS sửa xe giúp mình.
Khoảng 30 phút sau, chiếc xe được vá xong. Trước khi rời đi, anh Thơm bắt tay từng thành viên trong Đội SOS Thủy Nguyên và chia sẻ: “Lúc phải dắt xe đi bộ hàng km thế này mới thấy tình người thật quý”.
Trở về vị trí tập kết để bắt đầu hành trình đi tuần đêm trên các ngả đường ở huyện Thủy Nguyên, vừa đi anh Đoàn Thế Dương vừa chỉ “bóng hồng” cầm đèn pin đi trước và bảo, Đội được thành lập bắt đầu từ câu chuyện chị Bùi Thị Hoài (SN 1978, ở xã Thiên Hương, Thủy Nguyên) phải dắt bộ xe 2km về nhà.
Đó là một đêm tháng 8/2020, trên đường về nhà, chiếc xe của chị Hoài bị thủng xăm giữa đường. Các quán sửa xe gần đó đều đóng cửa. Không nhận được sự trợ giúp từ ai, chị Hoài một thân một mình phải dắt xe đi về giữa đêm. Sau đó, chị Hoài ấp ủ dự định thành lập nhóm hỗ trợ những xe gặp nạn vào đêm tối để không ai phải rơi vào hoàn cảnh như mình.
Chị trao đổi với một số anh em, bạn bè qua mạng xã hội và nhanh chóng nhận được sự đồng tình từ họ. Bởi lẽ, chính họ cũng đang nung nấu ý định ấy.
Ngày 26/9/2020, Đội SOS Thủy Nguyên chính thức “trình làng”. Trước đó, 6-7 thành viên cũng tụ nhau lại để làm công việc tương tự nhưng chưa mang tính hội nhóm và chưa chuyên nghiệp.
Đến nay, đội có 23 thành viên chính thức, trong đó có 2 thành viên nữ và một số thành viên đang trong quá trình xét duyệt. Họ đến từ các xã thuộc huyện Thủy Nguyên với nhiều ngành nghề khác nhau, từ thợ sửa xe đến công nhân rồi cả những người chưa có công ăn việc làm. Nhưng họ có điểm chung là sẵn sàng cứu trợ những xe gặp nạn, không quản nắng mưa hay đêm tối.
Ban ngày họ đi làm để mưu sinh, tối đi giúp người khác. Chị Bùi Thị Hoài cho hay, bản thân chị ngày đi nấu ăn ở công ty, tối có hôm đi nấu cỗ hoặc tham gia nấu cơm chay ở đình, chùa… nên hay về muộn. Do đó, chị càng thấu hiểu những khó nhọc lúc đi đêm về hôm của công nhân cũng như nhiều người khác.
Điều may mắn mà chị Hoài và mỗi thành viên của Đội nhận được là sự ủng hộ từ người thân trong gia đình.
“Làm công việc cứu hộ xe gặp nạn ban đêm, tôi sợ nhất mang tiếng, sợ bị mọi người dị nghị là trục lợi, hay lợi dụng Đội SOS Thủy Nguyên để ban ngày kéo khách về cửa hàng sửa xe của mình.
Chúng tôi cũng bị một số cửa hàng sửa xe cạnh tranh. Khi giải thích với họ đây là việc làm hoàn toàn miễn phí và xuất phát từ cái tâm, mọi người cũng dần cảm thông”, anh Đoàn Thế Dương tâm sự.
Cứu xe gặp nạn trong đêm
Đến điểm tập kết, Đội SOS Thủy Nguyên chia làm các tổ để đi tuần trên những cung đường có nhiều công nhân đi làm về, nhưng vẫn đảm bảo một tổ túc trực tại vườn hoa.
Khi đồ nghề chuẩn bị xong, anh Dương nhận cuộc điện thoại gọi vào đường dây nóng của đội báo xe bị hỏng giữa đường. “Các bạn cho xin địa chỉ, chúng tôi sẽ tới hỗ trợ ngay”. Vừa dứt cuộc gọi, anh Dương báo tổ được phân công đi tuần trên tuyến đường đó để nhanh chóng đi giải cứu xe gặp nạn.
Dẫn đầu đoàn là anh Đào Văn Thành (SN 1965, xã Tân Dương, Thủy Nguyên) – người đàn ông được cả nhóm tôn trọng gọi là thầy. Khi xe đến điểm cứu trợ ở gần khu vực cầu Hoàng Văn Thụ, thầy Thành chưa vội tắt máy xe để có thêm ánh sáng trên đoạn đường tối, giúp các thành viên khác kiểm tra tình trạng xe.
“Trong mọi lần đi tuần tôi luôn là người đi đầu và sẽ duy trì ở vận tốc dưới 40km/h để đảm bảo an toàn. Các thành viên SOS Thủy Nguyên khi tham gia giao thông phải đảm bảo mũ bảo hiểm, gương xe… đẩy đủ và đặc biệt không được sử dụng rượu bia. Nếu ai uống rượu bia có thể ngồi trực tại điểm tập kết.
Mặc dù cứu hộ xe gặp nạn về đêm nhưng Đội chúng tôi vẫn bảo đảm nguyên tắc không cứu hộ những trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, trừ trường hợp bị tai nạn. Lúc ấy tùy vào tình hình cụ thể chúng tôi có thể sơ cứu, hoặc bảo vệ hiện trường rồi báo 115”, thầy Thành chia sẻ.
Nhiều thành viên khác của SOS Thủy Nguyên còn là nhân tố cứng của các nhóm tình nguyện khác trên địa phận huyện Thủy Nguyên nói riêng, TP Hải Phòng nói chung. Chị Bùi Thị Hoài thường xuyên đi nấu cơm chay tình nguyện, một số thợ sửa xe có hòm từ thiện tại quán để cuối năm trao quà cho người nghèo…
Hay trường hợp anh Nguyễn Đức Tuấn (SN 1985, xã Cao Nhân, Thủy Nguyên) có hôm tranh thủ thời gian rảnh rỗi tham gia hoạt động cùng nhóm. Đến gần 23h, anh lại đi làm công việc sửa ống nước.
Khi thầy Thành đang kể chuyện, chiếc xe bị chết máy dọc đường nổ được trở lại trong tiếng thở phào nhẹ nhõm cùng tiếng cười giòn tan của những người có mặt tại đây.
“Tôi đi từ nội thành Hải Phòng và đang về Quảng Ninh. Từ cầu Hoàng Văn Thụ xuống, màn hình trên xe nhấp nháy rồi xe không nổ được nữa.
Lúc đó tôi chợt nhớ từng lưu lại hình ảnh về hoạt động của nhóm SOS Thủy Nguyên nên lấy ảnh ra xem rồi gọi theo số điện thoại được in trên áo của nhóm.
Xe đang hỏng trên đường mà nhận được sự giúp đỡ thật sự rất vui. Tôi hy vọng những hoạt động như Đội SOS Thủy Nguyên sẽ được nhân rộng ra nhiều khu vực khác”, Ngô Đình Hoàng (SN 1998, quê ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) chủ nhân xe bị chết máy dọc đường chia sẻ.
Xe máy của Hoàng lăn bánh cũng là lúc các thành viên SOS Thủy Nguyên gói ghém, kiểm tra đồ đạc và tiếp tục hành trình cứu trợ xe gặp nạn.
Những kỷ niệm không quên
Với đội trưởng Đội SOS Thủy Nguyên Lê Văn Mạnh, anh không bao giờ quên được trường hợp người chồng đưa vợ đi sinh con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên cách đây không lâu. Tối đó, người chồng gọi điện cho nhóm nhờ đi mua cháo giúp vợ mình. Mặc dù là tình huống không nằm trong “kịch bản” nhưng đội vẫn cử người đi hỗ trợ.
Sau đó, ai cũng mừng vì nhận được tin nhắn cảm ơn cùng lời nói vui của người chồng khi nhờ bát cháo Đội mua giúp mà vợ anh thuận lợi sinh nở, mẹ tròn con vuông.
Trường hợp một công nhân hơn 50 tuổi, nhà ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên), đang làm tại khu công nghiệp VSIP cũng là kỷ niệm khó quên với các thành viên trong Đội.
Khoảng 23h30, người công nhân ấy bị bục xăm xe trong khi đường về nhà còn gần 20km. SOS Thủy Nguyên tới hỗ trợ nhưng vì đông nên người này sợ bị trấn lột hay trộm cướp. Sau khi được các thành viên trong Đội SOS giải thích, người đàn ông cũng đồng ý để mọi người cứu trợ xe.
Chiếc xe được sửa xong, người công nhân cảm động và bảo, nếu có điều kiện sẽ tham gia vào Đội. Hai ngày sau, ông tìm gặp Đội SOS Thủy Nguyên với mong muốn trả tiền công nhưng mọi người kiên quyết từ chối. Sau đó, người công nhân ấy ủng hộ 200 nghìn đồng để đội tiếp tục giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.
“Nếu xe máy đi trên địa phận huyện Thủy Nguyên gặp khó khăn, mọi người cứ liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Chúng tôi không hứa sẽ chữa khỏi xe cho họ nhưng chúng tôi hứa điều chắc chắn sẽ đưa họ về tới nhà an toàn nhất.
Ví dụ gặp “ca khó” quá chúng tôi hỗ trợ đẩy xe về tận nhà, dù nhà họ ở cách điểm xe hỏng 10 hay 20km”, Đội trưởng Đội SOS Thủy Nguyên nói.
Tuy tuổi đời còn non trẻ nhưng SOS Thủy Nguyên đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp xe gặp nạn trên đường lúc đêm muộn. Trung bình mỗi tối, SOS Thủy Nguyên cứu trợ 6-7 trường hợp, có hôm 12-13 trường hợp. Điều họ mong muốn nhất chính là sự an toàn của người tham gia giao thông.
Đồng hồ chỉ 1h, chỉ còn những ánh đèn đường phủ trên màn đêm tĩnh mịch, thỉnh thoảng có chiếc xe đi về vội vã, 5-6 thành viên của SOS Thủy Nguyên mới thu dọn đồ đạc để về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Những bóng áo xanh cũng hòa vào trong ánh đèn đường ấy.