Theo luật sư, nếu cơ quan công an xác định bà Nga có hành vi phạm tội cho vay lãi nặng thì đối tượng có thể phải đối mặt với hình phạt lên tới 3 năm tù.
Ngày 12/8, Công an TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho biết đã bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Nga (38 tuổi, ở TP Vĩnh Yên) để điều tra về hành vi ”cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo cơ quan công an, từ năm 2019 đến nay, bà Nga cho nhiều người vay tín dụng với mức lãi 3.000-5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương lãi suất 108-144%/năm.
Qua thống kê, cảnh sát xác định người phụ nữ này đã cho hơn 30 người vay khoảng 5,5 tỷ đồng, thu lời bất chính gần 800 triệu đồng.
Ngày 11/8, Công an TP Vĩnh Yên khám xét khẩm cấp nơi ở và nơi làm việc của bà Nguyễn Thị Nga, thu giữ 60 giấy vay tiền, hợp đồng đặt cọc cùng nhiều giấy tờ tùy thân của người vay.
Tại cơ quan công an, bà Nga không thừa nhận đã cho vay nặng lãi mà cho rằng mình chỉ “giúp đỡ” người gặp khó khăn về tài chính.
Trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng (Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển) phân tích: “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là một biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thể hiện tính chất đặc biệt, cấp bách của việc ngăn chặn tội phạm, đồng thời góp phần ngăn ngừa không cho các đối tượng bị nghi thực hiện tội phạm gây khó khăn cho các hoạt động điều tra.
Điều 110 quy định rõ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Khi có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Do đó, nếu cơ quan công an xác định có yếu tố để giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì sẽ tiến hành.
Về vấn đề có hành vi cho vay nặng lãi hay không, cơ quan cảnh sát điều tra cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để trước tiên là xác minh tin báo tố giác về tội phạm.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm thì tiến hành khởi tố vụ án về cho vay nặng lãi và tiến hành khởi tố bị can đối với bà Nga.
Bà Nga có quyền gỡ tội và có nghĩa vụ phối hợp với cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ án.
Trách nhiệm xác định tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, do đó không bắt buộc bà Nga phải khai, cung cấp thông tin bất lợi cho mình”.
Theo luật sư Hoàng Tùng, Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Do đó, nếu cơ quan điều tra xác định bà Nga có hành vi phạm tội thì người phụ nữ này có thể phải đối mặt với hình phạt lên tới 03 năm tù.