CEO tiết lộ 6 sai lầm kinh điển ứng viên hay mắc khi tạo CV, khiến bản thân kém hấp dẫn trong mắt nhà tuyển dụng

LinkedIn tuy vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam, nhưng đây là công cụ cực kỳ hữu ích để các ứng viên và nhà tuyển dụng kết nối với nhau. Nếu biết tận dụng mạng xã hội này đúng cách, bạn sẽ có nhiều hơn cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp.

Trong nhiều năm qua, thị trường tuyển dụng đã có những thay đổi nhất định, đặc biệt là về các nền tảng kết nối. LinkedIn ngày càng chứng tỏ vị thế của mình, trở thành một trong những công cụ phổ biến nhất để kết nối nhà tuyển dụng với các ứng viên có năng lực phù hợp.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm ngồi ở vị trí CEO của Korn Ferry – công ty phụ trách tuyển dụng nhân sự lớn nhất thế giới, Gary Burnison có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông cũng là tác giả của hai cuốn sách bán chạy, bao gồm “Leadership U: Accelerating Through Crisis Curve” (Khả năng lãnh đạo U: Tăng tốc Vượt qua Khủng hoảng) và “Advance: The Ultimate How-to Guide to Your Career” (Tiến bộ: Cẩm nang Dẫn dắt Sự nghiệp).

Mới đây, Burnison đã tiết lộ 6 sai lầm mà ứng viên hay gặp phải trên LinkedIn, cùng với một số cách để khiến hồ sơ thêm nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng.

1. Không có ảnh đại diện

Việc thiếu ảnh đại diện có thể khiến người khác hiểu nhầm thành “Tôi quá bận rộn để dành thời gian nghiêm túc cho chuyện này”. Bạn nên sử dụng một tấm ảnh gần đây mà mình thích; hình ảnh đó phải trông tự tin và dễ gần.

Bạn có thể thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc nhờ bạn bè chụp bằng điện thoại. Việc này không quá quan trọng, chỉ cần ảnh của bạn vẫn toát lên phong thái chuyên nghiệp là được.

Nếu muốn hồ sơ của mình trông hấp dẫn hơn, bạn nên đặt ảnh đại diện kèm theo ảnh nền phía sau. Đừng nghĩ đây chỉ là một bước “làm màu”. Nhà tuyển dụng phải lướt qua hàng trăm hồ sơ mỗi ngày, vì thế cách bạn tận dụng hình ảnh trên LinkedIn sẽ quyết định liệu hồ sơ của bạn có đủ hấp dẫn để họ dừng lại và nói: “Cái này trông thật thú vị!”.

2. Tiêu đề không rõ ràng
Phía dưới ảnh đại diện và tên của bạn sẽ là phần tiêu đề, và đây là một trong những thứ đầu tiên mà người khác nhìn thấy. Tại phần này, bạn phải trả lời được câu hỏi: “Bạn đang làm gì?”

Bạn có thể ghi ngắn gọn “Tôi là Phó chủ tịch phụ trách Sản xuất cho Công ty X”, hoặc viết “Tôi đem những sản phẩm được thiết kế cho tương lai đến với thị trường”. Cả hai đều đúng, nhưng cái nào hiệu quả hơn cho bạn? Dưới đây là 2 yếu tố bạn nên xem xét.

Trường hợp 1 – Chức vụ và tên công ty có sức ảnh hưởng: Nếu bạn làm việc cho những doanh nghiệp có tiếng trong ngành, chẳng hạn như một công ty nằm trong top Fortune 100, một startup thành công, một viện nghiên cứu hàng đầu, bạn nên giới thiệu rõ chức vụ chính trong dòng tiêu đề giới thiệu này.

Trường hợp 2- Giới thiệu nghề nghiệp lẫn cách thức làm việc: Bạn nên dùng những từ ngữ có tính mô tả cao, chẳng hạn như “đưa ra kế hoạch chăm sóc sức khỏe của từng bệnh nhân” thay vì ghi “y tá trưởng”, “kết nối những con người ưu tú với công việc mà họ thích” thay vì “trưởng phòng tuyển dụng”, “giúp các tổ chức và cá nhân kể lại câu chuyện của bản thân và xây dựng chỗ đứng trên thị trường” thay vì “chuyên viên PR“.

3. Quảng bá bản thân hời hợt ở phần tóm tắt “Giới thiệu bản thân”
Giống như doanh nhân thuyết trình về ý tưởng startup, hay một biên kịch giới thiệu bản thảo cho nhà sản xuất, bạn phải tự “mời chào” bản thân mình với nhà tuyển dụng.

Dưới đây là một vài cách để khiến phần “Giới thiệu bản thân” của bạn trở nên hấp dẫn hơn.

Sử dụng đại từ ngôi thứ nhất: Bạn có thể xưng “tôi”, bởi vì ai cũng muốn nghe trực tiếp từ bạn. Việc đề cập bản thân bằng ngôi thứ ba (VD: “John là một X dày dặn kinh nghiệm”, “Mary là một X tài năng”) sẽ tạo cảm giác ngại ngùng và phá hỏng mối liên kết mà bạn đang muốn tạo ra.

Bỏ qua những từ ngữ sáo rỗng, máy móc: Hầu hết mọi người đều viết những câu khá quen thuộc và nhàm chán: “Tôi là người có tinh thần làm việc nhóm, cộng tác ăn ý với các đồng nghiệp”. Câu này không sai, nhưng bạn hoàn toàn có thể khiến nó mới mẻ hơn: “Tôi đã dẫn dắt nhiều nhóm làm việc ăn ý, phát huy những phẩm chất tốt đẹp nhất của mỗi người để tiếp cận vấn đề sáng tạo và mau chóng đem tới các giải pháp”.

Viết nội dung có ý nghĩa: Nội dung của phần tóm tắt này chủ yếu là để giới thiệu bản thân bạn, tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Vì số lượng chữ có hạn, bạn phải làm cho họ thấy mình là ai và có thể đem lại lợi ích gì.

4. Phần “Kinh nghiệm” trống trơn và quá đơn giản
Mọi người thường nghĩ đây là phần để liệt kê toàn bộ các công việc và chức vụ mình từng làm. Tuy nhiên, những CEO như Gary Burnison muốn thấy nhiều hơn thế. Nhà tuyển dụng muốn biết ứng viên đã làm được gì trong công việc cũ. Theo vị CEO có 20 năm kinh nghiệm này, bạn cần phải điền hết những thông tin dưới đây để nâng tầm CV của mình.

Với công việc hiện tại hoặc công việc gần đây nhất: Sử dụng gạch đầu dòng để liệt kê 3-5 thành tựu, bao gồm cả kết quả. (VD: “Đã lãnh đạo thành công một nhóm gồm 12 người tại 6 quốc gia khác nhau để ra mắt một dòng sản phẩm mới có doanh thu vượt mức kế hoạch ban đầu tới 18%.”).

Với những công việc cũ: Sử dụng phương pháp trên, nhưng chỉ làm nổi bật những thành tựu quan trọng nhất.

Ghi nhận đóng góp của tập thể: Nếu bạn thực hiện dự án cùng nhiều người khác, hãy tag tên họ vào bài đăng trên LinkedIn (đặc biệt khi bạn là quản lý tầm trung – người chỉ đạo cấp dưới hoàn thành công việc). Điều này sẽ không làm những nỗ lực của bạn trở nên mờ nhạt.

Kết hợp với các từ khóa liên quan đến ngành nghề của mình: Nhà tuyển dụng có thể sẽ dò tìm các từ khóa thể hiện kỹ năng và chuyên môn của bạn. Bạn có thể xác định các từ khóa này bằng cách đọc mô tả công việc (JD) trong ngành nghề của mình, sau đó ghi chú lại những phẩm chất đặc biệt. Sau đó, hãy đảm bảo rằng bạn có sử dụng những cụm từ đó trong hồ sơ.

Liên tục cập nhật và làm mới hồ sơ: Đừng quên liệt kê thêm những thành tựu mới và bỏ đi những thành tựu cũ.

5. Thiếu chủ động trong phần “Thư giới thiệu”
“Thư giới thiệu” (Recommendations) là phần mà các đồng nghiệp cũ sẽ nhận xét về bạn. Sự công nhận từ mọi người là một cách tuyệt vời để bạn xây dựng uy tín cho mình. Chẳng hạn, hồ sơ của bạn trông sẽ hấp dẫn hơn nếu Bob Smith và 5 đồng nghiệp khác công nhận kỹ năng làm việc với mạng xã hội của bạn.

Phần “Thư giới thiệu” này sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho bạn. Một bức thư giới thiệu có sức nặng sẽ được viết bởi những người cảm thấy bạn đã khiến họ hài lòng vượt ngoài mong đợi.

Bạn cần nhớ kỹ: Một bức thư giới thiệu được viết cẩn thận và chu đáo bởi một người đồng nghiệp cấp cao sẽ khiến hồ sơ của bạn có trọng lượng hơn so với các bình luận từ những đồng nghiệp ngang hàng bạn.

6. Xuất hiện quá nhiều hoặc quá ít trên LinkedIn

Xuất hiện quá nhiều trên LinkedIn sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn chẳng bao giờ làm việc, nhưng xuất hiện quá ít thì cũng không tốt.

CEO Gary Burnison kể rằng, ông từng đắn đo vì tần suất hoạt động trên LinkedIn của một ứng viên mình mình đang để mắt. Khi kiểm tra hồ sơ, Burnison thấy rằng anh này online quá nhiều lần trong ngày – hết viết blog, đăng trạng thái mới, hoặc bình luận về mọi thứ.

Bạn là người duy nhất quyết định được tần suất hoạt động của mình. Trong một thế giới mà mọi thứ đều công khai và dễ dàng tìm kiếm, bạn phải thể hiện rằng mình hứng thú với thế giới và con người xung quanh, đồng thời vẫn chú tâm vào công việc và duy trì liên lạc với những cá nhân khác trên mạng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *