Một giọt nước mặn chát chạm vào bài văn của con gái, chị không biết mình đã khóc từ bao giờ. Con chị, một cô bé 8 tuổi nhưng đã lớn sớm.
Đón con, chị thấy lạ khi hôm nay cô giáo lại đứng cạnh con, chờ chị tới. Nhìn khuôn mặt buồn bã của con gái, chị đoán chắc con lại phạm lỗi gì đó khiến cho cô giận. Nhẹ nhàng tiến lại, chị dặn với lòng cho dù cô có nói gì về con thì cũng sẽ cố gắng giữ bình tĩnh.
– Bài làm văn của cháu hôm nay được không điểm vì lạc đề. Nhưng những dòng cháu viết trong đó khiến cho em đã phải rơi nước mắt. Em nghĩ vợ chồng chị nên đọc bài viết này của cháu và quan tâm tới cháu nhiều hơn.
Chị chào cô giáo, đưa con gái về. Cả đoạn đường con bé chỉ im lặng, đến bản thân chị cũng im lặng vì chị không hiểu lắm những lời cô giáo nói. Cô bảo bài văn của con chị bị điểm 0 vì lạc đề. Thế nhưng tại sao nó lại khiến cho cô giáo phải rơi nước mắt chứ. Từ xưa đến nay con gái muốn gì chị cũng đều làm theo chứ đâu phải vô tâm với con mà lại cần quan tâm nhiều hơn.
Về tới nhà, con chị kêu mệt, nó không muốn ăn mà đi lên phòng đóng chặt cửa lại. Tính con bé chị hiểu, nó càng lớn có vẻ càng lì lợm, nó đã không muốn bị làm phiền thì tốt nhất đừng có một ai lại gần đến nó. Cái tính này được thừa hưởng từ bố nó đấy. Nghĩ đến chồng, chị lại bực mình. Tầm này mà còn chưa về chắc lại đi nhậu nhẹt ở đâu đấy rồi.
Lúc nào anh cũng mang cái lý do công việc ra để mà so đo với chị, hòng lấp liếm sự vô trách nhiệm với vợ con. Cãi nhau mãi rồi cũng thành chán. Chị mặc kệ luôn. Chợt nhớ ra bài làm văn của con mà cô giáo nhắc đọc.
Chị mở cặp kiểm tra, nhanh chóng tìm thấy. Đề bài có vẻ khá dễ so với học lực của con gái chị: “Hãy tả một buổi tối ấm áp của gia đình em”. Vậy mà tại sao con gái chị lại bị 0 điểm.
Đọc dòng đầu tiên của bài văn, chị đã sững sờ:
“Buổi tối ấm áp của gia đình em đã không còn từ cách đây rất lâu rồi. Buổi tối thường chỉ còn em và mẹ ăn cơm. Có nhiều hôm mẹ bận việc thì em lại ăn một mình. Bố thì bận đi tiếp khách, đi công việc nên không về ăn cơm được.
Mà bố cứ về là mẹ với bố sẽ lại cãi nhau. Mẹ bảo bố vô trách nhiệm, lúc nào cũng chỉ viện lý do này nọ để bỏ bê mẹ con em. Bố em thì mắng mẹ là phụ nữ, là vợ mà không biết thông cảm với chồng. Gần như ngày nào bố mẹ em cũng như thế. Em ở trong phòng của mình vẫn có thể nghe rõ được tiếng bố mẹ cãi vã nhau.
Em nhớ lắm ngày xưa, ngày em còn học mẫu giáo, bữa cơm nào cả nhà em cũng ngồi nên nhau. Bố mẹ gắp thức ăn cho em, rồi cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Còn bây giờ, sang nhà mới to đẹp hơn, bố đã lâu rồi chẳng hỏi em chuyện ở lớp thế nào, em học được những gì. Giờ nếu cho em được ước, em ước mình sẽ được quay lại căn nhà nhỏ khi xưa, nơi đầy ắp tiếng cười của bố mẹ và em bên mâm cơm đạm bạc”.
Một giọt nước mặn chát chạm vào bài văn của con gái, chị không biết mình đã khóc từ bao giờ. Con chị vẫn chỉ là 1 cô gái bé bỏng nhưng chính vì sự cãi vã của người lớn mà đã trưởng thành trước tuổi. Chị chẳng ngờ con gái đã phải suy nghĩ nhiều đến như vậy.
Đợi anh về, chị đưa bài văn của con cho anh đọc. Anh nhìn thái độ lạ lùng của chị, nay chị lại nhẹ nhàng chứ chẳng gầm lên như mọi khi. Rồi chính bản thân anh cũng đã gục đầu xuống khi đọc bài văn của con. Phải chăng sự ích kỉ của người lớn, cứ nghĩ rằng đã mang đến cho con mình những điều tốt đẹp nhất rồi nhưng kì thực lại là chưa.
Anh chị lặng người nhìn nhau, chẳng ai bảo ai cùng nhau nói lời xin lỗi. Rồi cả hai cùng vào phòng con gái, chị ôm chặt lấy con bé, con anh ôm lấy cả hai mẹ con, gia đình, có lẽ chỉ gói gọn trong hành động nhỏ như thế này mà thôi.