Cha mẹ quá nghiêm khắc có thể khiến trẻ tổn thương lòng tự trọng, thậm chí gặp vấn đề về hành vi.
Một số cha mẹ quản con quá chặt mà không biết. Hầu hết họ nghĩ nuôi dạy con nghiêm khắc sẽ giúp trẻ ngoan hơn, nhưng có sự khác biệt giữa cứng rắn và quản lý quá mức.
Dưới đây là 15 biểu hiện cho thấy cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái.
Quá nhiều quy tắc
Nhiều quy tắc không hề mang lại những giá trị tốt đẹp. Thực tế, bạn chẳng có cách gì để theo dõi và thực thi tất cả. Vì vậy, thay vì lên một danh sách dài, bạn hãy đặt ra ít quy tắc thôi, nhưng khi đã “ban hành”, nó phải thực sự quan trọng. Hãy nhất quán trong việc củng cố và nhắc nhở con thực hiện, vì nó vô cùng quan trọng.
Đe dọa không có lợi cho bạn
Đừng đe dọa con những thứ mà bạn chẳng thể thực hiện. Đe dọa đuổi đứa bé ra khỏi nhà có ích gì đâu khi thực tế bạn biết mình không thể làm thế? Những lời đe dọa vô nghĩa sẽ chỉ khuyến khích con có hành vi sai trái. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi mở lời.
Vượt qua ranh giới của phụ huynh
Có một ranh giới nhỏ giữa kiểm soát vừa đủ và kiểm soát thái quá. Chắc chắn cha mẹ có thể đặt ra quy tắc về cách cư xử của con ở trường, ở nhà và đặc biệt là về vấn đề an toàn. Tuy nhiên, cha mẹ cần lùi lại để trẻ được cho phép lựa chọn dựa trên sở thích của chúng. Đừng vội nói không, thay vào đó, hãy cùng con thảo luận và cân nhắc trước khi làm việc gì.
Hăm dọa về tình cảm
Tình yêu của cha mẹ phải luôn là vô điều kiện, ngay cả khi đặt ra những kỳ vọng và ranh giới. Đừng dùng tình yêu để dọa dẫm con như một đòn bẩy. Thay vì nói “Con làm thế vì con không yêu mẹ”, bạn hãy nói: “Mẹ sẽ luôn yêu con, nhưng mẹ mong con hãy làm như thế này này”.
Cẩn thận với những gì mình nói
Hãy cẩn thận với những gì bạn nói. Dù bằng giọng điệu nào, những lời bậc làm cha, làm mẹ nói ra vẫn có thể để lại vết sẹo tình cảm cho con. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ kỹ trước khi đối diện với con.
Hãy cân nhắc một cách khôn ngoan để không nói những điều không có ý nghĩa lúc nóng nảy. Rút cục, mục đích của chúng ta là thay đổi và hướng dẫn một đứa trẻ tiến bộ, không làm tổn thương chúng.
Ra lệnh nhưng không hướng dẫn
Khi yêu cầu con hoàn thành một nhiệm vụ khó, đừng chỉ ra lệnh cho con làm. Hãy để con cảm nhận cha mẹ luôn ở phía sau chúng dù chuyện gì xảy ra. Đừng để con tự chống chọi một mình mà không được giúp đỡ và kèm cặp.
Thường xuyên đe dọa trừng phạt
Bạn luôn là người thường xuyên đe dọa trừng phạt để con hoàn thành công việc? Bạn luôn là vị cảnh sát tồi tệ, ưa cằn nhằn, thích giám sát hay nhắc nhở? Nếu đó là điểm nổi bật trong cách nuôi dạy con, bạn rất có thể là một phụ huynh quá nghiêm khắc.
Không thể tâm sự cùng con
Gần đây con có còn tâm sự với bạn nữa không?
Bạn có thể tự khen ngợi mình vì đã khiến bọn trẻ nghe theo mệnh lệnh, nhưng có ích gì không khi chúng chẳng còn mở lòng hoặc nói chuyện với cha mẹ.
Con không đưa bạn đến nhà
Bạn có đặt mình vào vị trí của con khi chúng đứng trước bạn bè không? Bạn có phải quá nghiêm khắc và thích đặt câu hỏi thăm dò, cố dồn con vào đường cùng không? Vậy chẳng có gì là lạ khi con không đưa bạn bè của chúng đến gần bạn.
Bạn không để con giải thích
Hãy cho con cơ hội nêu ý kiến. Bạn không đồng ý cũng không sao cả, nhưng phải lắng nghe và cho phép con lên tiếng.
Chỉ học không chơi
Chắc chắn bây giờ là thời điểm tốt nhất để học hỏi mọi thứ vì khả năng tiếp nhận của trẻ hiện giờ như một miếng bọt biển hút nước. Nhưng điều cốt yếu là khuyến khích trẻ học tập chứ không phải tìm mọi cách ép buộc. Con cũng cần thời gian nghỉ ngơi như người lớn. Vì vậy, cần phân bổ lúc nào nên học, lúc nào nên chơi cho hợp lý.
Bạn từ chối mọi thứ con muốn
Đừng nói không mà không có lý do hợp lý. Nếu cấm đoán con, hãy giải thích cho đứa trẻ hiểu lý do. Cha mẹ quá nghiêm khắc thường không cởi mở để thương lượng với con hoặc thỏa hiệp.
Quy tắc là quy tắc, quyết không nhân nhượng
Phải có quy tắc nhất quán, rõ ràng để trẻ biết những gì cha mẹ muốn ở chúng. Nhưng tùy thuộc tình hình, hãy dành chút thời gian và cân nhắc áp dụng các quy tắc đó linh hoạt trong một số trường hợp.
Độc đoán
Cha mẹ có thể đặt ra kỳ vọng rõ ràng với con, nhưng cần thể hiện điều đó bằng tình yêu và sự thấu hiểu trẻ.
Những phụ huynh độc đoán luôn muốn kiểm soát, đòi hỏi và muốn trẻ không phản ứng quan điểm của mình. Họ quá nghiêm khắc nên chỉ đưa ra một trong hai lựa chọn: hoặc nghe lời hoặc phải chấp nhận hình phạt, chấp nhận bị quở trách.