Con vào lớp 1: Chỉ bố mẹ dốt mới không dạy nổi con, tôi đã thoát cảnh mẹ vò đầu bực tức, con rấm rứt khóc ròng mỗi tối

Cũng có những người nói với tôi rằng, để con học từ ngọn mà không tiếp cận gốc rễ của ngôn ngữ như thế là lệch lạc. Có người cũng bảo tôi sính ngoại, lai căng, rằng tiếng Việt mà học như tiếng Anh thì cứ “sai sai”. Nhưng kết quả lại nói khác!

1 tháng đầu đời học hành của con tôi đã trôi qua uổng phí, chỉ vì tôi bối rối

Cách đây gần 4 tuần, tôi cũng chung nỗi lòng với hàng nghìn bà mẹ khác, bối rối, căng thẳng vô cùng vì con vào lớp 1. Ngay từ tuần đầu tiên con bắt đầu học chữ, cả nhà tôi đã rối như canh hẹ, cuộc sống đảo lộn hết cả. Tôi stress khủng khiếp. Theo dõi chương trình học của trẻ trong năm cải cách này, dù các con học bộ nào trong 5 bộ sách giáo khoa mà Bộ phát hành, chương trình cũng nặng, các con phải tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn.

Để cho khách quan, tôi đã lên mạng tải xuống bản mềm các bộ sách năm nay và sách giáo khoa chương trình cũ, dành ra cả tuần nghiền ngẫm, so sánh. Rõ ràng là chương trình mới rất khác, đặc biệt là môn tiếng Việt, học sinh vừa nhận diện âm rồi đọc tiếng, ghép từ luôn, rồi dưới bài đọc nào cũng có đoạn văn dài 4 – 5 câu để đọc và đọc hiểu.

Đã vậy, với việc giảm tải chương trình trên lớp, nhiều nội dung được chuyển sang hướng học sinh tự học ở nhà. Thế là cả ngày của con chỉ xoay quanh học và học, còn buổi tối của bố mẹ cũng đi tong vì phải ngồi kèm con.

Sau 4 tuần vật lộn cùng nhau, từ “trăm sự nhờ cô” đến ép con học, con tôi vẫn bập bõm chữ nhớ chữ quên, nhiều hôm bài tập viết vẫn chưa hoàn thành, bài đọc cũng lơ mơ, chữ một đằng mà đọc một nẻo, vì có biết đánh vần đâu, chỉ đọc theo trí nhớ. Tôi đã nghĩ đến phương án tìm lớp để gửi con đi học thêm hoặc thuê gia sư về kèm con học, cho đúng với chuyên môn và phương pháp sư phạm.

Nhưng tính lại, tôi không thể để con cả ngày chỉ xoay quanh việc học được. Chưa kể ở nhà còn bao việc, không thể bỏ hết để đưa đón con đi học thêm, rồi cơm nước, nghỉ ngơi nữa chứ.

Trong cơn rối bời, tôi còn bị một chị bạn mắng tơi tả. Chị bảo, cha mẹ có thể giỏi, nhưng không có chuyên môn sư phạm, không được tập huấn dạy theo phương pháp mới, sách giáo khoa mới, tốt nhất không nên dạy con. Dạy thế chỉ làm hại con thêm.

Sau hơn tháng con vào lớp 1 trong nước mắt, tôi đã được “khai sáng” cách giúp con học chữ đơn giản, vẫn thảnh thơi có thời gian chơi – Ảnh 1.
Nếu chúng ta áp dụng các học chữ “thời ông bà anh” vào đám trẻ 6 tuổi của hôm nay, với chương trình nhanh như “tên lửa” bây giờ, không thể phù hợp.

Bạn tôi cho rằng, chính vì tôi cứ chăm chăm so sánh cái cũ và cái mới, cứ vin vào chuyện mình có bằng cấp cao mà không nhận ra, nhiều kiến thức, quan niệm mới đã được áp dụng vào việc soạn sách giáo khoa cũng như giáo dục, nên tôi mới “phát điên”. “Nếu không thể dạy con đúng phương pháp tốt nhất hãy tránh xa nó ra, để con tự học.

Còn muốn đồng hành với con, hãy dạy y như cô giáo ở trường”, bạn tôi bảo vậy. Bạn gợi ý tôi hãy tìm hiểu triết lý giáo dục hiện đại, tâm lý học trẻ em của Jean Piaget và thực sự chú tâm vào phương pháp giáo dục mở mà những bộ sách giáo khoa mới đang theo đuổi, thay vì chỉ trích.

Dạy tiếng Việt theo kiểu… Tây

Đó là lúc tôi nhận ra, rất có thể mình đã “lỗi thời”. Tôi bắt đầu đọc lại sách giáo khoa của con, nghiên cứu cả sách hướng dẫn dạy học dành cho giáo viên, nhưng không phải để soi sự khác biệt, mà để tìm sự ưu việt của chương trình mới. Tôi phát hiện ra, mình thực sự đã dạy con học tiếng Việt SAI CÁCH.

Ngày xưa, chúng ta học thuộc từng mặt chữ cái đã rồi mới ghép vần. Nếu như trí nhớ không phản bội tôi, hình như cả nửa học kỳ 1, chúng ta học vỡ lòng, được giới thiệu từng chữ cái, vần… Học đến vần nào sẽ có bài thơ rất đáng yêu minh họa vần đó.

Đến tận cuối năm mới phải viết chính tả theo cô giáo đọc. Chúng ta quen với sự nhẩn nha (của mấy chục năm trước) và nhớ về thời tuổi thơ tươi đẹp ngày chỉ học 1 buổi, 1 buổi long nhong nhảy dây, đá cầu của mình, rồi nhìn vào sách của con bây giờ mà sốc.

Thế nên, nếu chúng ta áp dụng cách học chữ “thời ông bà anh” vào đám trẻ 6 tuổi của hôm nay, với chương trình nhanh như “tên lửa” bây giờ, không thể phù hợp. Theo phương pháp giáo dục mới (mà sách hướng dẫn giáo viên nói khá rõ), trẻ sẽ được giới thiệu về tiếng trước, đọc chữ thành tiếng như khi nói năng bình thường. Sau đó, trẻ sẽ nhận diện âm thanh tương ứng với chữ viết, học thuộc mặt chữ rồi mới học về nghĩa của từ và phân tích chữ.

Vì chúng ta biết đọc viết thông thạo, và được dạy theo cách quy nạp (đánh vần rồi ghép thành tiếng) nên sẽ có tư duy đánh vần. Còn sách giáo khoa mới dạy theo cách diễn dịch (đọc tiếng trước rồi mới phân tích các thành phần tạo ra tiếng), phù hợp hơn với nhận thức của trẻ.

Tức là, trẻ 6 tuổi chưa có hình dung gì về chữ viết, chữ cái, vần… nên mỗi khi nhìn vào một chữ/từ, trẻ phát âm nó luôn (đọc thành tiếng), rồi mới được giới thiệu xem tiếng đó được hình thành bởi phụ âm, âm chính, thanh điệu nào sau.

Nói nôm na, đó là cách dạy chữ theo kiểu chụp ảnh, ghi nhớ NGUYÊN VẸN một chữ và đọc luôn chữ đó khi nhìn thấy (đánh vần tính sau). Phương pháp này tương tự với việc trẻ nhỏ được dạy tiếng Anh bằng flashcard. Thấy “mom”, “dad”, “happy” là đọc luôn thành tiếng, sau đó mới chiết tự thành các chữ cái.

Ví dụ như khi cần dạy phụ âm “ch”, giáo viên sẽ giới thiệu tiếng “chợ”, đọc luôn cho học sinh nghe. Trong tiếng “chợ” có âm “ơ” các con đã học, học sinh sẽ điền vào chỗ trống rằng âm “ch” là âm mới cần học. Cuối cùng, sau khi nghe cô phát âm “ch” nhiều lần và viết chữ “ch” vào bảng, vào vở, trẻ sẽ nhớ được bài.

Với những đoạn văn dài 4 – 5 câu trong phần luyện đọc, mục đích không phải để trẻ đánh vần thông thạo, mà là đọc thông thạo chữ (nhảy cóc bước đánh vần). Khi thuộc mặt chữ, kết nối được nó với âm, trẻ tự biết phân tích các thành phần của chữ.

Mới đầu, tôi cũng hoài nghi tính hiệu quả của cách dạy này. Nhưng sau khi làm một “thí nghiệm” nhỏ, tôi như được khai sáng. Tôi chỉ vào một chữ con đã học, bảo con đánh vần (theo cách dạy cũ tôi vẫn làm), bé vò đầu gãi tai một lúc, đọc lệch hết cả.

Sang một chữ khác, tôi đọc hộ con rồi bảo con phân tích chữ này có những yếu tố gì (theo phương pháp giáo dục mới), con lập tức kẻ bảng, “rải” phụ âm, nguyên âm, thanh ra từng ô rồi ghép vần được luôn.

Thử đến hết bài đọc dài, kết quả đều giống nhau. Có những chữ lặp lại nhiều như “bà”, “bé”, “nhà”, “ở”… con tôi nhìn vào đọc được ngay, chẳng cần mẹ “mớm” lời. Nghi con học vẹt, tôi lấy sách truyện ra, vừa chỉ tay vào từng chữ vừa kể cho con nghe. Tôi dừng lại ở một số chữ lạ, đọc giúp và đố bé đánh vần, thật ngạc nhiên là bé làm được luôn, không “vật vã” suy nghĩ như khi được yêu cầu đánh vần mà chưa biết chữ đó đọc ra sao.

Khi hướng dẫn con đúng phương pháp, bé vui vẻ, thích thú với bài học, tôi cũng đỡ căng hơn. Dù vẫn nghĩ rằng chương trình mới dạy hơi gấp, vội, nhưng tôi không còn quá áp lực với việc ép con PHẢI BIẾT ĐÁNH VẦN nữa, mà chỉ cần nhớ mặt chữ, đọc được chữ là ổn. Nếu chưa đọc được, mẹ sẽ đọc giúp và để bé chỉ tay vào chữ, đọc đi đọc lại khoảng 10 lần để ghi nhớ mặt chữ.

Tôi đã sắm thêm hai cái bảng con để ở nhà, mẹ một chiếc, con một chiếc, tối tối cùng nhau ôn bài, vừa dạy chữ in như sách, vừa dạy chữ viết trong vở luyện chữ.

Cũng có người bảo tôi dạy chữ cho con kiểu đó là “ngược đời”, “lai căng”, “sính ngoại”, rồi bảo là tiếng Việt khác tiếng Anh chỗ này chỗ kia, tiếng Việt phong phú giàu đẹp không thể học theo kiểu chụp ảnh đó được… Sau 1 tuần tôi áp dụng phương pháp mới, chưa thể nói con tôi đã tìm lại được hứng thú với việc học, nhưng phần nào đã giải tỏa được căng thẳng. Bé không còn khóc mếu sợ hãi mỗi khi giở sách vở ra, với tôi thế là tạm ổn.

Cho con được chơi nhiều hơn để học hiệu quả hơn

Bên cạnh việc nghiên cứu tài liệu hướng dẫn dạy học dành cho giáo viên, tôi cũng đọc thêm một số sách tâm lý để có thể đồng hành cùng con tốt hơn. Trước đây, mỗi buổi học của con tôi (cùng bố hoặc mẹ) kéo dài khoảng 4 tiếng. Bé hay khóc mếu, kiếm cớ đi khỏi bàn, đi vệ sinh, uống nước lâu để “câu giờ”, rất mất thời gian.

Còn bây giờ, khi đã hiểu rằng sự tập trung chú ý của con ở độ tuổi này còn yếu và thiếu tính bền vững, dễ bị phân tán, cứ 30 phút là tôi chủ động cho con nghỉ giải lao, chơi một trò gì đó, tập luyện vài động tác thể dục nhanh khoảng 5 phút rồi tiếp tục. Tôi cũng không bắt con viết hết bài rồi mới chuyển sang luyện đọc nữa, mà xen kẽ giữa tĩnh và động, tiếng Việt và Toán để con không bị chán.

Sau hơn tháng con vào lớp 1 trong nước mắt, tôi đã được “khai sáng” cách giúp con học chữ đơn giản, vẫn thảnh thơi có thời gian chơi – Ảnh 4.
Tôi cũng phát hiện ra, việc cho con được vận động cũng rất quan trọng, dù bài tập cần hoàn thành có nhiều đến đâu. 4 tuần trước, tôi đăng ký cho con ở lại lớp trông muộn, khoảng 17h20 – 17h30 mới đón con thẳng về nhà, nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn tối rồi vào học luôn.

Tuy ở trường thêm 1 giờ, nhưng con tôi vẫn chưa làm xong bài. Có những ngày đón con sớm, tôi thấy bé toàn ngồi chơi, nói chuyện với các bạn chứ không muốn học nữa. Nhưng bài thì vẫn phải làm hết, kết quả là trừ thời gian ngủ, bé phải liên tục ngồi bàn học.

Tuần này, tôi bắt đầu “cắt” thời gian học thêm ở lớp, đón con về sớm để con có khoảng thời gian chạy chơi, vận động cho hết cuồng chân. Buổi tối ngồi học bài, rất ngạc nhiên là bé lại tĩnh lặng hơn, học tập trung hơn, ít nhấp nhổm như trước.

Với mỗi trẻ, tùy thuộc vào tính cách, điều kiện, sự tiếp thu mà bố mẹ cần điều chỉnh cách tiếp cận khác nhau để đạt tới hiệu quả. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, chúng ta đôi khi phải gạt bỏ sự tự tin, kiến thức và phương pháp học tập đã biết của mình để tiếp cận những cái chưa biết.

Nếu bản thân bố mẹ không tìm tòi, không đi đến cùng việc tìm hiểu cặn kẽ chương trình học, triết lý giáo dục, tâm lý của con để đồng hành đúng cách, con vui, bố mẹ nhàn, thì sao có thể mong giáo viên và nhà trường sẽ làm?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *