Mất mát, đau thương, sự u ám đến đáng sợ là những gì đang xảy ra tại thành phố vốn được mệnh danh là nơi nhộn nhịp nhất cả nước.
Kể từ làn sóng dich thứ 4 xuất hiện ở nơi này, Sài Gòn chưa ngày nào yên ổn. Hơn 149.000 người nhiễm, hơn 4.000 người qua đời đồng nghĩa với việc đã có hơn 4.000 gia đình trải qua sự đau đớn khi mất đi người thân.
‘Chị ơi, còn cách nào không’, giọng nói của cô gái ngoài 20 run rẩy đầy tuyệt vọng vang lên trong con hẻm nhỏ.
Trước đó, vào lúc 23h, cha của cô đang được lực lượng y tế cứu chữa vì ngưng tim. Y sĩ Khánh và điều dưỡng Minh là hai người trực tiếp cấp cứu. Dù đã cố gắng nhưng chẳng thể cướp bệnh nhân khỏi tay tử thần. ‘Ba chị mất rồi’, y sĩ Khánh nghẹn ngào nói.
Từ trong phòng, người vợ đeo gọng thở oxy lặng lẽ nhìn ra. Bà nghe rõ mồn một cuộc hội thoại của con gái với y sĩ Khánh. Vậy là… người chồng cùng chung sống bao năm đã từ bỏ bà, đi trước một bước.
Ba vừa ra đi, mẹ trở nặng phải đi cấp cứu
10 ngày trước, gia đình P làm test nhanh, cả 3 người cùng dương tính.
Ba mẹ của P mỗi ngày đều bị cơn sốt, ho, khó thở dày vò khiến sức khỏe suy kiệt nhanh chóng.
Tối 10/8, ba của P rơi vào hôn mê hơi thở thoi thóp phải dựa vào bình oxy nên P gọi cấp cứu.
Sau đó, 3 người của tổ phản ứng nhanh thuộc thường Tân Tạo A đến nơi làm mọi cách để giữ lại sự sống cho bệnh nhân. Thế nhưng, vì tình trạng suy hô hấp nặng khiến bệnh nhân không thể trụ thêm.
Ba P đã qua đời trước khi xe cấp cứu 115 tới nơi…
Vừa quay về tới cổng trạm, y sĩ Khánh nghe thống báo mẹ của P trở nặng rồi. Chiếc xe nhanh chóng quay trở lại chung cư. Y sĩ Khánh xách túi thiết bị lên xe và nói với P nhanh chóng chuẩn bị giấy tờ, 2 người dìu mẹ P tới tháng máy. Trước khi đi, P không quên lấy chiếc chăn mỏng phủ lên người ba.
Băng ca được điều dưỡng Minh dựng sẵn dưới tầng hầm. Mẹ P được chuyển lên xe rồi chiếc xe cấp cứu nhanh chóng lao thẳng tới một bệnh viện tại quận 7.
Trên xe cứu thương, chỉ còn văng vẳng tiếng cô gái trẻ đang nức nở gọi điện cho người chú ruột nhờ làm hộ giấy chứng tử cho ba. ‘Cô ơi, ba con mất rồi, ba mắc nCoV. Con bị bệnh, con lây cho ba mẹ’, giọng cô gái đầy đau đớn và tự trách.
Không gian chật hẹp của chiếc xe cứu thương bỗng trở nên xót xa hơn khi chốc chốc P lại cầm tay mẹ nói: ‘mẹ ơi, mẹ thương con, ráng thở đều, chỉ còn mẹ với con thôi’. Giữa tiếng nậc nghẹn ngào của cô gái trẻ, chiếc xe lao nhanh trên đường tới bệnh viện.
Khoảng 2h sáng, chuyến xe cấp cứu tới BV Nguyễn Tri Phương. Đây đã là bệnh viện thứ 3 mà họ tới trong đêm, nơi còn đủ chỗ để nhận bệnh nhân ngay
Điều dưỡng Minh đễn chỗ P đang ngồi thất thần ngoài hành lang khoa Cấp cứu. ‘Chị yên tâm, ở bệnh viện người ta điều trị cho cô’, điều dưỡng Minh trấn an cô gái trước khi ra về.
Chiếc xe cấp cứu lại một lần nữa trở về trạm, chuẩn bị cho những ca cấp cứu còn kéo dài trong đêm. Suốt hơn tháng nay, công việc của y sĩ Khánh vầ điiều dưỡng Minh cùng rất nhiều nhân viên của TT Cấp cứu 115 TP. HCM chủ yếu là cấp cứu những F0 chuyển nặng và nguy kịch tại nhà.
Màn đêm vẫn u ám như những gì mà người dân Sài Gòn đang phải chịu đựng lúc này.
Tình hình của TP HCM vẫn hết sức quan ngại khi mỗi ngày ghi nhận trên 4.000 ca nhiễm mới. Trong làn sóng dịch lần này, thành phố đã ghi nhận 149.286 ca nhiễm. Trong đó có hơn 4.500 ca qua đời vì bệnh dịch.
Điều đáng mừng là những ngày gần đây, số người được xuất viện ở thành phố dao động khoảng 2.000 – 3.000 ca/ngày. Thành phố cũng đang cố gắng kiểm soát dịch ở 7 quận huyện có số ca nhiễm ít như Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, Quận 5, 7 và 11 trước ngày 31/8.
Sài Gòn ơi, ráng chịu đựng thêm chút nữa, chút nữa thôi. Tất cả mọi người đều đang hướng về Sài Gòn, mong Sài Gòn khỏe lại. Cố chút nữa, đừng gục ngã nhé!
Nguồn: Tổng hợp