Anh Giang Nguyễn, Giám đốc The Ivy-League Vietnam, cho rằng học tiếng Anh sớm là tốt nhất, nhưng không đồng nghĩa học muộn là không giỏi.
Dưới đây là chia sẻ của anh Giang Nguyễn, từng tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ):
Tôi lắng nghe tâm sự, câu hỏi của phụ huynh về việc chọn thời điểm nào cho con học tiếng Anh và đầu tư thế nào cho hiệu quả? Những câu hỏi này rất khó trả lời, nhưng tôi có vài quan điểm.
Trước hết, có lẽ chúng ta không phải bàn về tầm quan trọng của tiếng Anh. Gần như 100% công trình khoa học đều được xuất bản bằng tiếng Anh và sự tiếp cận thế giới văn minh, những nền giáo dục hiện đại nhất như Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand đều phải thông qua tiếng Anh. Đó cũng là lý do phụ huynh Việt Nam muốn đầu tư cho con học tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều người đang loay hoay với bài toán chọn thời điểm nào thích hợp cho trẻ học tiếng Anh.
Tôi cho rằng không có thời điểm cụ thể nào để bắt đầu học tiếng Anh. Việc học sớm hay muộn còn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Về lý thuyết, học một ngôn ngữ càng sớm, càng dễ thẩm thấu và đạt đến độ trôi chảy tự nhiên.
Nhưng thực tế, có những người bắt đầu học tiếng Anh rất muộn mà vẫn đạt đến trình độ cao, thậm chí trở thành học giả về ngôn ngữ nổi tiếng. Lấy các thầy tôi ở trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ cũ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay) như: thầy Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng khoa sau đại học, thầy Lê Hùng Tiến, nguyên Trưởng khoa sau đại học, thầy Nguyễn Hòa, nguyên Hiệu trưởng, làm ví dụ. Các thầy đều là đại thụ của làng ngôn ngữ Việt Nam.
Tôi tin rằng thế hệ các thầy không ai được học tiếng Anh từ bé. Những năm 50-60 của thế kỷ trước, Việt Nam ăn còn chưa đủ no, lấy đâu ra tiền mà học. Hầu hết vào đến cấp 3 mới học, rồi thi vào Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Ở đây, các thầy cũng chỉ được học với nguồn tài liệu rất hạn chế, chia nhau từng trang sách, mách nhau từng từ mới. Ngày đó làm gì có thầy giáo Anh, cô giáo Mỹ. Ấy vậy các thầy vẫn cứ giỏi, cứ trở thành nhà ngôn ngữ tài năng, xây dựng một thế hệ giáo viên tiếng Anh khắp cả nước, phục vụ kịp thời cho thời kỳ mở cửa hội nhập những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Nhưng đó là thời kỳ xa xưa, khi con người ta biết nằm gai nếm mật, học theo trường phái “sôi kinh nấu sử”, học là thuộc và thuộc là nhớ mãi. Còn trẻ ngày nay, việc tiếp cận tiếng Anh thuận lợi thông qua TV, Internet, sách báo. Nguồn học liệu phong phú, không thiếu sách, không thiếu thầy, nhưng lại thiếu một thứ đó là “chịu học”.
Vì vậy, khi nhiều phụ huynh đặt câu hỏi liệu 2-3 tuổi có phải độ tuổi thích hợp để trẻ học tiếng Anh không, tôi cho là có và tôi vẫn ủng hộ việc cha mẹ cho con tiếp xúc ngôn ngữ từ sớm.
Như tôi đã nói ở trên, về lý thuyết, học một sinh ngữ càng sớm thì càng thuần thục, trôi chảy. Một đứa trẻ từ khi nằm trong bụng mẹ đã được nghe những âm thanh chuẩn mực từ các bài hát tiếng Anh mà chính các bà mẹ ở Anh, Mỹ cho con nghe. Lúc nằm nôi, các em lại được nghe các bài hát ru bằng tiếng Anh, lên 2-3 tuổi được học những từ ABC bằng tiếng Anh và bi bô nói những âm đầu tiên. Thật tuyệt vời khi lúc 5-6 tuổi, các em nói tiếng Anh thành thạo. Ngày nay có rất nhiều em như thế, dù chưa đi học bất cứ trường quốc tế nào.
Với nền tảng 6 năm đầu tiên, nếu tính từ lớp mẫu giáo lớn, các em đã được học một cách nghiêm túc và đã có khả năng tự đọc truyện, xem phim và nghe hiểu không rào cản, thì đến cấp THCS sẽ không gặp nhiều khó khăn để bước vào học trong các môi trường dùng tiếng Anh như một công cụ giảng dạy, chứ không phải vật vã với các kỹ năng cơ bản như nghe, nói, đọc, viết nữa.
Bỏ qua giai đoạn đầu đời này sẽ làm trẻ mất đi cơ hội tiếp nhận ngôn ngữ tự nhiên, phải rèn luyện những kỹ năng ngôn ngữ một cách máy móc. Điều này khiến trẻ mệt mỏi. Kể cả với những em đã có thời gian tiếp xúc ngôn ngữ từ sớm, nhưng khi học văn phạm ngôn ngữ vẫn gặp nhiều khó khăn. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ học nói tiếng Việt và nói thành thạo lúc lên 4-5 tuổi, nhưng đến khi phải học các môn bằng tiếng Việt, phải học viết văn, thì thật sự khó khăn hơn là lúc tiếp xúc ngôn ngữ tự nhiên.
Tiếng Anh cũng thế, muốn đạt mức độ thành thạo thì trẻ lớn phải học Đọc -Viết thực sự hàn lâm, đọc các chủ đề khoa học và xã hội, rồi trả lời những câu hỏi lắt léo. Cách thiết kế câu hỏi trong các bài đọc hiểu là nhằm để trẻ phát triển tư duy phân tích, từ đó hiểu thấu đáo bài đọc hơn.
Viết là một kỹ năng đặc thù, đòi hỏi người học phải sản sinh ngôn ngữ dựa trên nền tảng ngữ liệu mà học sinh đó tích lũy được thông qua đọc sách, nghe, nhìn. Viết thể hiện tư duy, đánh giá và giải quyết vấn đề. Viết là sự chắp nối của các ký tự ngôn ngữ (A, B, C) tạo nên các từ và tuân theo các quy tắc để tạo thành câu. Viết thể hiện chiều sâu suy nghĩ nào đó. Do đó, kỹ năng viết hình thành chậm hơn các kỹ năng khác, nhưng trẻ lớn lên không thể thiếu kỹ năng này.
Thời cha ông ta học tiếng Anh theo kiểu hiếm muộn, thiếu thốn, khổ sở mà vẫn giỏi đã qua rồi. Có lẽ bọn trẻ bây giờ không phải lặp lại thời kỳ ấy nữa. Nhưng có một thứ bọn trẻ cần học hỏi từ cha ông, đó là sự nhẫn nại, quyết tâm, học “sôi kinh nấu sử”, học đến đâu chắc đến đó, không ngại khó, ngại khổ.
Một bộ phận phụ huynh cho rằng sẽ lãng phí về kinh tế, trẻ quên mất ngôn ngữ mẹ đẻ nếu cho học tiếng Anh quá sớm. Tôi cho rằng suy nghĩ này cần được chia sẻ. Cho con đi học thêm tiếng Anh từ nhỏ quả là tốn kém, đặc biệt với các gia đình trẻ có nguồn thu nhập ở mức trung bình. Đối với trẻ nhỏ, có nhiều cách để cho con “tắm” ngôn ngữ mà không phải đi học ở đâu cả.
Tuy nhiên, tiếng mẹ đẻ mãi là tiếng mẹ đẻ, khó mà quên được. Một đứa trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ còn không quên tiếng mẹ đẻ nếu cha mẹ nói với nó bằng tiếng mẹ đẻ. Như hai đứa cháu tôi sinh ra ở California, cha mẹ vẫn nói tiếng Việt hàng ngày, các cháu vẫn hiểu, chỉ có điều trả lời bằng tiếng Anh.
Học tiếng Anh ở trình độ cao còn bổ sung cho tiếng Việt rất nhiều, nhất là văn viết. Ví dụ, bạn sẽ ý thức hơn khi viết một câu phức và sẽ không sử dụng một mệnh đề trạng ngữ làm chủ ngữ của câu nữa, nếu bạn đã học tiếng Anh nghiêm túc và hiểu về cấu trúc câu. Trong tiếng Việt, hiện tượng này có lẽ rất phổ biến.
Nhưng tôi cũng phải nói thêm, việc những đứa trẻ nhà có điều kiện, được đi học các trường quốc tế “xịn” từ bé thì ngại nói tiếng Việt là có thật. Các cháu học trường quốc tế đến học tôi rất nhiều, và tôi phải giảng bài bằng tiếng Anh hoàn toàn vì các cháu không nắm được các khái niệm lịch sử, văn hóa, chính trị bằng tiếng Việt.
Ví dụ, trong lớp học đọc SAT, nếu tôi giảng bằng tiếng Việt, các em học trường chuyên truyền thống như chuyên Sư phạm, Hà Nội – Amsterdam, Chu Văn An, hiểu rất tốt khái niệm như chiếm hữu nô lệ (enslavement), chính quyền liên bang (federal government), nhưng các em trường quốc tế thì không hiểu được bằng tiếng Việt, đơn giản là vì hàng ngày trên lớp được giảng bằng tiếng Anh.
Như vậy vốn liếng tiếng Việt của các em học tại Việt Nam nhưng học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ hạn hẹp hơn rất nhiều nếu không được cập nhật hàng ngày qua báo chí và TV. Các em sống ở Việt Nam nhưng lại không hiểu Việt Nam sâu sắc vì tiếp cận ngôn ngữ Việt bậc cao bị hạn chế ít nhiều.
Vậy, phương pháp học tiếng Anh từ sớm thế nào là hiệu quả nhất? Trước hết, chúng ta phải đánh giá thế nào là hiệu quả? Hiệu quả về mặt gì, chất lượng học hay giá trị thu lại từ khoản đầu tư?
Nếu như quãng thời gian đầu (0-13 tuổi), trẻ tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên một cách tốt nhất, thì thời kỳ 13-15 tuổi lại là lúc trẻ cần thay đổi cách học từ sự tiếp thu tự nhiên (tôi tạm gọi là thời kỳ tích lũy ngôn ngữ “nguyên thủy”) sang kiểu tiếp thu có tính chất “máy móc”, đó là phải học các kỹ năng Đọc – Viết hoặc Nghe hiểu – Trình bày ở dạng quy chuẩn hơn, đòi hỏi nguyên tắc ngôn ngữ phức tạp hơn.
Thời kỳ tiếp thu ngôn ngữ “nguyên thủy” là nền tảng để trẻ học cao hơn, sâu hơn về ngôn ngữ. Tôi dạy các em bé nói tiếng Anh như tiếng bản ngữ ở Hà Nội rất nhiều. Các con hiểu ngôn ngữ rất tự nhiên, nhưng khi đặt bút viết một bài luận thì lủng củng, câu chồng câu, không ra đầu ra cuối. Đó là vì các em chưa học ngôn ngữ theo trật tự máy móc của nó.
Còn kiểu tiếp thu “máy móc” là do chính con người tạo ra, nghiệm ra từ chính sự sắp xếp tự nhiên của ngôn ngữ. Ví dụ, ngữ pháp tiếng Anh chỉ mới hình thành và hoàn thiện hơn cho tới những thập niên 70 của thế kỷ trước. Trước đó, thời kỳ của tiếng Anh cận đại, người ta vẫn cứ viết tiếng Anh theo các nguyên tắc chung chưa thành văn mà thôi.
Đến giai đoạn 16-18 tuổi, các em phải học khốc liệt hơn, không chỉ là học ngôn ngữ nữa, mà phải thiên về học để luyện thi SAT, TOELF/IELTS để du học. Lúc này không có chuyện để cái đầu tự nhiên và nhớ được ngôn ngữ nữa rồi, mà phải học thực sự.
Tiếng Anh muốn giỏi thì phải biết càng nhiều từ vựng càng tốt. Cần phân biệt giữa làm bài tập tiếng Anh giỏi và sử dụng tiếng Anh giỏi. Một thợ giải bài không thể có khả năng viết văn mượt. Nên nhớ với bất kỳ ngôn ngữ nào, muốn biết từ thì phải học, chứ để chúng thấm tự nhiên thì không bao giờ giỏi được.
Tôi lấy ví dụ, khi đọc một bài SAT, các em sẽ chững lại vì bị cản trở bởi hàng loạt từ mới mang tính hàn lâm, chuyên biệt. Nếu cứ bỏ qua thay vì làm quen, ghi chép chúng và nhớ mặt, đặt tên chúng, các em sẽ mãi bị chúng cản bước. Chỉ cần dám học từ mới, không lười đánh dấu ghi chép lại từ mới, các em sẽ chinh phục được ngôn ngữ này thôi.
Về phía phụ huynh, tôi vẫn khuyên nên cho con được tiếp xúc ngôn ngữ sớm, phương tiện tốt nhất và thường xuyên nhất vẫn là ở nhà, là dạy con tự học, tìm những cách tiết kiệm nhất để cho con học.
Dù ủng hộ học tiếng Anh sớm, tôi không cho rằng học tiếng Anh muộn sẽ không tốt và không giỏi tiếng Anh. Học ở tuổi nào cũng giỏi được cả. Nếu có quyết tâm, một học sinh chỉ cần bỏ ra 3 năm học tiếng Anh theo đúng bài bản sẽ vẫn giỏi và đủ để thi được các chứng chỉ tiếng Anh để du học.
Còn học tiếng Anh theo kiểu tràn lan, không biết con mình học gì, cứ vứt đến trung tâm học là yên tâm, cha mẹ không theo sát con, hoặc không có khả năng để theo sát con thì sẽ là lãng phí. Vì học như thế thì đến 10 năm vẫn như mới bắt đầu mà thôi. Và không hiếm để bắt gặp một học sinh học tiếng Anh 10 năm mà gần như không biết gì cả!