Cả nhà 5 người ở Nghệ An đi ô tô vào BV Huế trộm cắp, trơ mặt ‘khoắng’ tài sản: Nhà dột từ nóc

Cạn lời với trường hợp này! Đúng là nhà dột từ nóc!

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 1-10, xác nhận đã phát hiện và bắt giữ nhóm đối tượng ngoại tỉnh hoạt động trộm cắp chuyên nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo đó, từ đầu tháng 9-2020, các đối tượng trong cùng một gia đình ngụ tại Nghệ An, gồm Nguyễn Thị Thọ (SN 1960), Nguyễn Quang (SN 1980), Nguyễn Thị Thảo (SN 1983), Nguyễn Thị Lộc (SN 1956) và Nguyễn Thị Hậu (SN 1960) thống nhất cùng nhau sử dụng xe ôtô của gia đình đi các tỉnh để hoạt động trộm cắp tài sản. Địa điểm nhắm đến của gia đình này là các bệnh viện để lợi dụng nơi đây đông người thuận lợi cho hoạt động trộm cắp móc túi.

5 người, trong đó có 4 phụ nữ đều cùng gia đình bị bắt giữ vì đi móc túi – Ảnh: CAND

Để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã có sự phân công nhiệm vụ chặt chẽ, trong đó: một đối tượng sẽ điều khiển xe ôtô đợi sẵn bên ngoài, các thành viên còn lại trà trộn vào bệnh viện để trộm cắp tài sản sau đó di chuyển nhanh ra xe ô tô và tẩu thoát

Bằng thủ đoạn này, chỉ trong tháng 9 vừa qua, nhóm đối tượng này đã thực hiện trót lọt 4 vụ trộm cắp tài sản với tổng trị giá hơn 30 triệu đồng.

Các đối tượng tại CQCA Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng đã khai nhận rằng, lợi dụng thời điểm Thừa Thiên – Huế dỡ bỏ các quy định kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh, đồng thời tại địa phương này thời gian qua không có ca mắc Covid-19 nên số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Trung ương sẽ tăng cao, do đó đã lựa chọn Bệnh viện Trung ương Huế làm địa điểm gây án.

Vấn nạn trộm cắp tài sản trong khu vực các bệnh viện đã và đang gây bức xúc cho dư luận xã hội. Bởi chúng có rất nhiều mánh khóe, chỉ cần sơ hở 1 chút là mất sạch tài sản.

Tài sản thường mất nhiều nhất là tiền và điện thoại. Nơi xảy ra mất thường là ở khu vực hiệu thuốc, thang máy, khu khám bệnh, khu điều trị và chủ yếu do các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp.

Tại khu điều trị, đối tượng trộm cắp thường đi một mình và hoạt động từ 2 giờ đến 5 giờ sáng. Đó là khi người nhà trông bệnh nhân đã thấm mệt, thường ra hành lang trải chiếu nằm. Đối với khu khám bệnh, khu hiệu thuốc và thang máy luôn đông người, các đối tượng móc túi thường đi khoảng 2-3 tên. Thủ đoạn của chúng là quan sát kỹ “con mồi” từ xa, sau đó áp sát nạn nhân, xô đẩy hoặc đánh lạc hướng để đồng bọn thừa cơ rạch, móc túi”.

Không chỉ có vậy, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bệnh nhân và người nhà, nhất là những người từ tuyến tỉnh lên, các đối tượng đạo chích thường giả danh bác sĩ hoặc người nhà bệnh nhân, khoe có mối quan hệ, có thể lo được bảo hiểm, lo được bác sĩ tay nghề giỏi nhất hoặc đóng giả là người có bệnh cần đi khám để làm quen, làm thân, thừa cơ lừa đảo.

Mẹ con một cụ bà 80 tuổi, ngụ Đồng Nai sau khi bị mất cắp sạch tiền – Ảnh: TNO

Theo một cán bộ điều tra viên, bắt đối tượng có hành vi phạm tội tại bệnh viện để xử lý hình sự thì khó nhất là bắt đối tượng móc túi. Chúng thường đi theo nhóm, khoảng 3 tên, lợi dụng các khu khám bệnh, hiệu thuốc, thang máy lúc nào cũng đông đúc và sự sơ hở của nạn nhân để móc trộm. Một tên móc được bao giờ cũng tuồn cho đối tượng đi cùng, khi bị phát hiện thì thả ngay xuống đất. Đối tượng đi cùng nữa thì vờ như nhặt được, giơ lên giả vờ hỏi có ai làm rơi không để chối tội cho đồng bọn. Trường hợp như vậy thì trên tay đối tượng không còn tang vật nên rất cần lời khai của các nhân chứng. Thực tế cho thấy, khi đối tượng móc túi có thể đông người biết nhưng luôn biến động, có khi bắt xong đối tượng thì nhân chứng đã đi… khiến rất khó đấu tranh để đối tượng nhận tội.

Vấn nạn trộm cắp tài sản trong khu vực các bệnh viện đã và đang gây bức xúc cho dư luận xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, các bệnh viện cần có quy định chặt chẽ hơn đối với người nhà bệnh nhân khi ra, vào thăm nom người bệnh. Cùng với đó, lực lượng bảo vệ cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và phối hợp với lực lượng công an xử lý những trường hợp vi phạm. Các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn từ xa…

Song, quan trọng hơn cả là ý thức tự bảo vệ tài sản của mỗi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trước hết, mọi người cần nêu cao cảnh giác, khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn nên chủ động báo tin để các lực lượng chức năng có biện pháp xử lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *