Trao đổi với tuoitre, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận việc triển khai thực hiện chương trình lớp 1 mới “có khó khăn” và sẽ điều chỉnh.
Vị lãnh đạo này cho biết: “Đúng như dư luận phản ánh, khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình lớp 1 mới là có thật. Trong số các môn học chỉ có môn tiếng Việt được cho là khó khăn, các môn còn lại thì ổn”.
Nhận định của ông Hiếu cũng tương tự ý kiến một số phụ huynh và giáo viên phản ánh, học sinh lớp 1 năm nay gặp “vấn đề” với môn tiếng Việt. Nhiều mẹ phải ngồi luyện chữ với con đến khuya, trong khi không ít giáo viên phải thừa nhận chương trình lớp 1 mới nặng hơn chương trình lớp 1 cũ.
Giải thích cho điều này, theo ông Hiếu trước hết do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều bé mẫu giáo, nhất là các bé 5-6 tuổi bị gián đoạn việc học. Kết quả là trẻ đã bỏ qua bước làm quen với các con chữ, bước đầu nhận diện mặt chữ… trước khi vào lớp 1.
Những năm học trước, học sinh tiểu học thường tựu trường vào ngày 15-8 nên trẻ có 2 tuần để rèn nề nếp, tập tô, đồ các nét, các con chữ… Còn năm nay các em tựu trường ngày 5-9 rồi vào thẳng chương trình, học luôn âm “a”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết đã giao quyền chủ động cho nhà trường và giáo viên trong việc thực hiện chương trình.
Nghĩa là giáo viên có quyền điều chỉnh nội dung bài, kế hoạch giảng dạy, thời lượng số tiết học… miễn sao có lợi cho việc tiếp thu bài của học sinh, tránh tạo áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, giáo viên chưa “tự tin’ thực hiện quyền này.
Về phía giáo viên, một cô giáo ở Khánh Hòa nhận xét yêu cầu đầu ra của lớp 1 nặng hơn năm cũ, tức là xong lớp 1 thì học sinh phải đọc thông thạo với tốc độ 80-120 tiếng/phút, viết thì chính tả nghe – viết không nhìn chép và các văn bản đọc cũng rất dài.
Một giáo viên ở quận 5 cho biết lẽ ra các em phải được rèn viết các nét móc trên, móc dưới, nét thẳng mới đi vào học viết chữ cái. Đằng này tiết đầu tiên là các em học viết luôn chữ “a”, “b”. Thời gian thì ngắn (35 phút) không đủ để tiếp thu, chưa kể những hôm học 3-4 vần trong một tiết.
Giáo viên này cũng nói thêm ở chương trình cũ, sáng học nội dung chính, chiều vẫn còn tiết để giáo viên dạy thêm, kèm thêm cho các em buổi sáng chưa nắm kịp bài. Còn với chương trình lớp 1 mới, buổi chiều là tiết hoạt động trải nghiệm. Như vậy, chương trình nặng, thời gian ít thì giáo viên không thể xoay sở.
Là một phụ huynh từng cùng con đi qua thời kỳ tiểu học, tôi phải thừa nhận rằng những điều cô giáo nói rất hợp lý. Trẻ cần phải luyện các nét cơ bản trước khi tập viết chữ cái, nếu không chẳng khác nào chưa học bò đã lo học chạy.
Đó là chưa kể chưa viết thông thạo chữ này thì đã phải tập viết chữ khác vì chương trình không thể “đợi” các em. Mọi thứ dồn dập bởi các em còn phải học đọc, học các môn khác, thêm các hoạt động trải nghiệm… Chính vì vậy bài vở có thể làm các em rối tung, thậm chí căng thẳng rồi sinh ra chán học lúc nào không hay dù chỉ mới lớp 1.
Ngoài ra, khung thời gian năm học chỉ có nhiêu đó. Nếu giáo viên điều chỉnh kế hoạch dạy học, thời lượng tiết học… thì với chương trình mới (cùng những bất cập kể trên), e rằng sẽ không đảm bảo dạy xong chương trình trong khung thời gian quy định. Như vậy, làm sao giáo viên dám chủ động và tự tin thực hiện “quyền” của mình trong giảng dạy?