Theo báo cáo Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, hiện, 87,4% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp áp dụng tối thiểu cao hơn so với quy định, thu nhập bình quân của lao động trực tiếp 8.441.300 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập trên mới tạm đủ cho người lao động trang trải cuộc sống, tích lũy cho tương lai không đáng kể.
Thu nhập tạm đủ sống
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân làm công nhân khu công nghiệp Nomura 11 năm. Tuy nhiên, qua tâm sự của nữ công nhân, vợ chồng chị Vân hiện sống ở nhà trọ với mẹ già và 2 con đang tuổi ăn học. Với tổng thu nhập 2 vợ chồng 12-13 triệu đồng/tháng (không tăng ca), nếu tăng ca là khoảng 16 triệu đồng/tháng, mỗi tháng, chị Vân chi phí 2 triệu đồng cho tiền thuê nhà, tiền điện, 3 triệu tiền học cho con, tiền ăn cho cả gia đình là 6 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc men cho mẹ già, đau ốm, mua sắm vật dụng thiết yếu trong gia đình và các chi phí phát sinh khác…
“Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập nên thu nhập chỉ đủ sống, không còn khoản nào để tích luỹ. Nếu gia đình có người ốm đau thì vẫn phải vay mượn thêm. Năm ngoái, con tôi bị ngã, phải nhập viện, chi phí hết hơn 8 triệu, 2 vợ chồng phải vay mượn khắp nơi” – chị Vân nghẹn ngào.
Cùng mức thu nhập 2 vợ chồng 12-13 triệu tháng, gia đình anh Lương Minh Tuyền (công nhân khu công nghiệp Nomura) chỉ tạm đủ sống. Để một khoản gửi về quê biếu bố mẹ già (không có thu nhập, chế độ), anh Tuyền thậm chí phải đi làm thêm nhiều công việc sau giờ tan ca.
Theo thống kê của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, đến tháng 10.2021, 87,4% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Hải Phòng áp dụng tối thiểu cao hơn so với quy định với mức bình quân 5.210.000 đồng, thu nhập bình quân của công nhân lao động trực tiếp 8.441.300 đồng/người/tháng, trong đó lương tối thiểu 61,7%, phụ cấp, phúc lợi 18,2%, lương làm thêm giờ, thưởng 19,7%. Thực tế cho thấy, mức thu nhập trên của người lao động mới tạm đủ trang trải cuộc sống, tích lũy cho tương lai không đáng kể.
Khó tăng thu nhập nếu không tăng ca
Theo kết quả khảo sát của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng và Trung tâm phát triển hội nhập CDI về đời sống công nhân nhập cư tại các xã lân cận khu công nghiệp Hải Phòng thực hiện năm 2018, tổng chi tiêu trung bình trong một tháng của người lao động là 6.043.000 đồng (Quy đổi theo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Hải Phòng hàng năm, mức chi tiêu hiện nay ước tính 6.461.000 đồng/tháng).
Trong đó, khoản tiền gửi về hỗ trợ gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất 34,5%, ăn uống chiếm 21,4%, thuê nhà, điện nước, an ninh, vệ sinh 11,5%; Chi phí cho việc học tập, nâng cao trình độ của bản thân và người thân chỉ chiếm 3,1%; ốm đau chiếm 3,2%;… Nếu không có làm thêm giờ, người lao động tích luỹ được 37.158 đồng/tháng (445.899 đồng/năm); có làm thêm giờ tích luỹ 1.652.000 đồng/tháng (19.825.000 đồng/năm), rất khó có thể mua được nhà, nâng cao chất lượng sống.
Để đảm bảo được mức chi tiêu, có tích lũy, bắt buộc người lao động phải làm thêm giờ để tăng thu nhập mặc dù họ biết làm thêm giờ thường xuyên có thể suy giảm đến sức khỏe và ảnh hưởng đến việc chăm lo cuộc sống gia đình.
Ông Đào Xuân Thu – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki (Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng) – cho biết: Với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, người lao động chỉ đủ chi phí cho bản thân, sẽ rất khó khăn nếu phải nuôi con với rất nhiều khoản chi phí. Điều này bắt buộc họ phải tăng ca để nâng cao thu nhập.
“Như tại Công ty TNHH Yazaki, công ty làm việc theo ca nên nếu muốn tăng ca, công ty phải phá vỡ khung giờ làm việc, thậm chí có thể vi phạm quy định pháp luật. Nhưng nếu không tăng ca, người lao động sẵn sàng nghỉ việc ở công ty để tìm chỗ làm mới để được làm thêm giờ. Đây là bài toán rất khó với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thiếu lao động, khó tuyển dụng như hiện nay – ông Thu khẳng định.
Nguồn: Lao Động