Nhìn sự thay đổi của sân thượng nhà chị Ngọc, nhiều người dành tặng cho chị 2 từ “xuất sắc”.
Vô tình phát hiện không gian cực “chill” trong nhà bị bỏ phí bấy lâu
Vốn yêu thích việc trồng trọt, muốn được gần gũi với thiên nhiên nhưng vì sống ở thành phố nên chị Bùi Bích Ngọc (35 tuổi, ở Hải Phòng) chưa có cơ hội thực hiện mong muốn.
Chị Ngọc làm việc trong ngành du lịch, thời gian này công việc bị ảnh hưởng khá nhiều do đại dịch. Tuy nhiên, cũng chính nhờ khoảng thời gian rảnh rỗi mà chị Ngọc lại có thể hiện thực hóa ước mơ có một khu vườn trồng cây và được ngồi uống cafe ngay tại nhà của mình.
Cuối tháng 7/2021, do téc nước của gia đình bị hỏng, chị Ngọc đưa thợ lên mái nhà để sửa. Bất chợt, chị nhận ra khoảng sân thượng rộng gần 60m2 bấy lâu nay bị bỏ không rất thích hợp để cải tạo thành một khu vườn.
Nghĩ là làm, chị nhờ thợ lắp luôn cho mình một chiếc vòi nước để phục vụ việc tưới cây. Đồng thời, chị Ngọc bắt đầu lên ý tưởng, thu dọn khu sân thượng và mua sắm đồ đạc để cải tạo.
Khi chia sẻ ý tưởng của mình, chị bị ông xã phản đối vì lo vợ phải bê vác nặng sẽ nguy hiểm, nhưng chị vẫn quyết tâm làm. Bà mẹ đảm này cũng cố gắng tận dụng mọi thứ vốn có trên sân thượng để hạn chế phải vận chuyển quá nhiều. Về sau, ông xã của chị Ngọc thấy vợ con hào hứng, sân thượng cũng thay đổi thấy rõ qua từng ngày nên anh xắn tay vào làm cùng cả nhà.
Từ chiếc giường cũ đã hỏng, chị Ngọc biến thành bộ bàn ghế gỗ xinh xắn, thang giường cũng được biến tấu thành rất nhiều món đồ decor.
“Mình mua gỗ pallet ở gần nhà với giá rất rẻ để đóng thùng trồng cây, vừa đẹp lại vừa thân thiện với môi trường. Hai con gái giúp mẹ việc sơn tường, vẽ tranh, tô chữ… Tháng 7 nắng nóng, các con cũng có lúc nản nhưng thấy mẹ vất vả quá nên cố gắng giúp mẹ. Qua đó, mình thấy bọn trẻ đã học được sự chia sẻ yêu thương.
Bản thân mình khi cải tạo sân thượng cũng là lần đầu tiên biết cầm cái khoan, cái cưa như thế nào. Việc khoan hỏng diễn ra thường xuyên, ốc vít thì lắp ngược lung tung hết cả. Nhưng rồi dần dần quen và đến giờ thì mình thành thạo mọi việc.
Sau 1 tháng thì công trình tâm huyết của gia đình mình đã hoàn thành, chi phí hết khoảng 30 triệu đồng” – chị Ngọc chia sẻ.
Khu vườn nhỏ làm thay đổi cuộc sống của cả gia đình
Khu vực có mái che, chị Ngọc đặt bộ bàn ghế để ngồi làm việc, ngắm cảnh, thưởng trà, mở tiệc ăn uống gia đình. Còn khu vực không có mái, chị trồng các loại rau xanh, hoa.
Chị Ngọc ưu tiên trồng các cây theo mùa như cây họ cải, cây cà chua, bầu, bí,… cùng rất nhiều hoa. Mới vào đầu vụ đông, vườn cũng mới cải tạo nên rau chưa đủ để nhà ăn. Nhưng chị hy vọng vào chính vụ có thể cung cấp đủ rau cho gia đình.
Sinh ra ở thành phố nên kinh nghiệm trồng trọt gần như bằng không, tất cả mọi thứ chị Ngọc đều đang học hỏi ở các “tiền bối”. Một số bí quyết được chị rút ta là tận dụng phân rác tối đa, ủ phân rác nhà bếp (gốc rau, vỏ củ quả) lấy bã lót đáy chậu tạo độ tơi xốp, nước tiết ra pha loãng tưới cây… để tạo dinh dưỡng cho cây.
Để phòng trừ sâu bệnh, chị phun nước vôi trong cho cây 1 tuần/lần, ngâm tỏi, ớt, thuốc lào để phun phòng và điều trị sâu bệnh. Việc phòng sâu bệnh được diễn ra khi cây chưa bị hoặc mới bị, nếu để nặng quá sẽ lây lan và thất bại luôn cả vườn.
Việc trồng cây nhìn thì tưởng đơn giản nhưng thực chất là khá cầu kỳ, tuy nhiên nhờ học hỏi, tìm tòi mà giờ chị Bích được chồng và các con gọi là “người nông dân thực thụ”.
Rác thải của vườn là nguồn phân đất vô cùng quý nên chị Ngọc không gặp khó khăn trong việc thu dọn rác. Sau mỗi vụ trồng trọt, chị cắt tỉa lá hỏng, héo vào 1 chiếc thùng để trong góc vườn, ủ thành 1 nguồn dinh dưỡng mới phục vụ việc cải tạo đất.
Mẹ đảm tâm sự, chị rất hài lòng với thành quả của mình và vui mừng vì cuối cùng cũng thỏa mong ước bấy lâu nay. Khu vườn nhỏ nhưng đã làm cuộc sống của gia đình chị thay đổi rất nhiều. Các bé nhà chị Ngọc hàng ngày đều lên sân thượng vui chơi, khám phá, hạn chế xem tivi, điện thoại.
Bọn trẻ hào hứng khi thấy bữa cơm có rau xanh mẹ trồng, trở nên đam mê trồng trọt giống mẹ, say sưa phân tích các câu chuyện xung quanh sự lớn lên của từng cây. Khu vườn nhỏ trở thành nơi các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn. Bạn bè của chị Ngọc khi đến chơi cũng thích mê không gian xanh mướt này.
Hơn hết, khu vườn còn mang đến cho chị Ngọc nguồn sống tích cực để chị cảm thấy vui hơn trong thời gian công việc đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Mỗi ngày, chị dành 2 tiếng buổi sáng để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình, sau đó ngồi làm việc với máy tính ngay tại vườn. Thi thoảng cuối tuần, gia đình lại có bữa tiệc liên hoan nho nhỏ giữa không gian yên bình này.
Sắp tới, chị Ngọc sẽ thiết kế lại cầu thang để việc đi lại thuận tiện hơn, đồng thời làm thêm các thùng gỗ và khung giàn cho chắc chắn. Chị hy vọng tương lai có thể khoe với mọi người một khu vườn hoàn thiện, rực rỡ hơn nữa.