‘Đường hầm’: Tác phẩm đả kích xã hội hiện đại thối nát

Bộ phim ăn khách “Tunnel” của điện ảnh Hàn Quốc không chỉ xoay quanh quá trình đấu tranh sinh tồn, mà còn là tiếng nói đả kích xã hội đầy sâu cay khi thảm họa xảy ra.
Trailer bộ phim ‘Đường hầm’ “Tunnel” là tác phẩm mới của điện ảnh Hàn Quốc, thu hút hơn 7,1 triệu lượt xem trong mùa hè 2016. Phim xoay quanh một tai nạn sập hầm khiến nhân vật chính Jung Soo bị kẹt trong đó suốt nhiều ngày trời.
Các bộ phim liên quan đến thảm họa là đề tài quen thuộc đối với điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, nó mới chỉ được quan tâm trong khoảng gần 10 năm trở lại đây.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy, các nhà làm phim xứ kim chi đã kịp cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, khai thác đề tài theo nhiều hướng khác nhau: từ thảm họa sóng thần trong Tidal Wave (2009), dịch bệnh trong Deranged (2013) vàThe Flu (2012), cho đến biển lửa kinh hoàng ở The Tower (2012) hay mới nhất là đại dịch zombie trong Train to Busan (2016).

Mùa hè năm nay, đạo diễn Kim Sung Hoon, người được biết đến qua tác phẩm hài đen hết sức thành công A Hard Day (2014), tiếp tục khai thác dòng thảm họa bằng bộ phim tập trung vào một vụ tai nạn sập hầm mang tên Tunnel.

Tại Hàn Quốc, Tunnel thu hút hơn 7,1 triệu lượt khán giả và là tác phẩm ăn khách thứ hai trong mùa hè 2016 sau Train to Busan. Ảnh: Showbox.
Quy tụ dàn diễn viên sáng giá của điện ảnh Hàn Quốc bao gồm Ha Jung Woo, Bae Doo Na và Oh Dal Su, phim từng thu hút hơn 7,1 triệu lượt khán giả nội địa trong mùa hè 2016.

Bộ phim được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn So Jae Won, lần đầu xuất bản năm 2013. The Tunnel vào đề rất nhanh khi giới thiệu sơ lược về nhân vật chính Lee Jung Soo (Ha Jung Woo). Anh là nhân viên kinh doanh của một hãng xe hơi nổi tiếng, đang trên đường trở về nhà dự tiệc sinh nhật con gái.

Khi đang lái xe qua đường hầm mới khánh thành của thành phố Hado, công trình bất ngờ đổ sụp, chôn vùi Jung Soo dưới đống đổ nát hoang tàn. May mắn thay, anh vẫn sống sót, có thể dùng điện thoại để gọi ra ngoài kêu cứu. Lực lượng cứu hộ quốc gia Hàn Quốc lập tức có mặt để giải cứu nạn nhân bị mắc kẹt.

Bộ phim Tunnel vào đề rất nhanh khi lập tức đẩy nhân vật chính Jung Soo vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc dưới đường hầm bị đổ sụp. Ảnh: Showbox.
Nội dung chính của Tunnel tương đối đơn giản, hoàn toàn giống với những gì từng được giới thiệu qua các đoạn trailer. Khác với nhiều tác phẩm cùng loại thường mất thời gian ban đầu để giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh, bộ phim của Kim Sung Hoon gần như bỏ qua giai đoạn đó, lập tức đẩy Jung Soo vào thảm họa với không một dấu hiệu nào báo trước.

Theo nhà làm phim, ý đồ của ông là muốn tạo cao trào hấp dẫn khán giả ngay từ đầu, đồng thời có thời gian để hé lộ dần những ý tưởng mà mình muốn truyền tải ở phần sau. Bởi bản thân Tunnel không chỉ là một tác phẩm thảm họa, sinh tồn đơn thuần. Nó còn đề cấp đến nhiều vấn đề xã hội sâu rộng và nhức nhối hơn rất nhiều.

Câu chuyện sinh tồn quen thuộc

Về cơ bản, nội dung chính của Tunnel vẫn là trận chiến sinh tồn của Jung Soo khi anh bị chôn vùi trong đường hầm. Cùng lúc đó, ở bên ngoài, lực lượng cứu hộ tiến hành mọi cách để giải cứu nhân vật. Hai tuyến truyện diễn ra song song và hỗ trợ liên tục cho nhau.

Toàn bộ quá trình duy trì và giành giật sự sống của Jung Soo được đạo diễn Kim Sung Hoon xây dựng khá hấp dẫn. Ngay từ đầu, chỉ việc làm thế nào để nhân vật có thể cử động và di chuyển bản thân khi cơ thể bị kẹt cứng trong chiếc xe ôtô, giữa hàng nghìn tấn bê tông cốt thép đang trực đổ xuống, cũng đủ khiến khán giả cảm thấy căng thẳng.

Đạo diễn Kim Sung Hoon luôn thổi cho cuộc chiến sinh tồn của nhân vật Jung Soo bầu không khí tích cực, lạc quan. Ảnh: Showbox.
Ngoài ra, điểm khác biệt của Tunnel so với nhiều tác phẩm cùng thể loại là đạo diễn Kim Sung Hoon luôn duy trì bầu không khí có phần lạc quan và tích cực, dù cho hoàn cảnh của nhân vật chính có bi đát và tuyệt vọng đến đâu.

Từ đầu đến cuối phim, Jung Soo phải đối mặt với rất nhiều khoảnh khắc khó khăn, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, thậm chí cả sinh ly tử biệt. Nhưng anh hiếm khi nào rơi vào tình trạng suy sụp quá mức. Điều đó giúp Tunnel tránh được tình trạng cường điệu cảm xúc, hay lạm dụng nước mắt quá mức mà khán giả thường thấy ở điện ảnh Hàn Quốc.

Lời phê phán mạnh mẽ xã hội đương thời

Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất của Tunnel lại nằm ngoài mô-típ sinh tồn. Bộ phim mạnh mẽ phê phán, đả kích hàng loạt tổ chức, cá nhân bên ngoài xã hội có liên quan khi thảm họa xảy ra.

Đó là những cơ quan truyền thông, báo chí “diều hâu” hám lợi, chỉ vì tìm kiếm lợi nhuận mà bất chấp tất cả, sẵn sàng làm mọi chuyện lố lăng nhất để kiếm tiền trên nỗi đau khổ và sinh mạng của người khác.

Đó là các quan chức chính phủ khi đụng chuyện thì tỏ ra có trách nhiệm, nhưng sau đó lại hiện nguyên hình là những kẻ hám danh, chỉ chăm chăm lo xây dựng hình ảnh giả tạo. Đó còn là những tập đoàn kinh tế với các công trình xây dựng kém chất lượng, đến lúc xảy ra tai nạn mới lộ ra sai phạm, nhưng vẫn không thèm quan tâm khắc phục hậu quả.

Những gì diễn ra bên ngoài đường hầm đổ sụp rất đáng xem khi mang đến cho người xem bức tranh thối nát của xã hội hiện đại Hàn Quốc. Ảnh: Showbox.
Khi quá trình giải cứu Jung Soo ảnh hưởng đến việc thi công một đường hầm khác, nhóm tập đoàn đầu tư quyết tâm mặc kệ việc anh sống chết ra sao, ép buộc lực lượng giải cứu phải chấm dứt công việc để có thể tiếp tục xây dựng công trình.

Trong khi đó, lực lượng cứu hộ là những người có trách nhiệm nhất thì lại toàn là những kẻ vụng về, yếu kém về mặt chuyên môn, đồng thời có tiếng nói hạn chế trong xã hội.

Xuyên suốt bộ phim, lý tưởng của đạo diễn Kim Sung Hoon được gửi gắm thông qua hình tượng người đội trưởng đội cứu hộ Dae Kyung (Oh Dal Su). Dae Kyung là người có trách nhiệm, có nhân tâm, nhưng vai trò của ông quá nhỏ nhoi để có đưa ra tiếng nói quyết định.

Ông cứ thế bất lực khi phải chứng kiến nạn nhân chết dần chết mòn từng ngày. Khi nói chuyện với Jung Soo, Dae Kyung luôn nhắc đi nhắc lại một câu “xin lỗi”, thể hiện tiếng lòng chân thật nhưng lực bất tòng tâm của những con người vẫn còn lương tri trong xã hội ngày nay.

Có thể nói Tunnel là tiếng nói phê phán, chế giễu xã hội thối nát đương thời trực tiếp và đầy trào lộng. Chính những kẻ có tiền, có quyền, nhưng bất nhân, háo danh, hám lợi mới chính là thảm họa kinh khủng nhất mà Jung Soo hay bất cứ người dân lương thiện nào phải chịu đựng mỗi ngày.

Những công trình kém chất lượng ẩn chứa nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào rốt cuộc cũng chỉ là sản phẩm của một hệ thống thối nát.

Thiếu sự logic để trở thành tác phẩm xuất sắc

Sở hữu điểm nhấn đáng khen khi châm biếm xã hội, nhưng đáng tiếc thay, Tunnel còn tồn tại nhiều khuyết điểm khá đáng trách. Có lẽ vì quá tập trung vào tuyến truyện đả kích mà bộ phim bị chệch ra quá xa khỏi thể loại thảm họa, sinh tồn. Hậu quả là phần kịch bản trở nên dàn trải, nảy sinh hàng loạt vấn đề.

Khán giả dễ dàng nhận ra nhiều chi tiết phi thực tế, các lỗ hổng logic trong kịch bản phim, đặc biệt là khi Jung Soo phải tự mình tìm cách sinh tồn khi đang bị chôn vùi. Các kiến thức sống sót cơ bản được nhắc đến khá ít và thường xuyên bị nhân vật chính vi phạm khó chấp nhận.

Cuộc chiến sinh tồn của Jung Soo vẫn còn chứa đựng quá nhiều tình tiết phi lý. Ảnh: Showbox.
Chẳng hạn như trong điều kiện bị chôn vùi dưới lớp đất đá dày đặc, sẵn sàng đổ sụp bất cứ lúc nào, nhân vật vẫn liều lĩnh di chuyển liên tục từ chỗ này đến chỗ khác mà không có chút kiêng dè nào.

Được miêu tả là rất thiếu thốn nước uống, lương thực, nhưng Jung Soo có thể giữ cho bản thân sống sót kỳ diệu đến không tưởng qua khoảng thời gian dài đáng kinh ngạc, vượt xa giới hạn của người thường và thậm chí gần như không có dấu hiệu mệt mỏi hay bị kiệt sức.

Tương tự, khán giả chắc chắn sẽ bật cười trước độ bền bỉ đến phi thực tế của chiếc điện thoại thông minh mà Jung Soo sử dụng trong suốt bộ phim. Đối với một tác phẩm thuộc thể loại sinh tồn, những lỗi logic như thế là rất khó chấp nhận.

Tất cả vô tình hạ thấp chất lượng của Tunnel, khiến bộ phim trở thành một tác phẩm khá nửa vời do quá tham lam trong việc thể hiện ý tưởng.

Nhìn chung, Tunnel vẫn là một bộ phim thảm họa hấp dẫn, đặc biệt là với tiếng nói phê phán xã hội đương thời sâu cay. Tuy còn chứa đựng nhiều khuyết điểm đáng tiếc, đây vẫn là tác phẩm đáng xem, nhất là với những ai đã trót yêu tiếng cười mỉa mai của đạo diễn Kim Sung Hoon từ A Hard Day.

Tunnel (Đường hầm) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *