10 bộ phim nổi tiếng tốn chưa đến 1 triệu USD để sản xuất

“Paranormal Activity”, “Once” hay “Mad Max” là các tác phẩm điện ảnh có ngân sách sản xuất cực kỳ khiêm tốn, nhưng sau đó giúp nhà sản xuất thu lãi lớn.

Fruitvale Station (2013):

Tác phẩm độc lập kể về ngày cuối cùng của Oscar Grant III (Michael B. Jordan) – chàng thanh niên da màu qua đời vào đúng đêm giao thừa năm 2009 bởi một viên đạn oan nghiệt của cảnh sát. Phim được quay tại đúng nơi xảy ra bi kịch ngoài đời thực và tiêu tốn 900.000 USD.

Fruitvale Station sau đó được báo chí ca ngợi về tính thời sự và thu 17 triệu USD tại phòng vé. Đạo diễn Ryan Coogler sau đó tiếp tục hợp tác với Michael B. Jordan qua Creed (2015) và Black Panther (2018).

Paranormal Activity (2007):

Xưởng phim kinh dị Blumhouse chào sân với tác phẩm giả tài liệu Paranormal Activity. Từ khoản ngân sách 150.000 USD, bất chấp những tranh cãi về chất lượng nội dung, bộ phim đem về khoản doanh thu không ai có thể tin nổi: 193 triệu USD.

Paranormal Activity tới nay vẫn được kéo dài, với gần nhất là phần 6 – The Ghost Dimension – ra mắt hồi 2015. Blumhouse dự kiến tung ra Paranormal Activity 7 vào mùa xuân 2022.

Once (2006):

Bộ phim ca nhạc của Ireland được John Carney ghi hình trong 17 ngày với khoản ngân sách 150.000 USD. Once chủ yếu sử dụng ánh sáng tự nhiên, với bối cảnh là đường phố Dublin và nhà của bạn bè Carney.

Tuy nhiên, câu chuyện về sự đồng điệu trong tâm hồn giữa hai người nghệ sĩ do Glen Hansard và Marketa Irglova thể hiện sau đó thu 23,3 triệu USD. Chưa hết, phim còn giành giải Oscar cho Ca khúc chủ đề xuất sắc với Falling Slowly.

Napoleon Dynamite (2004):

Bộ phim hài kinh điển của Jared và Jerusha Hess có Jon Heder đóng chính, và anh chỉ nhận 1.000 USD cho vai diễn. Hai vợ chồng nhà Hess buộc phải kiểm soát khoản ngân sách 400.000 USD.

Song, sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả giúp Napoleon Dynamite sau đó thu tới 46,1 triệu USD. Trước thành công đó, Heder đã tái thương lượng hợp đồng để nhận khoản thù lao xứng đáng hơn từ tác phẩm.

The Blair Witch Project (1999):

Bộ phim kinh dị giả tài liệu kể về chuyến phiêu lưu vào rừng sâu của một nhóm sinh viên để tìm kiếm phù thủy Blair ban đầu chỉ tiêu tốn 60.000 USD khi ghi hình. Sau quá trình hậu kỳ, con số tăng lên khoảng 750.000 USD.

Song, sự mới lạ của phong cách giả tài liệu khi ấy và quá trình marketing sáng tạo đã giúp The Blair Witch Project gây sốt khắp toàn cầu. Phim thu 248,6 triệu USD và trở thành một trong những phim độc lập thành công nhất lịch sử.

Following (1998):

Buổi đầu sự nghiệp, Christopher Nolan thực hiện bộ phim về một người đàn ông bị kéo vào thế giới ngầm. Ông quay Following bằng phim 16 mm, tận dụng bối cảnh là nhà của bạn bè, chỉ thực hiện một-hai đúp quay cho mỗi cảnh.

Cuối cùng, dự án tiêu tốn vỏn vẹn 6.000 USD, nhưng thu về hơn 48.000 USD. Quan trọng hơn, chất lượng của Following giúp Nolan được các nhà đầu tư chú ý và mở ra sự nghiệp huy hoàng cho nhà làm phim người Anh.

Clerks (1994):

Phim đen trắng được đạo diễn Kevin Smith ghi hình tại những nơi mà anh từng làm việc. Để có khoản kinh phí 25.575 USD, Smith cho biết anh đã phải bán nhiều cuốn truyện tranh sưu tầm quý hiếm của mình.

Quá trình hậu kỳ khiến kinh phí của Clerks tăng thành 230.000 USD, nhưng phim thu hơn 3 triệu USD. Tác phẩm thường được báo chí Mỹ coi là mốc son của dòng phim độc lập, và được Viện lưu trữ phim Mỹ liệt vào danh sách bảo tồn vào năm 2019.

The Evil Dead (1981):

Trước loạt bom tấn Spider-Man, đạo diễn Sam Raimi khẳng định tên tuổi bằng thương hiệu kinh dị The Evil Dead. Ông mở đầu loạt phim với tác phẩm năm 1981, cùng khoản ngân sách 350.000 USD.

Số tiền khiêm tốn gây nhiều trở ngại trong quá trình làm phim, như việc dàn diễn viên không được sưởi ấm trên trường quay. Tổng doanh thu toàn cầu của The Evil Dead là khoảng 30 triệu USD, và phim có thêm ba phần hậu truyện nữa.

Mad Max (1979):

Mad Max: Fury Road (2015) ngốn khoản kinh phí 150 triệu USD, nhưng khởi đầu của thương hiệu hậu tận thế khiêm tốn hơn thế rất nhiều.

Bộ phim đầu tiên về Max Điên có Mel Gibson đóng chính chỉ tiêu tốn 400.000 AUD (khoảng 340.000 USD vào năm 1979). Tuy nhiên, tại thời điểm ra mắt, Mad Max trở thành bộ phim đạt lãi cao nhất lịch sử với doanh thu lên tới 100 triệu USD.

Psycho (1960):

Đạo diễn Alfred Hitchcock luôn muốn thực hiện một tác phẩm kinh dị hạng B, và ông đã toại nguyện với Psycho. Để tiết kiệm chi phí, dự án được quay bằng phim đen trắng và tiêu tốn tổng cộng 800.000 USD (tương đương hơn 7 triệu USD vào năm 2020 khi tính yếu tố lạm phát).

Song, Psycho đã phá vỡ nhiều ranh giới của điện ảnh đương thời, trở thành tác phẩm kinh điển mọi thời đại và thu 50 triệu USD (tương đương 440 triệu USD vào năm 2020).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *