Bất mãn trước gã chồng vô dụng quanh năm chỉ ăn bám vợ, người phụ nữ mong muốn ly hôn nhưng chùn bước trước lời đe dọa sẽ kéo hai con nghĩ quẩn nếu ly hôn.
Trách nhiệm xây tổ ấm vốn không còn thuộc về riêng phụ nữ, thời buổi hiện đại nên cả vợ lẫn chồng đều chung vai gánh vác để giữ lửa. Tuy nhiên, nhiều chị em đau khổ gặp phải chồng vô dụng, chẳng giúp được gì lại còn làm khổ tâm triền miên. Đến khi muốn dứt bỏ cũng không thể vì vướng con cái rồi đủ chuyện phát sinh. Tâm sự rối như tơ vò của người vợ bên dưới là minh chứng cho điều này.
Là chủ gia đình nhưng anh chưa bao giờ góp được đồng nào suốt 10 năm qua. Nhà phải thuê, lương nhân viên của tôi được vài đồng. Lúc mới cưới, đi làm công ty thì anh không thích bị người ta sai khiến, muốn là bỏ việc, mặc kệ đã nhận lương hay chưa.
Ra làm kinh doanh, làm chủ thì hiếu thắng, không biết tính toán. Không biết tôi đã phải chạy vạy vay mượn để trả nợ cho anh bao lần. Lương của tôi không đủ để sinh hoạt cho cả gia đình và trả nợ, giật gấu vá vai, nợ mới chồng nợ cũ.
Anh không hiểu, lúc nào cũng ép tôi vay mượn thêm để làm ăn. Đồ đạc trong nhà anh mang cầm cố hết. Thậm chí anh còn đến tận công ty tôi đe dọa, bắt vay tiền hộ nếu không sẽ vào văn phòng phá phách. Anh tìm mọi lý do thoái thác đi làm, chỉ nằm không ở nhà chơi điện thoại, ăn và ngủ”, người vợ ấm ức chia sẻ.
Kinh khủng nhất với phụ nữ chính là cưới nhầm gã chồng hèn, vô dụng, bất tài và thích đổ lỗi, thoái thác. Nghĩ sao sinh hoạt phí hằng tháng trăm món, rồi thêm con cái nhưng đổ hết lên đầu vợ. Chưa kể, nếu một người ra ngoài bươn chải thì người còn lại ít nhất cũng biết trách nhiệm chu toàn nhà cửa con cái.
Có thể chồng kém tài không làm ra tiền nhưng chứng kiến giúp vợ cũng mát lòng, nguôi ngoai phần nào. Đằng này, gã chồng chỉ giỏi phá tiền. Đòi kinh doanh nhưng bắt vợ vay mượn, dăm bữa nửa tháng lại phá sản, về nhà nằm ườn. Đàn ông không có chí hướng, đã vậy còn không biết tính toán, xào tiền thì rõ là vứt đi!
Đâu chỉ có vậy, người vợ còn tức tối cho rằng chồng không hề tôn trọng bố mẹ vợ. Bao nhiêu năm, anh vẫn ghim gút trong lòng vì ngày xưa bị bố mẹ vợ cấm cản. Sau này, cưới được vợ nên được nước lấn tới. “Lúc tức giận, anh dùng những lời lẽ thiếu tôn trọng, vô ơn, thậm chí muốn đánh cả bố tôi khi ông can ngăn anh đánh tôi, cấm các con sang chơi với ông bà dù bố mẹ tôi đã chăm 2 cháu hết mực”.
Đây đâu phải hôn nhân, mà là địa ngục, là bể khổ nhấn chìm người phụ nữ đang vẫy vùng tuyệt vọng bên trong. Chị vợ đã nhen nhóm ý định ly hôn. Đó là điểm sáng của chị, ý thức được tình cảnh và dứt khoát giải thoát để khỏi đau khổ.
Nhưng đâu dễ vậy. “Anh tuyên bố sẽ giành nhà, con với tôi, sẽ lên công ty phá cho tôi mất việc, tung tin tôi bồ bịch bỏ chồng, thậm chí có lúc anh còn nói sẽ kéo các con chết cùng anh chứ không cho sống chung với tôi. Tại sao anh phải làm vậy? Tôi đang sống trong chuỗi ngày lo lắng, hoảng loạn và mất phương hướng, không biết phải làm gì?”, người vợ bế tắc trước những đe dọa từ chồng.
Hành xử mang con ra uy hiếp, dọa lên công ty quậy phá của gã chồng trong chuyện trên chỉ cho thấy chân dung một người đàn ông bạc nhược, ích kỷ và đầy độc ác. Đến con của mình còn nghĩ đến chuyện sẽ chết chung thì có còn đủ tư cách làm cha hay không?
Ngày xưa các cụ ví thân phận phụ nữ như con hạc đầu đình, không thể cất cánh bay vì biết bao lề thói phong kiến đè nặng. Ngày nay, chị em ít nhiều thoát khỏi những cổ hủ lạc hậu nhưng cũng còn nhiều trường hợp “muốn bay không cất nổi mình mà bay” vì gã chồng tệ bên cạnh, không giúp vợ phát triển mà chỉ giỏi kéo ghì để ngày càng bi đát hơn.
Tâm sự cay đắng của người vợ ở trên đã phản ánh thực trạng của nhiều chị em ngày nay. Đôi khi họ muốn bứt mình khỏi cuộc sống tệ hại, đầy rẫy nước mắt nhưng ngặt nỗi còn con cái, trách nhiệm nuôi dạy các con. Ai bị dồn đến đường cùng cũng sẽ bật lại nhưng đôi khi hoàn cảnh khiến họ lại nuốt nghẹn, dặn lòng cắn răng chịu đựng thêm chút nữa.
Từ việc phản kháng, nhiều phụ nữ đã dặn lòng để ở lại và chịu đựng rồi dần dần tự biến bản thân thành một khối phẫn uất, dồn nén chẳng khác gì tự nuốt độc vào người. Các câu chuyện thương tâm khi mẹ nghĩ quẩn, kéo các con đi chung đã xảy ra liên miên và phản ánh tình trạng dồn nén lâu ngày của phụ nữ. Ở đời, làm gì cũng cần thương bản thân trước tiên.
Nếu cảm thấy quá ngột ngạt, đau khổ với mối quan hệ sai lầm, hãy mạnh mẽ nhờ pháp luật can thiệp để bảo vệ mình và các con. Cây ngay không sợ chết đứng, những trò trả thù vặt sẽ không làm suy suyển nếu bạn sống không thẹn với lòng.
Theo webtretho