Hôm qua, mới đọc Công điện 1711/CĐ-TTg về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021, nay đã thấy phía Cục CSGT thực hiện ngay chỉ đạo rồi nè các mẹ.
Theo nguồn tin từ Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an, Cục sẽ mở đợt kiểm soát cao điểm giao thông Tết, bắt đầu kể từ ngày 15/12/2020 đến hết ngày 28/02/2021.
Mục đích là để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa và làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên các tuyến đường… nhằm bảo đảm hoạt động giao thông vận tải cũng như các nhu cầu vui chơi, lễ hội trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Nếu mẹ để ý sẽ thấy, năm nào ăn Tết xong, cũng sẽ nghe nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, mà lỗi phần lớn là do chạy quá tốc độ (nhiều người ỷ lại đường vắng mà phóng nhanh, vượt ẩu, rồi những chuyến xe về quê vì phải chạy cho kịp giờ, để đạt được số chuyến yêu cầu mà bất chấp tính mạng…) rồi ăn nhậu xong lái xe.
Vì thế, việc mở đợt cao điểm tổng kiểm soát trong giai đoạn này là cần thiết. Theo đó, cảnh sát giao thông sẽ tập trung phạt nặng các lỗi sau đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô chở khách và vận tải container, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông:
#1. Chạy quá tốc độ
* Đối với ô tô:
– Trường hợp quá tốc độ từ 05 km/h đến dưới 10 km/h thì bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
– Trường hợp quá tốc độ từ 10 km/h đến dưới 20 km/h thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
– Trường hợp quá tốc độ trên 20 km/h đến 35 km/h thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
– Trường hợp quá tốc độ trên 35 km/h thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
* Đối với xe gắn máy, xe mô tô:
– Trường hợp quá tốc độ từ 05 km/h đến dưới 10 km/h thì bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng.
– Trường hợp quá tốc độ từ 10 km/h đến dưới 20 km/h thì bị phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
– Trường hợp quá tốc độ trên 20 km/h thì bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
#2. Vi phạm nồng độ cồn
* Đối với ô tô:
– Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
– Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
– Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
* Đối với xe gắn máy, xe mô tô:
– Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
– Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
– Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
#3. Vi phạm về việc sử dụng ma túy
* Đối với xe ô tô:
Lái xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
* Đối với xe gắn máy và xe mô tô:
Lái xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
#4. Đi không đúng phần đường, làn đường
* Đối với xe ô tô:
Lái xe mà đi không đúng phần đường, hoặc làn đường thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
* Đối với xe gắn máy và xe mô tô:
Lái xe mà đi không đúng phần đường, hoặc làn đường thì bị phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng.
#5. Tránh, vượt, dừng, đỗ không đúng quy định
* Đối với xe ô tô:
Tránh xe, vượt xe, dừng xe hoặc đỗ xe không đúng quy định mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
* Đối với xe gắn máy và xe mô tô:
Tránh xe không đúng quy định thì bị phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng.
Trường hợp tránh xe, vượt xe, dừng xe hoặc đỗ xe không đúng quy định mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
#6. Chở hàng quá tải, quá khổ, quá số người quy định
* Đối với xe chở hàng quá tải trọng:
– Nếu xe vượt quá tải trọng cho phép trên 10% đến 20% thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, trừ khi có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
– Nếu xe vượt quá tải trọng cho phép trên 20% đến 50% thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, trừ khi có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
– Nếu xe vượt quá tải trọng cho phép trên 50% đến 100% thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng, trừ khi có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Trường hợp xe có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành thì có cùng mức phạt.
– Nếu xe vượt quá tải trọng cho phép trên 100% đến 150% thì bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng, trừ khi có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
– Nếu xe vượt quá tải trọng cho phép trên 150% thì bị phạt tiền từ 14 triệu đồng đến 16 triệu đồng, trừ khi có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
* Đối với xe chở khách:
– Nếu xe chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi; chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến 30 chỗ; chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ thì bị phạt từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng trên mỗi người vượt quá quy định cho phép, nhưng không được quá 40 triệu đồng.
– Nếu xe ô tô chở khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km mà chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ mà chở quá từ 02 người thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở, nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng đối với người lái xe.
Trường hợp vi phạm lỗi này sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng nếu vượt quá từ 50% đến 100%, còn trên 100% là từ 03 tháng đến 05 tháng.
#7. Đón, trả khách không đúng nơi quy định
Xe ô tô có hành vi đón, trả khách không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng, trừ trường hợp trên đường cao tốc.
Trường hợp trên đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
#8. Không nhường đường cho xe ưu tiên
* Đối với xe ô tô:
Mức phạt là từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
* Đối với xe mô tô, xe gắn máy:
Mức phạt là từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
Được biết, xe ưu tiên bao gồm 5 loại sau đây:
– Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ.
– Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường.
– Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.
– Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
– Đoàn xe tang.
#9. Không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ
* Đối với xe ô tô:
Mức phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
* Đối với xe mô tô, xe gắn máy:
– Trường hợp xe có dung tích xi lanh dưới 175cm3 thì bị phạt từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng.
– Trường hợp xe có dung tích xi lanh trên 175cm3 thì bị phạt từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng.
#10. Xe hết niên hạn sử dụng
Mức phạt là từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng và bị tịch thu phương tiện (trừ trường hợp xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách có niên hạn sử dụng vượt quá quy định về điều kiện kinh doanh của hình thức kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa quá 20 năm tính từ năm sản xuất, xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách) và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Lưu ý, xe có quy định về niên hạn sử dụng gồm những loại xe sau đây:
– Đối với ô tô chở hàng: Không quá 25 năm.
– Đối với ô tô chở người: Không quá 20 năm.
– Đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước 01/01/2002: Không quá 17 năm.
Quy định trên không áp dụng với xe ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi, tính luôn chỗ của người lái; hoặc xe ô tô chuyên dùng.
Đặc biệt, nhắc nhở mẹ cùng người thân khi tham gia giao thông cần rửa tay sạch đúng cách và mang khẩu trang. Trường hợp vi phạm, căn cứ Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.