Trà cúc đắng – thú vui của người già hút giới trẻ Hải Phòng

Nước trà cúc có vị đắng, vắt thêm lát quất thơm, hậu vị ngọt, lý tưởng khi nhâm nhi cùng hạt dẻ nóng.

Trà chanh gắn với Hà Nội, uống trà đá thì được xem như văn hóa của dân Sài Gòn, còn đến Hải Phòng, bạn nhất định phải đến đường Phan Bội Châu thưởng thức ly trà cúc đắng, tám chuyện. Trà cúc có màu vàng nâu, vừa ngửi đã thấy mùi thơm phức, vị đắng ngọt hơi ngai ngái nơi đầu lưỡi, nhưng thanh của hoa cúc lẫn quất. Ở đây có những tiệm trà hơn 25 tuổi, không gian quán cũ kỹ, kiểu bình dân nhưng luôn đông khách. Buổi sáng, các vị bô lão thích bắt đầu ngày mới bằng cách nhâm nhi ly trà đắng, buổi trưa nó trở thành món nước giải khát lý tưởng, còn về đêm thì khá đông bạn trẻ tụ tập uống trà cúc, cắn hạt dẻ nóng hổi, trò chuyện rôm rả.

Nước trà cúc màu sậm, uống mát.

Chủ một quán trà cúc chia sẻ, thành phần của món trà cúc rất đơn giản, gồm trà, hoa cúc khô, cam thảo. Hoa cúc khô lấy từ Hải Dương được sao lại một lần trên lửa nhỏ để hoa không bị cháy, sau đó rửa sạch, để ráo rồi mới đem hãm cùng với trà Thái Nguyên. Mỗi quán pha theo tỷ lệ khác nhau. Người lớn tuổi thích uống trà đậm thì lượng trà và cam thảo sẽ khác với ly thơm mùi hoa cúc, ngọt vị cam thảo của giới trẻ.

Những năm gần đây, ly trà cúc còn có thêm quả quất cho vị chua dịu. Vỏ quất thơm làm hương vị phong phú hơn. Người pha chế thả quất vào lúc trà đã hơi nguội để không bị đắng. Trà cúc nóng thì bạn phải uống ngay sau khi hãm khoảng 5 – 10 phút nhằm thưởng thức trọn vẹn hương vị. Ngược lại, quá trình làm trà cúc đá công phu, tỉ mỉ hơn. Người bán phải hãm trà trước khi uống ít nhất 2 tiếng đồng hồ, để nguội. Làm như vậy thì khi cho đá vào, trà không bị loãng mà vẫn giữ hương vị đậm đà, thơm.

Lần đầu tiên uống trà cúc đắng, bạn dễ thấy không quen, hơi khó uống vì vị đắng na ná thuốc bắc. Tuy nhiên, uống đến ngụm thứ hai bạn sẽ cảm nhận rõ vị chát của trà, sau đó đến vị chua nhẹ của quất đọng lại đầu lưỡi, hậu vị cam thảo ngọt đậm, khiến bạn càng uống càng thấy thích, không muốn dừng.

Ly trà cúc mang đi.

Món nước có giá khoảng 20.000 đồng/ly với đủ biến thể cho bạn lựa chọn như trà cúc không trà, trà chua ngọt, trà nhiều chua, trà cúc không ngọt, cúc không đường… Cái thú của uống trà cúc là bạn phải thưởng thức cùng hạt dẻ nóng giống như cắn hạt hướng dương. Hạt dẻ Hải Phòng nhỏ bằng đầu ngón tay út, vỏ mỏng. Giới trẻ gọi đây là hạt dẻ mini cho dễ phân biệt với các loại hạt dẻ rang khác. Vị hạt dẻ ngọt, thơm, nhưng không đậm vị bùi. Vừa tách vỏ hạt dẻ, vừa nhâm nhi ngụm trà đắng trở thành thú vui của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh đó, hoa cúc tính mát, có tác thanh nhiệt, giải độc, đồng thời giúp dễ ngủ hơn.

Chủ quán trà khá nổi tiếng trên đoạn đường này cho biết, mỗi ngày họ phải thức dậy sớm hãm trà để kịp phục vụ buổi sáng, bán dần đến tầm 21h30 là nghỉ. Có hôm mùa hè, quán bán được cả nghìn ly, nhân viên làm không xuể. Khách mua mang đi thường phải chờ lâu. Còn mùa mưa thì quán vắng khách hơn.

Khách uống trà hoa cúc, ăn hạt dẻ nóng tám chuyện.
Khách uống trà hoa cúc, ăn hạt dẻ nóng tám chuyện trên đường Phan Bội Châu, Hải Phòng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *