Vì không có nhiều tiền để có thể mua chung cư hay những ngôi nhà mặt đất trị giá cả tỷ bạc, người phụ nữ 32 tuổi này đã đi đường vòng. Nhưng sau 8 năm cũng đạt mục tiêu đề ra nhờ biết tính toán hợp lý phù hợp với hoàn cảnh nhà mình.
Vợ chồng nhà chị Trần Thị Phượng ở Đan Phượng, Hà Nội chỉ có tổng thu nhập mỗi tháng được 20 triệu. Thế nhưng may mắn, vợ chồng chị ở với bố mẹ chồng nên không phải đi thuê trọ như nhiều cặp đôi khác.
Bố mẹ chồng chị còn trẻ nên vẫn làm ra thu nhập, không phụ thuộc vào các con. Vợ chồng chị cũng mới chỉ có 1 con nhỏ nên mỗi tháng chi tiêu chỉ chưa hết ½ thu nhập và để dành được khoảng 10 -12 triệu/tháng.
Khi mới kết hôn, vợ chồng chị Phượng chẳng bao giờ nghĩ đến việc mua nhà. Bởi vì ngoài thu nhập cố định hàng tháng, vợ chồng trẻ chỉ tiết kiệm được 200 triệu đồng. Nếu tính chuyện mua nhà, bố mẹ người thân chỉ có thể cho anh chị vay 200 triệu nữa mà không tính lãi.
“Vì luôn nghĩ có quá ít tiền như vậy nên vợ chồng mình không ai dám nghĩ tới việc mua nhà cả, nhất là nhà mặt đất. Do đó, hàng tháng mình cứ tích lũy tiền càng nhiều càng tốt để mua vàng hay USD cất đi vì sợ tiền mất giá”, chị Phượng nói.
Có thời điểm chị Phượng nghĩ, nếu có miếng đất nào thuận tiện đi lại, vừa phải với túi tiền thì anh chị cũng sẽ mua bỏ đó dù cách xa trung tâm 4-50 km cũng chẳng sao.
Bởi vì 5-10 năm sau đường sá, kinh tế phát triển, nhà nhà sẽ có xe hơi để đi thì việc di chuyển 40-50km cũng chỉ mất 30 phút thôi. Do đó, vợ chồng chị cứ tạm thời ở chung với bố mẹ để chờ đợi thời cơ.
Và cơ hội quả nhiên đến với người biết tính toán cẩn thận. Cách đây 8 năm trước, những người bạn của chị Phượng đua nhau mua chung cư cao cấp khoảng 2 tỷ và trả góp trong 10-15 năm.
Vì vay mượn nhiều nên tiền lãi họ phải trả ngân hàng là một số tiền khổng lồ, trả mãi chưa xong. Trong thời gian này những người bạn của chị cũng phải sống chật vật, làm được bao nhiêu đóng hết cho ngân hàng bấy nhiêu. Chính lúc này, chị Phượng cũng có thêm động lực hành động nhưng quyết định mua căn nhà nhỏ vừa sức mình.
“Suy đi tính lại, mình không góp vốn đầu tư mua chung cư cao cấp cùng bạn. Mình lúc đó chỉ dám mua cái nhà nhỏ giá 500 triệu ở Đan Phượng ở gần nhà. Với số tiền này, mình chỉ phải vay của bố mẹ chồng 100 triệu.
Vì thế trong 1 năm mình đã trả hết bố mẹ nợ vay nhà. Vì không phải trả lãi ngân hàng nên các năm sau mỗi năm mình lại tiết kiệm được 1 khoản khoảng 120 triệu nữa”, chị Phượng kể.
5 năm sau ngày mua căn nhà nhỏ đầu tiên, chị Phượng tiết kiệm được 600 triệu. Thời điểm này chị lại quyết định mua 1 mảnh đất to hơn ở ngoại thành với trị giá 800 triệu đồng: “Vợ chồng mình lại tiếp tục cày trả nợ người thân 200 triệu nữa. Sau 2 năm mình cũng đã trả được”.
Tính ra 8 năm qua nhờ đi từng bước nhỏ, vợ chồng chị Phượng đã có 2 căn nhà: “Mảnh đất ở ngoại thành sau vài năm thì hiện nay xung quanh khu đó đã khá đông đúc rồi. Vì thế vợ chồng mình vay mượn thêm 300 triệu nữa xây căn nhà nhỏ để ở và đi làm.
Từ chỗ nhà mới vào thành phố đi làm chỉ mất hơn 30 phút. Còn căn nhà nhỏ mua lúc đầu thì vợ chồng mình cho thuê lại. Mỗi tháng chỉ được 1,8 triệu tiền cho thuê nhà. Mình lại để dành được số tiền này gộp cùng lương để trả nợ tiền xây nhà cho người thân”.
Người vợ trẻ này cũng dự tính, sau khi trả nợ được tiền xây nhà, chị Phượng sẽ tiếp tục tích lũy thêm: “Chừng nào tích lũy được khoảng 400 triệu, mình sẽ lại tìm mua 1 mảnh nhỏ ở Đan Phượng hay Thạch Thất để dành cho con cái. Vì không có tiền nên mình cứ đi đường vòng vậy nhưng vừa sức và vững chắc”.
Nói về các bạn mình gần 10 năm trước quyết định vay ngân hàng mua căn hộ cao cấp, chị Phượng lắc đầu: “Đến giờ dù đã gần chục năm rồi mà các bạn mình vay 10-15 năm mua căn hộ cao cấp giờ vẫn còn đang còng lưng trả nợ ngân hàng.
Mà hiện căn hộ cũng đã xuống cấp rất nhiều, hàng tháng họ còn phải chi cả triệu tiền phí chung cư các loại nữa. Ai cũng bảo đầu tư sai lầm, mệt mỏi”.