Nhằm góp phần khôi phục các loại hình sân khấu truyền thống và vực dậy hoạt động của các đoàn nghệ thuật trên địa bàn, từ tháng 11/2019, thành phố đã triển khai Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”.
Người dân thành phố hào hứng đón nhận từng tác phẩm
Tháng 11/2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chủ trì, phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng cùng các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng“.Theo Đề án, các đoàn nghệ thuật của thành phố sẽ biểu diễn chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, ca múa nhạc tổng hợp với các chủ đề, nội dung tư tưởng nhằm khơi dậy, tôn vinh truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên cùng nét đặc trưng của vùng đất, con người Hải Phòng xưa và nay. Đặc biệt, đề án phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá những thành tựu đổi mới, nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong giai đoạn gần đây với những khát vọng vươn tới tương lai.
Các buổi diễn được truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình phát lại 1 hoặc 2 lần/tháng. Các chương trình sau khi tổ chức truyền hình trực tiếp sẽ tiếp tục lưu diễn tại các địa phương. UBND thành phố đã đặt ra mục tiêu khi xây dựng Đề án, đó là đến năm 2022, nhân dân 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được xem trực tiếp các chương trình sân khấu nghệ thuật.
Bà Trần Thị Hoàng Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, từ tháng 11/2019 đến nay, các đoàn nghệ thuật của Hải Phòng đã biểu diễn 10 chương trình, trong đó có 4 chương trình truyền hình trực tiếp và 6 chương trình ghi hình phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng. Gần đây, Hội đồng nghệ thuật thành phố đã thẩm định vở chèo “Hoàng đế Tiền Lê” để ra mắt công chúng vào cuối tháng 9/2020.
Các tác phẩm trải qua 6 bước lựa chọn, thẩm định khắt khe theo quy định của đề án, do đó khi công diễn đều nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của khán giả về hình thức, nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật. Tiêu biểu như các vở diễn “Hào khí Bạch Đằng giang“, “Khai sáng An Biên“, “Di sản mùa xuân”, “Lời sấm truyền từ quán Trung Tân“, “Một truyền tích Hoa Phượng”.
Ngoài phát sóng, các chương trình đã được lưu diễn với 60 buổi tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố; thu hút khoảng 60.000 lượt khán giả hào hứng đón nhận. Sau khi xem chương trình múa rối “Một truyền tích Hoa Phượng” tổ chức tại xã xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, chị Nguyễn Thị Lan, người dân địa phương cho biết, chị và người thân trong gia đình đều xúc động vì lần đầu tiên xem các nghệ sĩ múa rối trực tiếp biểu diễn. Buổi biểu diễn đem đến những cảm xúc mới lạ, hấp dẫn hơn nhiều so với xem qua truyền hình hoặc internet. Chị Lan mong muốn sẽ tiếp tục được xem các chương trình mới để nâng cao đời sống tinh thần của bản thân cũng như góp phần khơi gợi niềm đam mê nghệ thuật cho các con.
Thành quả từ sự quan tâm, đầu tư của thành phố
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, giai đoạn đầu thực hiện đề án có rất nhiều khó khăn. Về nhân lực, tuổi đời trung bình của diễn viên khá cao so với vai diễn. Các đoàn không đủ người triển khai các chương trình, vở diễn tương xứng với mức độ quan tâm và vị thế của thành phố. Kịch bản đáp ứng yêu cầu của Đề án rất khan hiếm. “Khó khâu nào, khắc phục khâu đó”, các đoàn đã huy động diễn viên từ các đơn vị khác.
Ngoài sử dụng các kịch bản cũ, thành phố đồng ý với phương án đặt hàng sáng tác, dàn dựng các tác phẩm sân khấu theo đúng nội dung, tư tưởng, chủ đề đặt ra. “Mấu chốt đưa đến thành công, đó chính sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo thành phố Hải Phòng”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, các đoàn nghệ thuật của Hải Phòng như: Chèo, kịch nói, cải lương, múa rối hoạt động chật vật do kinh phí đầu tư ít, không có khán giả. Để vực dậy hoạt động của các đoàn nghệ thuật, trong gần một năm qua, thành phố đã đầu tư trên 40 tỷ đồng để các đoàn khôi phục hoạt động và duy trì các thế mạnh về sân khấu của thành phố. Thời gian tới, thành phố Hải Phòng tiếp tục đầu tư cho hoạt động này.
Mới đây, trong cuộc gặp gỡ của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng với các tác giả để đặt hàng kịch bản phục vụ đề án “Sân khấu truyền hình“, Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định, đây là mô hình “sáng nhất” trong đời sống sân khấu của nước ta hiện nay. Các địa phương khác có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của Hải Phòng.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, để triển khai Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng” hiệu quả, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã đề xuất, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng nâng gấp đôi số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình, vở diễn. Các buổi lưu diễn phục vụ nhân dân, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các xã miền núi và hải đảo tiếp tục được triển khai. Những đơn vị thực hiện Đề án này còn đang hướng tới việc phối hợp với các nhà hát Trung ương, địa phương, các nghệ sĩ nổi tiếng để triển khai các chương trình tới.
Từ tháng 11/2020 đến hết tháng 10/2021, đề án “Sân khấu truyền hình” dự kiến tổ chức 24 chương trình. Các chương trình, vở diễn có nội dung bám sát chủ đề tư tưởng theo yêu cầu đề án và chia theo dòng chảy lịch sử với các nhóm chủ đề: lịch sử, dân gian huyền thoại, hiện đại. Các tác phẩm kinh điển của thế giới, Việt Nam, các tác phẩm đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, hội diễn; các tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như: Shakespeare, Lưu Quang Vũ, Tào Mạt… sẽ được dàn dựng, biểu diễn trong thời gian tới.