Tết Dương lịch về thăm nhà chồng, con dâu biếu 2 triệu bị mẹ chê ít trả lại: ‘Sợ mang tiếng’

Biếu bố mẹ chồng giỏ trái cây và 2 triệu tiền mặt nhân dịp Tết Dương lịch, con dâu vẫn bị mẹ chồng “hờn”. Tấm lòng của con người hóa ra cũng có thể đong đo bằng tiền bạc thay vì sự thấu hiểu, thương yêu.

Nỗi lo của nhiều chị em khi kết hôn là vấn đề biếu quà Tết cho nội ngoại hai bên, lúc nào cũng phải cân đo thế nào cho êm thấm đôi đường lại không mang tiếng thiếu trách nhiệm. Mới đây, một người vợ đã đăng đàn tâm sự của mình về chuyện tiền nong biếu xén bên nhà chồng lên mạng xã hội. Theo chị này chia sẻ, Tết Dương lịch năm nay có ý định không về nhà chồng, định dồn về vào Tết Ta vì kinh tế năm nay cũng khó khăn. Tuy nhiên, do chồng sợ bố mẹ phật ý, sinh buồn phiền trách móc nên chị vợ cũng xuôi lòng.

Thay vì đón tiếp tấm lòng của con cái, gác công ăn việc làm để về sum họp trong ngày đầu năm, mẹ chồng lại giở giọng hờn dỗi khi biết năm nay chỉ nhận quà Tết là giỏ trái cây và 2 triệu đồng tiền mặt: “Ngoài giỏ hoa quả, em biếu thêm bố mẹ chồng 2 triệu, mọi năm em biếu 5 triệu. Không ngờ vừa nhìn tiền con dâu đưa, mẹ chồng em thở dài bảo: ‘Con cái mỗi ngày một trưởng thành tiếc rằng sự quan tâm dành cho bố mẹ cũng hao hụt theo năm tháng’.

Bà không nói thẳng mà bóng gió như thế. Tất nhiên em nghe là hiểu ngay. Tuy nhiên, chưa để em lên tiếng, giọng bà vẫn đều đều: ‘Thôi, các con cầm lại tiền đi, mang tiếng bố mẹ nhận’.

Nghe bà nói thế, em ức chế kinh khủng, bởi từ lúc các con về bà không hỏi han tình hình các con thế nào mà chỉ chăm chăm quan tâm tới tiền. Mệt mỏi, em trình bày luôn: ‘Con cũng biết là số tiền biếu bố mẹ chẳng đáng là bao nhiêu. Thôi thì của ít lòng nhiều, gọi là tấm lòng của chúng con mong bố mẹ nhận để bọn con vui.

Thực sự con cũng muốn biếu bố mẹ nhiều hơn nhưng bố mẹ biết đó, kinh tế năm nay khó khăn chung, đấy là chưa kể chồng con nghỉ việc mấy tháng nay rồi. Chắc phải ra Tết mới có việc mới. Hiện tại tài chính của bọn con đang eo hẹp nên con chỉ có thể làm những gì trong khả năng của mình. Con mong bố mẹ đừng hiểu sai tấm lòng của chúng con’.

Nói thật, ban đầu em cũng không định để bố mẹ chồng biết con trai ông bà thất nghiệp vì không muốn để họ phải lo. Song trong tình thế đó, em quyết định tốt nhất nói rõ để ông bà hiểu hoàn cảnh mà thông cảm. Không chỉ việc biếu Tết mà còn nhiều việc về sau nữa, rằng sức bọn em có hạn, con trai ông bà cũng không phải siêu nhân mà cứ hô cái là xuất tiền được luôn.

Nghe con dâu nói xong, cơ mặt mẹ chồng em mới dần dãn ra. 2 ngày nghỉ, thái độ của bà với em cũng vui vẻ, ôn tồn hơn rất nhiều. Lúc vợ chồng con cái em lên xe đi, bà còn gói ghém cho nào là trứng, rau, gạo các kiểu rồi động viên em cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn. Thấy bà thế, em nhẹ cả lòng”, người con dâu cho biết.

Tâm sự của chị nhanh chóng nhận về hơn 5 nghìn lượt thích sau khi được đăng tải và ít nhiều cũng thay lời muốn nói cho nhiều hoàn cảnh tương tự. Biết rằng việc phụng dưỡng bố mẹ hằng tháng rồi biếu tặng quà cáp, tiền bạc vào dịp lễ tết là trách nhiệm của con cái. Đó như bày tỏ lòng hiếu kính, giúp bố mẹ vui vẻ, tự hào khi con thành đạt. Tuy nhiên cũng cần phải dựa vào tình hình kinh tế, đâu thể đặt ra một quy chuẩn là phải gửi nhiêu đó tiền.

Có nhiều gia đình, con cái giàu gửi về cho bố mẹ tiền tiêu vặt rất nhiều nhưng đổi lại hiếm khi sum họp cùng. Còn câu chuyện ở trên, con cái dù xa nhà nhưng vẫn ráng thu xếp về đoàn viên bố mẹ trong ngày đầu năm, tấm lòng đáng quý đó là điều nên tuyên dương. Chưa kể, con dâu cũng khéo léo gửi tặng quà Tết Dương lịch lẫn Tết Ta nhưng vẫn bị hờn dỗi. Mang tấm lòng ra cân đo đong đếm dựa trên tiền bạc, có phải là quá vật chất thực dụng, thậm chí không hiểu được tình hình con cái cũng khó khăn ra sao trong năm dịch bệnh vừa qua?!

Một điều hay trong câu chuyện chính là tiếng nói của con dâu, chị giải thích cho bố mẹ chồng hiểu bằng thái độ lịch sự. Nếu chưa được hiểu thì giải thích thay vì im lặng, ấm ức chịu đựng. May mắn, mẹ chồng đã hiểu chuyện, từ đó mới có thông cảm và càng thương quý các con hơn. Mối quan hệ nào cũng vậy, nếu có điều gì khuất tất, ấm ức thì phải biết lựa lời, lựa thời điểm để bàn bạc trao đổi thay vì cứ ôm mãi trong lòng rồi dồn nén thành uất giận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *