Tác giả Kiều Trường Lâm lại giới thiệu chữ viết mới với tên gọi ‘Chữ viết bảo mật thời 4.0’

Theo luật sư, chữ viết thể hiện văn hóa, lịch sử, chủ quyền quốc gia của dân tộc, muốn dạy thí điểm cũng phải được Bộ GD-ĐT cho phép.

Thông tin một trong hai tác giả của “Chữ Việt Nam song song 4.0” muốn dạy thí điểm cho học sinh bộ chữ mới đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, chia sẻ trên báo chí, tác giả Kiều Trường Lâm bày tỏ mong muốn thí điểm cho một nhóm nhỏ học sinh học và sử dụng bộ chữ “Chữ Việt Nam song song 4.0” rồi lấy ý kiến đánh giá của học sinh tham gia thử nghiệm. Nếu đạt tỷ lệ ủng hộ trên 90% thì sẽ nghĩ tới việc xin ý kiến của Bộ GD-ĐT cấp phép cho thử nghiệm phổ biến rộng rãi cho học sinh.

Trao đổi với Đất Việt, LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định, tôn trọng quyền sáng tạo của mỗi cá nhân nhưng chữ viết của một quốc gia, dân tộc hết sức hệ trọng, nó là phương tiện giao tiếp và thể hiện lịch sử, văn hóa của dân tộc đó, cho nên không thể tùy tiện muốn thay đổi là được.

Cách đây 2 năm, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đã gây ồn ào dư luận và bị phản đối gay gắt. Giờ đây hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình lại đề xuất bộ chữ mới là chữ viết không dấu cũng khiến số đông công chúng phản đối.

Theo LS Trương Xuân Tám, muốn cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia phải có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Dù tác giả bộ chữ mới muốn dạy thí điểm thì nó cũng phải nằm trong chương trình giáo dục và chương trình ấy phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, không thể tùy tiện mà tiến hành được.

“Không thể có chuyện muốn dạy thế nào thì dạy, kể cả dạy thí điểm nhóm nhỏ, bởi nó sẽ gây nên tình trạng lộn xộn trong xã hội. Dù là dạy thí điểm thì cũng phải được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, và phải dạy những gì mà Luật Giáo dục cho phép.

Điều 11 Luật Giáo dục có quy định về Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục. Theo đó, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu, người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo quy định của Luật Người khuyết tật”, LS Trương Xuân Tám nói.

Trong khi đó, GS.TS Đinh Văn Đức, nguyên giảng viên bộ môn Ngôn ngữ học của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tại hội thảo khoa học 100 năm chữ quốc ngữ do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật TP.HCM phối hợp với Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức vào ngày 21/12/2019 tại TP.HCM, ông đã nêu rõ ràng quan điểm về việc cải tiến chữ quốc ngữ.

Trong tham luận của mình, ông chỉ ra hai lý do không cần thiết phải cải tiến chữ quốc ngữ lúc này.

Thứ nhất, về mặt học thuật (Ngôn ngữ học), chữ quốc ngữ là văn tự có nguồn gốc chữ Roman. “An-pha-bê” là thứ chữ ghi âm theo lối phân suất âm vị học các ngôn ngữ biến tố (chủ yếu ở châu Âu).

Thế kỉ XVII, khi làm chữ quốc ngữ, các giáo sĩ tuy không phải nhà ngôn ngữ học nhưng rất giỏi trong hai việc: Dùng nhóm chữ cái để ghi rời từng âm tiết (cốt lõi của ngôn ngữ đơn lập); Ghi các thanh điệu (trên nguyên âm của mỗi âm tiết).

Sau những thăng trầm, chữ quốc ngữ thế kỉ XX đã xác định được cương vị. Về mặt kĩ thuật là tuyệt vời, về mặt văn hóa đã trở thành một thành tố quý hóa của văn hóa Việt.

Giáo sư Đức nói rằng, mong muốn hoàn thiện chữ Quốc ngữ cũng là thiện ý. Nhưng cũng đừng nhầm lẫn với phát âm văn tự.

Với người Việt, phát âm thành từng âm tiết rời là điều tự nhiên nhất. Việc chữ Quốc ngữ ghi âm theo âm vị học là một phát minh kĩ thuật.

Theo đó, một âm vị có thể được ghi bằng một con chữ hoặc hơn thế. Bảng chữ cái Việt không phải và không thể là bảng ghi âm IPA (dùng để ghi âm tố của lời nói).

Chữ (kể cả Quốc ngữ) luôn có độ bền hơn ngữ âm (người nói luôn tạo ra những thói quen mới theo nhu cầu giao tiếp và sự tiếp xúc ngôn ngữ).

“Vậy thì xin tôn trọng người bản ngữ (họ luôn đúng và có lý), cải cách chữ viết nên theo tinh thần “không ngứa không gãi”, Giáo sư Đức nêu quan điểm.

Thứ hai, về mặt văn hóa, sửa chữ viết là động đến văn hóa, mà văn hóa thì bền vững và có bộ lọc cực kì tinh tế. Văn hóa không bao giờ dễ dãi với hành vi cộng đồng, bởi vậy GS Đức đề nghị thận trọng, không thể đơn giản trong hành động cải tiến chữ quốc ngữ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *