Chủ đề tặng quà cho thầy cô giáo ngày 20-11 luôn thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh vì rất nhiều người vẫn còn băn khoăn tặng quà thế nào để thể hiện đầy đủ ý nghĩa tri ân thầy cô giáo.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống từ xa xưa của dân tộc. Từ nhỏ ai cũng nằm lòng câu: “Muốn sang phải bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Nhưng làm sao để thể hiện sự “yêu” với thầy thì không hẳn ba mẹ nào cũng biết. Nhiều khi rất yêu kính thầy cô nhưng món quà “phản cảm” cũng làm mất đi ý nghĩa tôn quý. Vậy nên chủ đề tặng quà cho thầy cô giáo ngày 20-11 luôn thu hút sự quan tâm của các bậc cha mẹ.
Thật ra có 2 trường phái tặng quà nhân ngày Nhà Giáo. Một bên cho rằng món quà phải thể hiện ý nghĩa nhân văn. Bên còn lại thì chủ trương tặng những món quà đắt tiền và mang ý nghĩa thiết thực. Dù là thế nào thì đều đáng trân trọng nếu thật sự xuất phát từ cái tâm yêu mến thầy cô chứ không phải tặng quà vì muốn con em mình được thầy cô nâng đỡ về thành tích và điểm số..
Về phía thầy cô giáo, ngày 20-11 là ngày họ cảm thấy hạnh phúc vì nhận được nhiều tình cảm của học trò, phụ huynh thể hiện qua những giỏ hoa hay tấm thiệp xinh xinh. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp trồng người. Song nhiều thầy cô cũng cảm thấy e ngại khi nhận các phần quà giá trị từ cha mẹ học sinh. Những bao thư hay món quà có giá trị tiền triệu vô tình làm thầy cô cảm thấy vô cùng “áp lực”.
Mới đây, một giáo viên tiểu học tên H. ở Hà Nội đã chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ vào ngày 20-11 năm ngoái. Mọi năm cô vẫn thường nhận quà là hoa, bánh kẹo của học sinh. Nhưng năm vừa rồi, một phụ huynh khi mua hoa để con tặng cho cô đã kèm thêm 2 chiếc thẻ điện thoại mệnh giá 500.000 đồng vào trong bó hoa. Trước món quà đắt tiền, cô cảm thấy rất khó xử. Song để không ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, cô vẫn vui vẻ nhận quà.
Nhưng ngày hôm sau, cô thưởng cho em học sinh tặng hoa một gói bánh cô tự làm với lý do khen ngợi thành tích học tập tiến bộ của em trong thời gian qua. Cô còn dặn em ấy phải mang bánh về và ăn cùng bố mẹ.
Khi mở gói bánh, cha mẹ em học sinh thấy bên trong có thêm lá thư và 2 chiếc thẻ điện thoại. Trong thư cô giáo cảm ơn tấm lòng của phụ huynh đối với cô nhưng xin được gởi lại món quà có giá trị lớn.
Cách ứng xử khéo léo của cô đã nhận được nhiều sự đồng tình và cảm phục khi câu chuyện được chia sẻ.
Câu chuyện trên cũng là kinh nghiệm cho tất cả phụ huynh khi tặng quà cho giáo viên. Đôi khi những món quà đắt tiền lại làm giáo viên không cảm thấy thoải mái. Với tâm hồn bao dung của một nhà giáo, họ lo lắng những món quà đắt tiền có thể làm nhiều học sinh khác (nếu biết được) sẽ cảm thấy buồn vì món quà của các em nhỏ hơn, không giá trị bằng. Đồng thời, họ cũng e dè những phần quà nặng về vật chất có thể có thêm “ngụ ý” thiếu minh bạch nào đó.
Còn gì hạnh phúc bằng khi nhận được những bó hoa tươi thắm, những tấm thiệp còn thơm mùi mực từ các cô cậu học trò nhỏ. Nhưng thầy cô sẽ càng hạnh phúc hơn nếu tất cả các ngày trong năm, họ luôn nhận được sự yêu mến và tôn trọng của phụ huynh và học sinh. Điều đó thể hiện qua thái độ lễ phép, chăm chỉ học hành của học sinh cũng như sự kết nối vững chắc giữa phụ huynh với giáo viên trong việc giáo dục con trẻ.
Xin hãy dành sự tri ân thầy cô không chỉ ngày 20-11. Bất kỳ ngày nào trong năm, chúng ta cũng hãy biết ơn giáo viên bởi họ đã cùng chúng ta chia sẻ trách nhiệm dạy dỗ con cái. Vì thật ra, thời gian các con ở trường, ở bên thầy cô có thể còn nhiều hơn ở bên cha mẹ. Do vậy, thầy cô cũng chính là người cha, người mẹ thứ hai của con cái chúng ta.