Phụ huynh dậy sóng SGK Tiếng Việt lớp 1 chứa nội dung ‘nhảm nhí’, BGD yêu cầu Hội đồng kiểm tra

Thời gian qua, rất nhiều phụ huynh phản ánh một số nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 được cho là nhảm nhí, thiếu tính giáo dục. Không chỉ vậy, nhiều người còn cho rằng không ít khái niệm được “đánh tráo” một cách cẩu thả, thiếu kiểm soát.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1.

Ảnh chụp màn hình Dân trí

Công văn nêu rõ, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 05 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.

Tuy nhiên hơn một tuần nay, những phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có nội dung chưa phù hợp lan truyền trên phương tiện truyền thông. Vì vậy, Bộ đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 rà soát, kiểm tra nội dung báo chí nêu và có báo cáo gửi về Bộ trước ngày 17/10.

GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt, cho hay sẽ lên kế hoạch tổ chức họp 15 thành viên để rà soát theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quá trình thẩm định trước đó, Hội đồng đã xem xét từng trang, bài, câu hỏi, câu chữ, tranh vẽ để đánh giá.

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.

Bài tập đọc “Chuột út” trong sách giáo Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều

Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt “nặng và khó hơn” so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực. Sách quá nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.

Vài ngày sau đó, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là dạy thói xấu cho học sinh. Tuy nhiên, Tổng chủ biên bộ sách khẳng định nhóm biên soạn đã làm rất kỹ. Các truyện được sử dụng mang thông điệp tích cực chứ không tiêu cực như nhiều người phản ánh.

Cụ thể, trong bài tập đọc “Chuột út”, bộ sách Cánh Diều đưa ví dụ: “Mẹ bận làm bếp. Chuột út buồn, lũn cũn đi ra sân. Đến trưa, về nhà, nó ôm mẹ kể: Mẹ ạ, trên sân có một con thú dữ lắm. Mũ nó đỏ, mỏ nhọn, mắt thô lố. Nó quát rõ to. Con sợ quá. Chuột mẹ đáp: Con thú đó rất hiền. Nó chỉ muốn đùa con. (Theo Lép-Tôn-Xtôi)”.

Câu chuyện “Ve và ga” (phỏng theo truyện thơ ngụ ngôn “Ve và kiến” của La- Phông ten) trong sách Tiếng Việt 1

Một phụ huynh cho hay: “Tôi thấy quá vô lý khi con gà trống bình thường vốn dĩ rất hiền lành thì nay lại được gọi là “thú dữ”. Kể cả là sáng tạo đi nữa cũng không thể hợp lý được. Tôi thấy sách Tiếng Việt này còn không bằng cuốn trước đây chúng tôi được học khi quá nhiều điều khó hiểu. Người lớn còn mông lung trẻ con hiểu sao cho đúng”.

Đáng chú ý không chỉ gọi sai về khái niệm, nhiều câu chuyện được trích dẫn trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cũng gây băn khoăn về tính nhân văn, độ hợp lý khi tiếp cận, đặc biệt là hai câu chuyện “Cua, cò và đàn cá”, “Ve và gà”.

Trong câu chuyện “Cua, cò và đàn cá” nội dung được thể hiện như sau: “Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần chén hết đàn cá”.

Còn câu chuyện “Ve và gà”, nội dung lại được thể hiện là: “Mùa thu đi qua. Cỏ lá khô cả. Nhà ve chả có gì. Ve gặp gà, ngỏ ý: Chị… cho ve tý gì nhé. Gà cho ve và thủ thỉ: Ve chăm múa và chăm làm nữa sẽ chả lo gì”.

Nguyễn Huy Lâm (học sinh lớp 10D5, trường THPT Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Em không hiểu cụ thể nội dung của câu chuyện. Cô giáo bọn em bảo khi dùng từ “chén” là phản cảm sao lại cho vào có trong đoạn trích. Em và các bạn đều không hiểu gà “chăm múa” và “chăm làm” nghĩa là gì”.

Không thể phủ nhận những áp lực khi làm sách cho học sinh lớp 1 khi lần thay đổi sách giáo khoa này được sự kỳ vọng rất lớn từ cả xã hội. Càng không phủ nhận sự sáng tạo khi đưa những câu chuyện ngụ ngôn để dạy học sinh đọc viết.

Tuy nhiên, bất kể sự sáng tạo nào cũng phải đi kèm với sự chuẩn mực, hợp lý tránh gây bức xúc, trăn trở cho phụ huynh, giáo viên, học sinh. Hàng vạn “chủ nhân tương lai” của đất nước đang được học sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, nếu lệch chuẩn, hậu quả sẽ không thể nàođong đếm được.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *